Cần đầu tư xứng tầm

- Thứ Sáu, 26/11/2021, 05:00 - Chia sẻ
Chiều qua 25.11, có 76 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học, công nghệ tiêu biểu được công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021. Sự kiện này giành được sự quan tâm của dư luận, không chỉ tôn vinh, ghi nhận những tác giả, nhóm tác giả với những công trình, giải pháp khoa học, công nghệ tiêu biểu, mà đây còn là dịp để tuyên truyền, kết nối sản phẩm sáng tạo khoa học, công nghệ vào thực tiễn cuộc sống.

Trong những năm gần đây, công trình khoa học công bố quốc tế và sáng chế của Việt Nam ngày càng tăng. Khoảng cách về trình độ khoa học, công nghệ giữa Việt Nam so với các nước trong khu vực và trên thế giới được rút ngắn; năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam liên tục tăng. Theo Báo cáo về xếp hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2021 được tổ chức WIPO công bố mới đây, Việt Nam xếp thứ 44 trên 132 quốc gia, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Những “điểm sáng” này là rất đáng tự hào về những bước phát triển khoa học, công nghệ của chúng ta.

Thực tế cho thấy, khoa học, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong thực tiễn đời sống, góp phần không nhỏ trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân đã có những công trình nghiên cứu mang lại hiệu quả thực tiễn cao. Đơn cử, trong thời gian qua có nhiều nghiên cứu quan trọng đã được thực hiện về dịch tễ học, sản xuất bộ kit phát hiện SARS-CoV-2, nghiên cứu sản xuất vaccine phòng Covid-19, các robot, máy thở, ứng dụng công nghệ kiểm soát dịch và hỗ trợ điều trị.

Chúng ta vui mừng vì rất nhiều công trình, sản phẩm khoa học, công nghệ đã đi vào cuộc sống. Đóng vai trò quan trọng là vậy, song nhiều ý kiến cho rằng, đầu tư cho khoa học, công nghệ của chúng ta thời gian qua vẫn còn khá khiêm tốn.

Không chỉ là tâm tư của những người trực tiếp tham gia làm công tác này, mà trên diễn đàn Quốc hội, nguồn kinh phí cho khoa học, công nghệ cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Quốc hội Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) chỉ ra một thực tế, dù chủ trương chi 2% tổng chi ngân sách hàng năm cho khoa học công nghệ, nhưng nhiều năm qua thực chi cho lĩnh vực này chỉ đạt 1,4 đến 1,85% chi ngân sách. Đại biểu cho rằng, mức chi này thấp hơn rất nhiều nước trên thế giới và không đạt tỷ lệ tối thiểu theo quy định của luật.

Và một lần nữa, “nỗi niềm” chi cho khoa học công nghệ chưa đạt theo quy định lại được nêu lên tại diễn đàn Quốc hội nhiệm kỳ này. Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh (Long An) cho rằng, việc sử dụng vốn nhà nước và ưu đãi thuế trong giai đoạn 2016 - 2020, chi ngân sách cho khoa học công nghệ tổng không đạt chỉ tiêu 2% tổng chi ngân sách nhà nước. Điều này đã ảnh hưởng đến việc thu hút khu vực tư nhân, không thúc đẩy hợp tác công tư trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa học, công nghệ.

Bên cạnh việc đầu tư chưa đạt theo quy định, còn có vướng mắc lớn đó là chưa có tiếng nói chung giữa người làm khoa học và người quản lý tài chính. Việc sử dụng Quỹ phát triển khoa học, công nghệ của doanh nghiệp đầu tư cho đổi mới công nghệ còn vướng mắc. Chuyển giao kết quả phát triển nghiên cứu từ nguồn vốn từ nhà nước cho doanh nghiệp còn chậm, chưa có quy định cụ thể việc sử dụng ngân sách chi trả cho thử nghiệm lâm sàng, một số cơ chế ưu đãi thuế khó thực hiện do chưa đồng bộ. Những điểm nghẽn này đã trở thành rào cản phát triển khoa học, công nghệ thời gian qua.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ: Có thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế. Lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số. Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Chủ trương của Đảng rất rõ, do đó, cần có những giải pháp mạnh mẽ để tháo gỡ điểm nghẽn này, tạo đà cho khoa học, công nghệ phát triển, bứt phá. Muốn vậy, tập trung nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ. Cùng với đó, nghiên cứu xây dựng các cơ chế đột phá vượt trội, các chính sách về thuế, cơ chế đầu tư mạo hiểm, huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội cho việc đầu tư khoa học, công nghệ nói chung và trong phòng, chống dịch bệnh nói riêng. Đặc biệt, cần nghiên cứu, tăng mức đầu tư cho khoa học, công nghệ. Không thể có sản phẩm chất lượng cao, nếu như khoa học, công nghệ chưa được đầu tư một cách xứng tầm.

Hà An