Thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Cần giải pháp cả về chính sách và tổ chức thực hiện

- Thứ Năm, 28/10/2021, 06:33 - Chia sẻ
Để thực hiện các mục tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW năm 2018 của Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, tại phiên thảo luận trực tuyến chiều qua, các đại biểu Quốc hội đề nghị, cần tiếp tục có các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa cả về chính sách và tổ chức thực hiện để gia tăng tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bởi dư địa từ khu vực này còn rất lớn. Trong đó, nhiều đại biểu đề nghị sớm xem xét điều chỉnh về chính sách, rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và đa dạng hóa hình thức tham gia, nhất là có phương thức và cách tính theo giá trị dòng tiền để tạo sự hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều người tham gia.

Chính sách chưa đủ hấp dẫn

Thay vì gửi báo cáo để các đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu như thông lệ, lần đầu tiên tại Kỳ họp này, Quốc hội đã dành riêng một buổi thảo luận toàn thể về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong 2 năm 2019 - 2020. 

ĐBQH Trần Thị Hiền phát biểu thảo luận tại điểm cầu tỉnh Hà Nam Ảnh: Thu Thảo
ĐBQH Trần Thị Hiền phát biểu thảo luận tại điểm cầu tỉnh Hà Nam
Ảnh: Thu Thảo

Hai nội dung này trước đó cũng đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại phiên họp tổ. Các đại biểu Quốc hội cho rằng, điều này đã cho thấy Quốc hội dành sự quan tâm đặc biệt với 2 chính sách trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, đồng thời cũng là dịp để người dân, xã hội hiểu rõ hơn về vai trò của BHXH và BHYT đối với cuộc sống. 

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa qua, ĐBQH Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp, người lao động rất phấn khởi, đánh giá cao việc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã đưa ra nhiều quyết sách kịp thời, chưa có tiền lệ để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Trong đó, có những chính sách liên quan trực tiếp đến BHXH như giảm mức đóng, giãn thời gian đóng một số chế độ bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm tai nạn lao động, bảo hiểm thất nghiệp… hay hỗ trợ tiền mặt cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp năm 2020. 

Dù vậy, từ thực tế thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH và BHYT thời gian qua, nhất là trong bối cảnh chịu sự tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 gần hai năm qua, nhiều ĐBQH cũng nhấn mạnh yêu cầu cần tiếp tục có các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa cả về chính sách và tổ chức thực hiện nhằm đạt các mục tiêu đề ra. 

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH trong năm 2020 đạt kết quả khả quan với tổng số người tham gia BHXH là 16,176 triệu người, tăng gần 400 nghìn người so với năm 2019 và chiếm 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) lưu ý, số người tham gia BHXH tự nguyện tuy có tăng so với năm 2019 nhưng mức đóng và số tiền đóng BHXH không cao, chủ yếu người tham gia chọn đóng BHXH tự nguyện ở mức chuẩn nghèo nông thôn (700 nghìn đồng/tháng). Mặt khác, tổng số người tham gia BHXH tự nguyện còn khá khiêm tốn, mới đạt 2,31% tổng số lực lượng lao động trong độ tuổi của đất nước.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến thực tế này, ĐBQH Nguyễn Hải Anh cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến BHXH tự nguyện chưa đạt được như mong muốn là chính sách chưa đủ hấp dẫn, trong đó có quy định về thời gian đóng vẫn tương đối dài, lên tới 20 năm trong khi chế độ hưởng còn hạn chế, đặc biệt là còn thiếu sự linh hoạt và đa dạng về hình thức đóng so với các loại hình bảo hiểm thương mại có tính chất tương tự trên thị trường. 

Để thực hiện được các mục tiêu mà Nghị quyết số 28-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH, góp phần đưa chính sách BHXH ngày càng lan tỏa trong cuộc sống, với diện bao phủ mở rộng, đại biểu tỉnh Đồng Tháp đề nghị, cần sớm xem xét điều chỉnh về quy định chính sách, rút ngắn thời gian đóng BHXH tự nguyện và đa dạng hóa hình thức tham gia, nhất là có phương thức và cách tính theo giá trị dòng tiền, tạo sự hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều người tham gia.

Chính sách linh hoạt để mở rộng diện bao phủ

Dành sự quan tâm đến thực tế số người hưởng BHXH một lần tăng cao, ảnh hưởng lớn đến tính bền vững phát triển BHXH, ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) nêu rõ, theo báo cáo, năm 2020, có 860.741 người hưởng BHXH một lần tăng 53.652 người (tăng 6,65%) so với năm 2019. Việc hưởng bảo hiểm một lần là nhu cầu thực tế của người lao động, khi đời sống, thu nhập khó khăn ảnh hưởng của dịch bệnh như hiện nay, dự báo có thể số người hưởng chế độ BHXH một lần sẽ tăng cao vào các năm tiếp theo.

Cũng qua phân tích số người hưởng BHXH một lần cho thấy, đa số là lao động trẻ, nhu cầu về chi tiêu tài chính lớn mà không tính đến việc cần tích lũy thời gian đóng BHXH để đủ 20 năm và đủ tuổi nghỉ hưu. Trong khi đó, BHXH như “của để dành”, được Nhà nước bảo hộ nhằm bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho người dân khi hết tuổi lao động. Việc nhận BHXH một lần đồng nghĩa với việc người lao động rời khỏi hệ thống an sinh xã hội và hầu hết những trường hợp không tích lũy đủ thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu hoặc nếu đủ thì mức lương hưu cũng rất thấp vì thời gian đóng BHXH ngắn nên khi về già sẽ gặp rất nhiều khó khăn và tạo áp lực lên xã hội và gia đình.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nêu rõ, người lao động lựa chọn hưởng chế độ BHXH một lần không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước nhằm thực hiện quyền được bảo đảm an sinh xã hội của người dân như Hiến pháp đã quy định. Nhận BHXH một lần là “lợi trước mắt, hại lâu dài”, bởi khi lựa chọn BHXH một lần, các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với hưởng lương hưu, làm giảm diện bao phủ an sinh xã hội.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị, Quốc hội cần xem xét sửa Luật Bảo hiểm xã hội, thực hiện các giải pháp đã được nêu tại Nghị quyết số 28 của Trung ương; thực hiện các nội dung cải cách về xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, hướng đến bao phủ toàn dân, sửa đổi điều kiện về thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt, nhằm giảm số lượng người hưởng BHXH một lần; điều chỉnh cách tính lương hưu bảo đảm kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững, tăng sức hấp dẫn và tính liên kết giữa các chế độ BHXH để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ…

Bình quân hàng năm số người rời khỏi hệ thống BHXH là 5%, như nhận định của Ủy ban Xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH. Trong khi đó, mục tiêu Nghị quyết 28-NQ/TW đặt ra là phải đưa chính sách BHXH ngày càng lan tỏa trong cuộc sống và phải làm sao để chính sách BHXH bảo đảm tốt hơn cho việc chăm lo an sinh xã hội tới mỗi người dân và người lao động. Do đó, cần phải điều chỉnh chính sách linh hoạt, phù hợp hơn để bảo đảm thực hiện được chủ trương, chính sách nhân văn, tốt đẹp này.

Anh Thảo