Cần đẩy mạnh ứng dụng mã số mã vạch trong truy xuất nguồn gốc

- Chủ Nhật, 16/08/2020, 13:41 - Chia sẻ
Hiện nay, khi nạn hàng giả, hàng nhái, hàng lưu thông không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm chứa chất cấm, độc hại vẫn đang tồn tại, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, giảm uy tín của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính,... truy xuất nguồn gốc (TXNG) trở thành vấn đề quan tâm chung của toàn cầu. Tuy nhiên, do thói quen và ý thức làm việc không tuân thủ quy trình, ngại ghi chép đã hạn chế thành công của các doanh nghiệp Việt Nam khi xây dựng hệ thống TXNG.

Xu thế tất yếu của thị trường

Chủ tịch Hội Mã số Mã vạch Việt Nam Phó Đức Sơn cho biết, mã số, mã vạch (MSMV) lần đầu tiên xuất hiện tại Hoa Kỳ năm 1974 và đánh dấu việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, truy xuất nguồn gốc và chống hàng giả. Sau đó, nhiều tổ chức quốc tế về MSMV đã được thành lập, trong đó tổ chức toàn cầu GS1 thu hút được 160 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, cùng một cộng đồng hơn 1,6 triệu doanh nghiệp tham gia ứng dụng MSMV cho sản phẩm, hàng hóa của mình. 

Việt Nam chính thức là thành viên của GS1 từ năm 1995 và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ được Chính phủ cử làm đại diện. Còn về hành lang pháp lý cho MSMV tại Việt Nam, đã có nhiều văn bản được Chính phủ ban hành và mới nhất là Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 19.1.2019 để phê duyệt đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Ông Phó Đức Sơn khẳng định, truy xuất nguồn gốc là xu thế tất yếu của thị trường, tạo cơ hội để doanh nghiệp thâm nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao vị thế của sản phẩm. TXNG cũng là bằng chứng để các cơ quan nhà nước xử lý các vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, chống gian lận thương mại. TXNG cũng tạo lòng tin của khách hàng thông qua sự minh bạch thông tin về sản phẩm, hàng hóa. 

Chánh văn phòng Hội Mã số Mã vạch Việt Nam, Phạm Thế Quế nhận xét, ứng dụng MSMV là một trong các công nghệ nhận dạng và thu thập dữ liệu tự động được thế giới sử dụng rộng rãi hiện nay. MSMV giúp cho các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng có thêm công cụ xác thực nguồn gốc hàng hóa, hỗ trợ đắc lực cho công tác chống hàng giả. Nói đến MSMV là nói đến việc ứng dụng CNTT trong quản lý hàng hóa, sản phẩm và công nghệ ngày nay là điện toán đám mây - giải pháp tích cực, thông minh rất đáng quan tâm, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. 

Phát hiện gần 75.000 chiếc khẩu trang không rõ nguồn gốc xuất xứ ở An Giang.
Phát hiện gần 75.000 chiếc khẩu trang không rõ nguồn gốc xuất xứ ở An Giang.
Nguồn: moit.gov.vn

Một ví dụ dễ thấy về tính cần thiết của hệ thống TXNG: Các thiết bị, sản phẩm y tế như khẩu trang, găng tay, gel sát khuẩn... góp phần rất lớn trong việc ngăn ngừa lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân.

Tuy nhiên, với những sản phẩm khẩu trang giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, găng tay tái chế, qua sử dụng được thu gom để bán kiếm lời của các đối tượng vi phạm sẽ khiến cho nỗ lực ngăn ngừa dịch bệnh của Nhà nước cũng như cộng đồng bị ảnh hưởng.

Trước tình trạng làm hàng giả, tái chế khẩu trang ngày một phức tạp, lực lượng chức năng đã có các biện pháp hạn chế như: kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh khẩu trang, hệ thống các nhà thuốc, các cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế; xử phạt nặng các đối tượng, doanh nghiệp có hành vi găm hàng tăng giá, sản xuất khẩu trang kém chất lượng. Tuy nhiên, việc kiểm soát các mặt hàng này thực tế vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn bởi sự tinh vi, linh hoạt của các đối tượng. Trong khi đó, người tiêu dùng cũng không có cơ sở nào để phân biệt hàng thật, hàng giả.

Còn nhiều khó khăn và hạn chế

Hiện nay, hoạt động truy xuất nguồn gốc và áp dụng tem truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam mới tập trung áp dụng ở một số sản phẩm và một số địa phương, thị trường lớn. Nhiều hệ thống truy xuất nguồn gốc hiện nay vẫn mang tính khép kín, không có khả năng mở để các bên tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc này có thể tham gia với hệ thống truy xuất nguồn gốc khác, do thường sử dụng các mã phân định có cấu trúc tự đặt, chỉ có giá trị phân định trong phạm vi nội bộ, mà không sử dụng các mã phân định đơn nhất toàn cầu. Việc tự đặt các mã phân định (sản phẩm, địa điểm, các bên tham gia) không đơn nhất, có thể xảy ra trường hợp trùng mã giữa các hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Chủ tịch HĐQT Công ty Vina CHG, Nguyễn Viết Hồng cho biết, hiện vẫn chưa có chuẩn chung về hệ thống dữ liệu TXNG, chưa có sự đồng bộ về dữ liệu giữa các địa phương; thiếu nhân sự thực hiện và hệ thống phần mềm quản lý mã QR để TXNG cũng chưa được chuẩn hóa. Bên cạnh đó là những hạn chế như: doanh nghiệp và người tiêu dùng chưa nhìn thấy hiệu quả thực sự của việc TXNG; chưa có sự giám sát và quản lý của Nhà nước đối với thông tin được truy xuất; tình trạng làm giả/sao chép tem truy xuất/mã QR trên bao bì...

Áp dụng truy xuất nguồn gốc hàng hóa bằng mã số mã vạch
Áp dụng truy xuất nguồn gốc hàng hóa bằng mã số mã vạch.
Nguồn: ITN

Cùng quan điểm này, ông Bùi Hữu Đạo, Phó Chủ tịch Hội Mã số Mã vạch Việt Nam nhận xét, việc ứng dụng mã vạch hiện nay ở nước ta tuy có phát triển nhưng sự đồng bộ hóa trong kinh doanh, sản xuất ở các doanh nghiệp chưa cao nên chưa sử dụng hết ứng dụng của mã vạch. Việc ứng dụng công nghệ MSMV mới dừng ở việc cấp mã số doanh nghiệp, hướng dẫn doanh nghiệp in ấn số mã vạch trên sản phẩm, hàng hóa để phục vụ việc bán hàng, chưa triển khai ứng dụng các mã số mã vạch trên các đơn vị giao nhận, vận chuyển, trong trao đổi dữ liệu điện tử và phân định các bên đối tác trong giao dịch sản xuất, kinh doanh.

Số lượng các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mã số mã vạch chiếm tỉ lệ thấp, số lượng hàng hóa của Việt Nam sử dụng mã số mã vạch chưa nhiều. Đáng chú ý, hoạt động mã số mã vạch chưa được quản lý thống nhất, việc làm nhái mã số mã vạch vẫn còn diễn ra dưới các hình thức như: Tự ý lấy mã số mã vạch của một doanh nghiệp khác để in lên sản phẩm của mình hay tự nghĩ ra một mã số mã vạch và in lên sản phẩm lưu hàng trên thị trường.

Theo ông Bùi Hữu Đạo, mã số mã vạch trong truy xuất nguồn gốc là vũ khí hữu hiệu để nâng cao sự cạnh tranh, vị thế của doanh nghiệp trên thị trường, giúp doanh nghiệp dễ dàng quản lý sản phẩm, dễ dàng phân phối hàng hóa trên hệ thống siêu thị, đảm bảo uy tín cho người tiêu dùng. Đồng thời, đây là căn cước để hàng hóa hội nhập thế giới.

Vì vậy, để đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ mã số mã vạch trong truy xuất nguồn gốc, cần nghiên cứu triển khai áp dụng các công nghệ và mã tiêu chuẩn mới mà thế giới đã áp dụng như công nghệ nhận dạng bằng tần số radio trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với đó, áp dụng mã điện tử sản phẩm phục vụ cho công nghệ REID; phổ biến áp dụng các mã số mã vạch mới được tiêu chuẩn hóa và chấp nhận quốc tế. Ngoài ra, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp và sản phẩm của Việt Nam; cập nhật và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp sử dụng mã vạch bằng tiếng Anh và tiếng Việt.

Xuân Tùng