Cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để thực hiện sứ mệnh của Đảng đối với nhân dân và Quốc hội

- Chủ Nhật, 15/09/2013, 08:51 - Chia sẻ
Khẳng định yếu tố quan trọng nhất làm nên những thành tựu rất đáng trân trọng và tự hào của QH ta ngày nay chính là sự đổi mới trong nhận thức, tư duy và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với QH, song NGUYÊN ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, NGUYÊN ỦY VIÊN UBTVQH, NGUYÊN CHỦ NHIỆM ỦY BAN ĐỐI NGOẠI VŨ MÃO nêu thực tế, trong quá trình lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cũng có một số ý kiến trái chiều về vai trò lãnh đạo của Đảng, thậm chí đề nghị đa đảng... Nhưng với tình hình của chúng ta hiện nay và cả truyền thống lịch sử cách mạng trong gần thế kỷ vừa qua, dứt khoát phải giữ vai trò của Đảng là lực lượng lãnh đạo toàn diện và duy nhất.
Vấn đề đặt ra là Đảng cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa để thực hiện sứ mệnh của mình với nhân dân và Nhà nước, trong đó có QH. Điều này không những không làm giảm vai trò lãnh đạo của Đảng mà ngược lại, càng làm tăng vai trò của Đảng, làm tăng uy tín và sức mạnh của Đảng.

- Trong bối cảnh sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhiều ý kiến khẳng định QH đã ngày càng đổi mới, ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả. Dẫu vậy, để đáp ứng yêu cầu của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, QH phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa. Là người gắn bó với QH qua nhiều nhiệm kỳ, nguyên Chủ nhiệm thấy hoạt động của QH vừa qua như thế nào?

- QH trong những nhiệm kỳ gần đây đã ngày càng dân chủ, thực chất và hiệu quả, có nhiều đổi mới cả trong tư duy và thực tiễn hoạt động. Điều này có thể thấy rõ qua sự quan tâm, tin tưởng của dư luận xã hội, của cử tri đối với hoạt động của QH, nhất là các Kỳ họp của QH. Trở lại với thời điểm năm 1986, khi đất nước ta bắt đầu tiến hành công cuộc Đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tôi còn nhớ, tại Kỳ họp đầu tiên của QH Khóa VIII, năm 1987, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã có một bài phát biểu trước QH. Tổng bí thư có nói rằng, thực ra chúng ta chưa hài lòng về hoạt động của QH, Đảng và nhân dân cũng chưa hài lòng về hoạt động của QH. Tổng bí thư ví QH thời kỳ trước đó như cây kiểng - theo ngôn ngữ miền Nam hay cây cảnh theo ngôn ngữ miền Bắc, ý là chức năng, nhiệm vụ, hoạt động và vai trò của QH lúc đó còn rất hạn chế. Tất nhiên, có yếu tố lịch sử tác động là từ sau nhiệm kỳ QH Khóa I, nước ta liên tiếp phải tiến hành cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nên QH không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình. Nói như vậy để thấy, từ năm 1987 đến nay, những thành tựu mà QH ta đã đạt được trên tất cả các lĩnh vực từ lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước... là rất đáng trân trọng và rất đáng tự hào. Công tác lập pháp chẳng hạn, từ nhiệm kỳ QH Khóa VII trở về trước, tôi nhớ, mỗi năm QH chỉ thông qua được 5 - 7 dự án luật; từ Khóa VIII, số lượng các dự án luật được xem xét, cho ý kiến và thông qua tăng dần lên, hiện nay, mỗi Kỳ họp, QH cũng thông qua hơn 10 dự án luật. Cùng với đó là chất lượng các dự án luật đã được nâng lên, quy trình lập pháp ngày càng chặt chẽ hơn...

Một dấu ấn quan trọng của QH ta từ sau đổi mới đến nay là phương thức hoạt động ngày càng dân chủ. Tôi có điều kiện gặp gỡ, trao đổi với nhiều bạn bè quốc tế, họ rất hoan nghênh hoạt động của QH ta, thậm chí, ở một số lĩnh vực, họ còn đánh giá rằng, hoạt động của QH còn hay, còn mạnh mẽ hơn cả QH nước họ. Có nghị sỹ nước bạn nói với tôi, tôi tưởng nước ông có một Đảng lãnh đạo thì hoạt động QH chắc không có ý kiến trái chiều, không có tranh luận, giải trình gì cả. Nhưng khi sang Việt Nam, trực tiếp chứng kiến sinh hoạt của QH ta thì bạn lại ngỡ ngàng bảo: phương thức hoạt động của QH Việt Nam có nhiều điểm độc đáo để học tập; tranh luận giữa cơ quan lập pháp và hành pháp cũng rất sôi nổi, đa chiều; các bộ trưởng, thậm chí là Thủ tướng cũng phải đăng đàn trả lời chất vấn của ĐBQH hoặc phải giải trình trước QH, giải trình, trả lời chất vấn xong mà không làm hài lòng các ĐBQH thì các ĐBQH tiếp tục có ý kiến khiến thành viên Chính phủ cũng toát mồ hôi chứ chẳng chơi. Họ bảo, ở nước họ, đa nguyên đa đảng thì sinh hoạt của nghị viện cũng chỉ đến thế thôi!

Việc QH truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã đưa lại một sinh khí mới trong sinh hoạt của QH, và điều quan trọng là đã tạo ra hiệu ứng của lòng dân. Niềm tin vào QH được nâng lên một tầm cao mới. Từ thực tiễn ấy, bây giờ đã mở rộng truyền hình trực tiếp sang những lĩnh vực quan trọng khác như thảo luận về KT - XH, ngân sách, giám sát và gần đây là truyền hình trực tiếp cả những phiên thảo luận về các dự án luật có phạm vi điều chỉnh và đối tượng tác động lớn... càng được nhân dân cả nước quan tâm theo dõi.

 Vũ Mão

Dấu ấn Nha Trang


Ân tình về với Nha Trang
Để cùng bàn luận sửa sang luật này(1)
Đêm ngày hồì hởi hăng say
Thế mà hiệu quả chừng này, thế thôi!

Hôm nay, lòng dạ bồi hồi
Thiết tha đóng góp những lời tự tâm
Gắng công đề xuất xứng tầm
Vượt qua e ngại hiểu lầm đôi khi.

Nha Trang cảnh sắc cầm thi
Mặt mừng tay bắt thầm thì yêu thương(2)
Bởi chưng qua những dặm trường
Nặng lòng nhân nghĩa muôn phương dạt dào.

Đã từng đất thấp trời cao
Xứng danh con cháu máu đào cha ông
Tâm thành tuôn chảy dòng sông
Sắt son tình nghĩa ấm nồng quê hương.

Nha Trang, ngày 6 tháng 9 năm 2013

Trường Sa

Nghìn năm đất nước quê cha
Nghìn năm dáng mẹ muối hòa biển xanh
Vẫn con sóng biếc long lanh
Vẫn Trường Sa ấy đảo lành yêu thương...
Đảo Trường Sa lớn – 1985
______________
1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị bàn về việc sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội tại Nha Trang. Phó chủ tịch Uông Chu Lưu chủ trì Hội nghị.
2. Có dịp gặp lại những người bạn cũ như chị Nguyễn Thị Hoài Thu, anh Nguyễn Ngọc Trân, Vũ Đức Khiển, Bùi Ngọc Thanh... thật là vui. Chúng tôi đã cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xưa và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết cho Hội nghị.

Minh họa của Dũng Sỹ

- Từ “QH như cây kiểng” đến một QH ngày càng dân chủ, thực chất và được nhân dân đồng tình và được bạn bè quốc tế đánh giá cao như ngày nay, theo nguyên Chủ nhiệm, thành tựu của QH được kết tinh từ những yếu tố nào?

- Thành tựu của QH ngày nay là do tác động tổng hòa của rất nhiều yếu tố, nhưng cá nhân tôi cho rằng, yếu tố quan trọng nhất chính là năng lực của ĐBQH và vai trò lãnh đạo của Đảng. Sự đổi mới trong nhận thức, tư duy của lãnh đạo Đảng đến đâu thì QH đổi mới đến đó. Trở lại với thời điểm đầu tiên tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, trong phát biểu tại Kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ QH Khóa VIII, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nói rõ, Bộ Chính trị phân công đồng chí Võ Chí Công - khi đó là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước - phụ trách hoạt động của QH; Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công và Chủ tịch QH Lê Quang Đạo có trách nhiệm cùng bàn bạc và giải quyết tất cả các công việc của QH, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng chỉ nghe và cho ý kiến đối với những chủ trương lớn và những vấn đề thật cần thiết. Vì thế, nhiệm kỳ QH Khóa VIII rất điển hình, các công việc của QH được xử lý nhanh chóng và hiệu quả, không bị mắc mớ gì. Đảng cũng không can thiệp sâu vào hoạt động của QH.

Câu chuyện về công tác nhân sự cấp cao của Nhà nước tại Kỳ họp giữa năm 1988 có thể xem là minh chứng sinh động cho sự đổi mới tư duy lãnh đạo của Đảng với QH ở giai đoạn này. Đầu năm 1988, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng mất. Tại Kỳ họp giữa năm đó, QH tiến hành bầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng mới. Đảng giới thiệu người ứng cử chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng là đồng chí Đỗ Mười. Nhưng khi ra đến QH, nhiều đại biểu đề nghị giới thiệu thêm một người nữa để tranh cử là đồng chí Võ Văn Kiệt. Đề xuất này của QH đã được Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Bộ Chính trị đồng ý. Nếu Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh không đồng ý với đề xuất này thì QH cũng khó có thể thực hiện được việc bỏ phiếu bầu 1 trong 2 ứng cử viên vào vị trí Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Ở thời điểm đó, việc chúng ta giới thiệu 2 ứng cử viên để QH bầu lấy 1 người giữ vị trí quan trọng như vậy trong bộ máy Nhà nước được bạn bè quốc tế đánh giá cao, người ta nhìn thấy sâu thẳm đằng sau hoạt động này là tư duy đổi mới mạnh mẽ của Việt Nam. Tiếc là sang nhiệm kỳ QH Khóa IX, hoạt động của QH có xu hướng chậm trở lại do quan điểm của một số lãnh đạo cấp cao của Đảng lúc đó cho rằng, mọi vấn đề của QH, các luật, pháp lệnh của QH, UBTVQH đều phải đưa ra Bộ Chính trị xem xét. Việc giới thiệu nhiều ứng cử viên để chọn lấy 1 người xứng đáng nhất của QH Khóa VIII chỉ là việc xử lý một tình huống đặc biệt, chưa trở thành chủ trương thống nhất, xuyên suốt trong công tác cán bộ của Đảng ta.

Từ nhiệm kỳ QH Khóa XI trở lại đây thì phương thức lãnh đạo của Đảng đối với QH tiếp tục có những đổi mới. Nhiều vấn đề được Bộ Chính trị nêu lên để QH thảo luận rồi sau đó Bộ Chính trị nghe lại ý kiến của QH. Trên cơ sở đó, đã tạo ra sự thống nhất giữa Đảng và QH. Đó mới là ý Đảng lòng Dân.

- Những vấn đề nào, theo nguyên Chủ nhiệm đã thể hiện rõ nét sự đổi mới trong phương thức lãnh đạo của Đảng đối với QH từ nhiệm kỳ QH Khóa XI đến nay?

- Câu chuyện về dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam là một ví dụ điển hình. Xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam là một chủ trương của Đảng thì Chính phủ mới nghiên cứu, lập dự án. Dự án đã được Chính phủ trình Bộ Chính trị cho ý kiến và Bộ Chính trị đã đồng ý để Chính phủ trình QH. Cái mới ở đây là, Bộ Chính trị không đưa ra kết luận rằng, QH ra Nghị quyết thông qua với chủ trương này. Trên thực tế, không khí thảo luận ở QH rất sôi nổi với những lập luận sắc sảo. Cuối cùng dự thảo Nghị quyết về vấn đề này đã không được thông qua và QH yêu cầu Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để tìm ra những giải pháp hợp lý, hiệu quả cao hơn. Đây là một nét đẹp trong sinh hoạt của QH. Rõ ràng rằng, nếu kết luận của Bộ Chính trị về dự án của Chính phủ là yêu cầu QH xem xét, thông qua thì câu chuyện sẽ khác.

Đấy chính là vai trò lãnh đạo của Đảng. Vì nói gì thì nói, thể chế của chúng ta là Đảng lãnh đạo toàn diện đất nước và xã hội, nếu Đảng khẳng định cứng là trình QH thông qua thì QH có muốn cũng không thể nói khác được. Nhưng Đảng chỉ đồng ý về chủ trương và yêu cầu Chính phủ trình QH xem xét, quyết định. Khi QH không thông qua dự án này, Đảng tôn trọng quyết định của QH. Phương thức lãnh đạo như vậy là dân chủ và phát huy được trí tuệ của ĐBQH, phát huy được tiếng nói của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, câu chuyện về dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam cũng có những vấn đề cần phải suy nghĩ. Nếu người đứng đầu Đảng ta, nếu Bộ Chính trị không đưa ra quyết định sáng suốt như thế mà lại nói rằng: QH xem xét, thông qua dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam thì sao? Dự án này chắc sẽ vẫn được thông qua cho dù nhiều ĐBQH có thể đều thấy là chưa ổn. Tức là hiện nay, tôi có cảm giác, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với QH dường như vẫn phụ thuộc vào con người, vào cá nhân chứ chưa thành hẳn một cơ chế mang tính chất pháp lý bắt buộc. Vấn đề ở đây là nhân trị hay pháp trị?

- Nguyên Chủ nhiệm có đề xuất gì để tiếp tục đổi mới mạnh hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng đối với QH…?

- QH là cơ quan cao nhất đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân cả nước. Vì thế, mối quan hệ giữa Đảng với QH sâu xa hơn chính là mối quan hệ giữa lực lượng lãnh đạo đất nước với quần chúng nhân dân. Lịch sử đã chứng minh, khi nào ý Đảng lòng Dân hòa hợp thì dù khó khăn, nguy nan đến đâu chúng ta cũng vượt qua và giành được thắng lợi. Vai trò lãnh đạo của Đảng trong suốt những năm tháng đất nước ta còn chìm trong bóng tối của chiến tranh xâm lược cho đến những thành tựu như ngày hôm nay không ai có thể phủ nhận được. Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với đất nước trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa văn minh, giàu đẹp và hội nhập sâu rộng với thế giới cũng không ai có thể phủ nhận được.

Trong quá trình lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cũng có một số ý kiến trái chiều về vai trò lãnh đạo của Đảng, thậm chí đề nghị đa đảng... Nhưng tôi xin nhấn mạnh rằng, với tình hình của chúng ta hiện nay và cả truyền thống lịch sử cách mạng trong gần thế kỷ vừa qua, dứt khoát phải giữ vai trò của Đảng là lực lượng lãnh đạo toàn diện và duy nhất. Việc gần đây, có một số ý kiến về đa Đảng, trong đó có cả ý kiến của một số đồng chí trong nội bộ Đảng ta, rất đáng để cho chúng ta suy nghĩ. Việc phân tích, phê phán những nhận thức nêu trên là cần thiết, nhưng cũng rất cần thiết nhìn lại Đảng ta theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Nghĩa là Đảng cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đổi mới quyết liệt hơn nữa để thực hiện được sứ mệnh của mình đối với đất nước.

Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) đã xác định rõ những thách thức mang tính chất sống còn của Đảng và đề ra những giải pháp để khắc phục. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) vừa qua đã đạt được một số kết quả bước đầu; nhân dân đang dõi theo từng ngày và luôn luôn ủng hộ sự chuyển biến thực sự của Đảng.

Tôi cho rằng, cần tiến thêm một bước nữa, đó là luật hóa vai trò lãnh đạo của Đảng, nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, với Quốc hội, Chính phủ, với xã hội như thế nào. Đảng phải chịu trách nhiệm về những chủ trương, đường lối mà Đảng đưa ra theo luật định và nhân dân có quyền giám sát các hoạt động lãnh đạo của Đảng theo luật định. Tinh thần của Nhà nước pháp quyền là thượng tôn pháp luật. Mọi cá nhân, tổ chức đều phải hoạt động theo luật. Chính vì thế, luật hóa vai trò, phương thức và nội dung lãnh đạo của Đảng là hoàn toàn phù hợp với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang hướng tới. Điều này không những không làm giảm vai trò lãnh đạo của Đảng mà ngược lại càng làm tăng vai trò của Đảng, làm tăng uy tín và sức mạnh của Đảng.

- Xin trân trọng cám ơn nguyên Chủ nhiệm!

B. Long thực hiện; Ảnh: T.Thành