Cần đột phá trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

- Thứ Tư, 11/09/2013, 08:20 - Chia sẻ
Tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế đã phê duyệt, đặc biệt là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức tín dụng, đầu tư công - là nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải triển khai quyết liệt trong những tháng cuối năm 2013. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để có thể thực hiện yêu cầu này, cần những giải pháp đột phá, thay vì chỉ làm theo hình thức và hô khẩu hiệu.
 
Nguồn: vcmedia.vn

Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 339/QĐ-TTg ngày 19.2.2013. Đề án có mục tiêu rộng lớn, bao quát nhiều mặt, hướng tới việc thay đổi toàn bộ mô hình tăng trưởng kinh tế, thể hiện quyết tâm tạo ra sự thay đổi căn bản và triệt để trong cách thức phát triển kinh tế, trong đó tập trung tái cơ cấu đầu tư công, các tổ chức tín dụng, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Theo PGs.Ts Phạm Tất Thắng - nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin Thương mại, Bộ Công thương về cơ bản, các chiến lược, đề án đã có nhưng công tác triển khai còn chậm, thậm chí ở nhiều doanh nghiệp việc triển khai vẫn chỉ là hình thức, không đáp ứng yêu cầu đề ra. Vì vậy, việc Chính phủ chỉ đạo phải triển khai quyết liệt trong những tháng cuối năm 2013 thể hiện quyết tâm và tập trung sức lực đối với công tác tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt đối với khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN), lĩnh vực ngân hàng và đầu tư công.

Đến nay, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu. Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) Phùng Đình Thực cho biết, theo đề án tái cấu trúc tập đoàn đã được phê duyệt và chủ trương chung thì các tập đoàn kinh tế sẽ dần rút khỏi việc đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng nên từ nay đến hết năm 2015, PVN sẽ rút hoàn toàn vốn khỏi OCEAN BANK. Đến nay, tập đoàn này đã hoàn thành phê duyệt phương án tái cấu trúc giai đoạn 2013-2015 của các đơn vị trong tháng 7.2013 đồng thời với việc phê duyệt điều chỉnh kế hoạch 5 năm của các đơn vị thành viên (cũng trong tháng 7.2013) phù hợp với  phương án tái cấu trúc tập đoàn đã được Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, theo ông Phùng Đình Thực còn rất nhiều khó khăn trong công tác tái cơ cấu, trong đó có việc thoái vốn ngoài ngành. Do trước đây trong chủ trương chung khi thoái vốn phải bảo toàn vốn nhà nước. Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp bị lỗ, cần tính đến phương án phải cắt lỗ như thế nào thì phải chờ một hướng dẫn, quy trình tương đối cụ thể…

Ghi nhận sự chỉ đạo, điều hành vĩ mô những tháng cuối năm 2013 của Chính phủ - thông qua các Báo cáo phiên họp thường kỳ tháng 7 và tháng 8 vừa qua - đã có những đánh giá, chỉ đạo rất sát, trúng, đúng trọng tâm để tạo ra đột phá cho cả điều hành cũng như thực tiễn kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, chuyên gia kinh tế Ts Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh yêu cầu tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành và các giải pháp trong một tổng thể đồng bộ để tạo ra hiệu ứng tổng hợp và đồng đều trong tất cả các ngành, các khâu, các lĩnh vực để từ đó có sự chuyển động trong phát triển kinh tế và tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế cũng như từng lĩnh vực. Theo Ts Nguyễn Minh Phong, trong phát triển kinh tế thời gian qua có ngành đi nhanh, ngành đi chậm nhưng tính phối hợp giữa các ngành, các bộ, kể cả các địa phương cũng như ngay trong một địa phương, trong một ngành hoặc giữa các cấp ngành dường như đang có sự thiếu đồng bộ. Nếu tạo ra được sự chuyển biến đồng bộ giữa các ngành thì chắc chắn sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực cho cả những giải pháp đang làm cũng như giải pháp sẽ làm.

Theo các chuyên gia, DNNN nổi lên như là một điểm nhấn bởi trên thực tế, vai trò của DNNN rất lớn, cả trong tạo động lực phát triển và bảo đảm ổn định tương lai. DNNN đang chiếm giữ một khoản tài sản lớn cũng như các lượng tín dụng. Nếu không quản lý tốt sẽ tạo ra những hiệu ứng lan tỏa không tích cực trong vấn đề nợ, đầu tư cũng như định hướng tái cấu trúc, đặc biệt những ngành công nghiệp (trong đó có công nghiệp phụ trợ) theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Nhưng trên thực tế, rõ ràng quá trình cổ phần hóa các DNNN gần đây đang bị chững lại, thậm chí có những đề án đang bị lỗi hẹn và một số đề án chưa được thông qua. Vì vậy, những chỉ đạo vừa qua của Chính phủ trong việc đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là ba lĩnh vực đầu tư công, DNNN và ngân hàng được ghi nhận là khá kiên quyết, cho thấy quyết tâm của Chính phủ cũng như yêu cầu của việc thúc đẩy quá trình tái cấu trúc đặc biệt là khu vực kinh tế công của Việt Nam. Theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh các giải pháp phải được ban hành đồng bộ từ các cấp bộ, ngành, địa phương cũng đồng thời phải làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát.

Nguyên Linh