Giải cứu nông sản vùng dịch

Cần giải pháp căn cơ

- Thứ Hai, 22/02/2021, 14:50 - Chia sẻ
Hình ảnh hàng trăm người dân tập trung hơn 1 giờ giữa trưa nắng trên đường Giải Phóng đợi xe nông sản từ Hải Dương lên để mua vì địa phương này đang gặp khó trong tiêu thụ nông sản vì dịch Covid -19 thực sự gây xúc động về tình người, về sự sẻ chia trong dịch bệnh. Tuy nhiên, phía sau những hình ảnh đẹp ấy là một câu hỏi, giải pháp căn cơ gì để bà con nông dân địa phương vùng dịch không phải cầu cứu?.

Không chỉ Hải Dương, Hải Phòng cũng là địa phương mà nông dân cũng mong muốn được "giải cứu" các sản phẩm nông sản. Mới đây, Hội Nông dân TP Hải Phòng vừa có văn bản kêu gọi các tổ chức, cá nhân quan tâm hỗ trợ tiêu thụ giúp hàng loạt nông sản của người dân trên địa bàn bị ứ đọng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Những năm trước, các sản phẩm của bà con nông dân đều được hợp tác xã nông nghiệp xã phối hợp với các doanh nghiệp của tỉnh Hải Dương đứng ra bao tiêu sản phẩm nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn tới việc lưu thông bị ách tắc, tiêu thụ gặp khó khăn. Giá thành với các sản phẩm bắp cải và súp lơ tại huyện Tiên Lãng chỉ dao động từ 2.000 -5.000 đồng/kg, có thể mua với giá rẻ hơn nếu mua tại ruộng. Người dân hiện chấp nhận không có công mà chỉ cần thu hồi vốn giống cây, phân bón.

mua rau giai cuu anh 7
Xe chở 5,5 tấn rau được người dân hỗ trợ để chuyển xuống vỉa hè. Mỗi túi được đóng sẵn 20 củ su hào hoặc 7 quả bắp cải có giá 50.000 đồng. Nguồn: zingnews.vn

Hải Dương là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề trong lần dịch bùng phát này. Theo Sở NN-PTNT Hải Dương, trên địa bàn tỉnh còn 4.087 ha rau vụ đông đang đến kỳ thu hoạch với sản lượng khoảng 90.767 tấn, chủ yếu là hành 55.902 tấn, cà rốt 26.766 tấn, rau bắp cải, su hào, súp lơ, rau ăn lá các loại 8.100 tấn. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm nông sản đang gặp khó khăn bởi dịch Covid – 19. Trong khi đó, trước tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Hải Dương, hiện nay một số tỉnh, thành phố có quy định khi xe chở hàng hóa đi từ Hải Dương qua các chốt của tỉnh, thành khác thì lái xe phải có giấy xét nghiệm PCR âm tính với SARS-COV-2 (của CDC Hải Dương).

Giải cứu nông sản đang là một giải pháp cấp bách đối với hai địa phương này. Trong cơn bĩ cực ấy, người dân nhiều địa phương lại đồng lòng chia sẻ với Hải Dương, Hải Phòng bởi những cuộc chung tay giải cứu mang tính tự phát.

Những ngày qua, tại Hà Nội đã xuất hiện các điểm giải cứu nông sản cho các địa phương này. Hàng trăm người dân đứng nắng để mua cà chua, cải bắp, củ rà rốt, súp lơ… từ các điểm tập bán hàng giải cứu đã thực sự gây xúc động. Bởi như chia sẻ của nhiều người thì họ mua không chỉ vì sản phẩm rẻ mà như một cách chung tay để chia sẻ một phần khó khăn với những người nông dân vùng dịch. Và chắc chắn rằng, những người nông dân trong tâm dịch sẽ biết ơn, bởi sự sẻ chia và thấu hiểu của người dân các địa phương đối với họ trong lúc khó khăn này.

Hải Phòng: Đoàn viên, thanh niên giải cứu nông sản ứ đọng do Covid-19 - 2
Hải Phòng: Đoàn viên, thanh niên giải cứu nông sản ứ đọng do Covid-19 

Với những tỉnh nông nghiệp là chủ yếu thì việc trông chờ vào những cuộc giải cứu nhất thời này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người nông dân nói riêng, đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng. Không chỉ vậy, việc giải cứu một cách tự phát vào lúc này cũng khó bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch khi người mua tập trung rất đông. Những cuộc giải cứu này là cần thiết, nhưng chỉ là giải pháp tình thế. Điều quan trọng là cần phải có một chiến lược cho sản phẩm nông sản mang tính căn cơ, lâu dài hơn. Bởi sản phẩm được giải cứu chỉ giúp được vài hộ nông dân giải tỏa được hàng hóa. Điều quan trọng vẫn là phải đưa được hàng hóa lưu thông qua kênh xuất khẩu, hay tiêu thụ ở các tỉnh thành bởi những kênh phân phối chuyên nghiệp. Muốn thực hiện điều này đòi ngành nông nghiệp, lãnh đạo địa phương ngay từ đầu cần có nguồn đầu ra ổn định cho cho sản phẩm này. Việc kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cần phải thực hiện một các bài bản. Người nông dân là một bộ phận cấu thành trong quá trình sản xuất, lưu thông hàng hóa. Vai trò của cơ quan quản lý, hiệp hội, của doanh nghiệp rất quan trọng trong việc đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng.

Ngoài ra, một trong những khó khăn nhất hiện nay là khâu vận chuyển từ vùng nguyên liệu đến các điểm sơ chế đóng gói và vận chuyển đi ra tỉnh ngoài tiêu thụ. Trong khi vùng dịch bị ùn ứ vì sản phẩm thì một số tỉnh thành do tâm lý “sợ dịch” đã thắt chặt hơi thái quá việc kiểm dịch. Đơn cử như với hàng hóa từ Hải Dương, việc kiểm soát phương tiện chở hàng hoá sản xuất, xuất khẩu từ Hải Dương đi các nơi một số tỉnh yêu cầu lái xe chở hàng phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong thời hạn 3 ngày. Điều này cũng gây rất khó cho doanh nghiệp. Hay có tỉnh yêu cầu đối với xe chở hàng hóa từ Hải Dương thì trên xe chỉ có duy nhất 1 lái xe, không được có thêm người thứ 2…

Giải cứu nông sản không còn là câu chuyện buồn trong mùa dịch. Trước đây tình trạng này cũng đã xảy ra nhiều để nói về sản phẩm ứ đọng bởi thiếu chiến lược đầu ra cho sản phẩm. Để không còn những cuộc “giải cứu” tương tự mang tính nhất thời, ngoài sự chủ động của người nông dân, rất cần sự chủ động, vào cuộc tích cực của cơ quan quản lý, hiệp hội và doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hóa nông sản. Cùng với đó, các địa phương cùng chung tay chia sẻ với những khó khăn của vùng dịch, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong khâu lưu thông, tiêu thụ sản phẩm, tránh tình trạng “ngăn sông, cấm chợ” cực đoan. Có như vậy, chúng ta mới thực hiện được mục tiêu kép, vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Hà An