Cân đối lợi nhuận trong chuỗi giá trị

- Thứ Tư, 10/11/2021, 04:40 - Chia sẻ
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Văn Trọng cho biết, 9 tháng năm nay, giá thịt lợn xuất chuồng cao nhất đạt 75.000 đồng/kg. Thời gian qua, do nhu cầu giảm nên giá giảm còn 30.000 - 35.000 đồng/kg. Điều đáng nói ở đây là dù giá lợn hơi giảm mạnh nhưng giá thịt lợn tại các cửa hàng, chợ và siêu thị ở một số địa phương vẫn ở mức cao, khoảng 80.000 đến 200.000 đồng/kg tùy loại.

Lý giải về điều này, ông Trọng cho rằng, giá tăng cao do khâu lưu thông, phân phối. Còn giá xuất chuồng giảm là do ứ đọng và nhu cầu tiêu thụ ở các địa phương lớn giảm mạnh. Ngoài ra, giá thành phẩm tại siêu thị tăng cao cũng bao gồm nguyên nhân do khó khăn và phát sinh chi phí trong khâu vận chuyển. Đại diện Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi cũng cho rằng, hiện nay việc phân bổ lợi nhuận trong chuỗi giá trị sản xuất - tiêu thụ còn bất hợp lý. Cụ thể, trong chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi hiện nay, người chăn nuôi là người yếu thế, dễ bị tổn thương nhất. Đầu vào của người chăn nuôi do các công ty quyết định, còn đầu ra lại do người mua quyết định, người chăn nuôi không có quyền gì.

Từ thực tế này cho thấy những "khiếm khuyết" trong việc hài hòa lợi ích giữa khâu sản xuất - lưu thông phân phối - tiêu dùng đã bộc lộ rõ nét hơn, thể hiện qua việc người chăn nuôi phải chịu lỗ khi phải bán với giá thấp, thậm chí dưới giá thành sản xuất trong khi giá các sản phẩm trên thị trường lại rất cao hoặc trong nhiều trường hợp, chỉ có người tiêu dùng phải chấp nhận thiệt thòi.

Cần nhắc lại rằng, trong thời gian khá dài trước đây, khi giá thịt lợn, cả với lợn hơi xuất chuồng và giá thịt lợn thành phẩm, đều ở mức cao, các cơ quan chức năng đã nhiều lần yêu cầu giảm giá, nhiều biện pháp được đưa ra như cho phép nhập khẩu thịt lợn nguội, lợn sống nhưng giá vẫn không giảm. Nguyên nhân, theo các cơ quan chức năng là lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường không đủ; do giá thành sản xuất cao vì phải bảo đảm các biện pháp an toàn sinh học, kiểm soát các khâu trong chăn nuôi; do có quá nhiều khâu trung gian. 

Đến thời điểm này, khi giá thịt lợn ở chiều hướng ngược lại, có ý kiến cho rằng các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc nhằm cân đối lợi nhuận cho các khâu tham gia vào chuỗi sản xuất chăn nuôi. Theo đó, ngoài sự quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương để kích hoạt thêm các kênh phân phối ra thị trường. Chú trọng xây dựng quy định và chính sách về việc thu mua, giết mổ, chế biến và dự trữ sản phẩm chăn nuôi khi ứ đọng, chậm tiêu thụ do cung vượt cầu, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh; làm tốt công tác quản lý giá; phân bổ, tính toán sản lượng các sản phẩm dựa trên nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ trong nước...

Với thực tế của ngành chăn nuôi là còn không ít tồn tại, bất cập như quy mô nhỏ lẻ; tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết còn chiếm tỷ trọng thấp; nhiều vật tư, nhất là nguyên liệu thức ăn, thuốc thú y vẫn phải nhập khẩu với số lượng lớn làm giảm giá trị gia tăng của sản xuất chăn nuôi trong nước... trước mắt, những giải pháp là cần thiết. Nhưng về lâu dài, vấn đề mấu chốt là phải có chiến lược bài bản, phù hợp, trong đó chú trọng khắc phục tình trạng phát triển tự phát, chưa theo quy hoạch, chưa có kế hoạch, chạy theo phong trào, chưa gắn với thị trường...

Hân Anh