
Tại phiên họp, cho ý kiến về triển khai nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, các đại biểu cơ bản nhất trí với dự thảo kế hoạch nhiệm vụ, công việc trong 6 tháng đầu năm. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cũng đề nghị, các Tiểu ban cần chủ động rà soát nhiệm vụ khảo sát, giám sát trong năm 2025 để xây dựng kế hoạch, bám sát tinh thần có thể kết hợp các nội dung khảo sát, giám sát khi đến một địa bàn, khu vực thực hiện, qua đó sử dụng hiệu quả thời gian làm việc của các Đoàn công tác, cũng như tránh gây mất thêm thời gian, tốn kém cho địa phương, bộ ngành. Để có cơ sở triển khai công việc, Thường trực Ủy ban sẽ tổ chức thảo luận để hoàn thiện, sớm ban hành Quy chế, quy trình làm việc.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính cũng đề nghị, các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban chủ động triển khai công việc được giao phụ trách; điều hành công việc theo tinh thần cải cách mạnh mẽ; dự báo và đề xuất các nhiệm vụ cần triển khai; sẵn sàng nhận nhiệm vụ phát sinh, đột xuất; phối hợp tốt với các cơ quan, tổ chức có liên quan đến công việc được giao phụ trách; tăng cường tham vấn, lấy ý kiến để có thêm thông tin đa chiều phục vụ công việc chuyên môn; giữ mối liên hệ và trao đổi công việc với các thành viên Ủy ban hoạt động kiêm nhiệm và các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố.

Về việc triển khai các công việc của Ủy ban, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho biết, trên cơ sở phát huy các kết quả công tác của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính – Ngân sách trước đây, Ủy ban Kinh tế và Tài chính tiếp tục duy trì 9 tiểu ban, thực hiện thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực quản lý kinh tế, tài chính, tiền tệ, ngân sách nhà nước, đất đai, ngân hàng, hoạt động kinh doanh, kiểm toán nhà nước và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao.
Đồng thời, chủ trì thẩm tra chính sách cơ bản về tài chính quốc gia, tiền tệ quốc gia, ngân sách nhà nước, các chương trình, dự án, kế hoạch về mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các báo cáo, dự án, đề án khác thuộc lĩnh vực phụ trách hoặc do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao. Tiến hành giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giám sát hoạt động của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước… thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.
Về một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của 3 dự thảo Luật, trên cơ sở tổng hợp ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại Tổ và Hội trường tại Kỳ họp thứ Tám, Thường trực Ủy ban đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan soạn thảo (Bộ Tài chính) và các cơ quan liên quan để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện từng dự thảo Luật. Nhiều nội dung đã được thống nhất giải trình, tiếp thu và chỉnh lý, thể hiện trong dự thảo Luật. Tại phiên họp, các đại biểu tiếp tục thảo luận để thống nhất một số nội dung lớn của các dự thảo luật.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận Ủy ban Kinh tế và Tài chính đã chủ động triển khai các nhiệm vụ, sẵn sàng cho các nội dung phát sinh; đồng thời, đề nghị cần có định hướng công việc dài hơi hơn, chú ý các nội dung dự kiến trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ Chín tới đây về các Kế hoạch 5 năm cho giai đoạn tới...

Về triển khai nhiệm vụ giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, bên cạnh phối hợp với Ủy ban Dân nguyện và Giám sát thực hiện chặt chẽ, hiệu quả hoạt động này, Ủy ban Kinh tế và Tài chính tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt công tác khảo sát, giám sát về các nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, Ủy ban Kinh tế và Tài chính tập trung hoàn thành việc đánh giá việc triển khai thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại một số tỉnh, thành phố thời gian qua, trong đó chú ý đánh giá công tác các kết quả đạt được, rút ra những cơ chế đặc thù phù hợp đã được kiểm chứng hiệu quả sẽ đưa vào các luật sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới để áp dụng phổ biến trên cả nước. Chủ động đánh giá việc triển khai các nội dung về Trung tâm tài chính tại Việt Nam; về tiền số, tiền ảo; khảo sát việc triển khai thi hành sau khi Luật Đất đai, Luật Nhà ở… đã có hiệu lực thi hành.
Về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý 3 dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Kinh tế và Tài chính bám sát tinh thần mới được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Theo đó tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật phải chỉ rõ những vấn đề đã thống nhất, các vấn đề cần đưa ra, phương án nào khác nhau về bản chất… Đặc biệt, cần nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã phát biểu tại Tổ và Hội trường để đưa vào các dự thảo luật quy định về những vấn đề đã chín, đã rõ.