Đa số ĐBQH tán thành ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản nhằm thể chế hóa quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động địa chất, khoáng sản, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, phù hợp với các điều ước và cam kết quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Đồng thời, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Khoáng sản hiện hành; đặc biệt là việc sớm ban hành luật sẽ góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn liên quan đến quy trình, thủ tục khai thác khoáng sản.
Nhiều ý kiến ĐBQH tán thành với quy định về phân nhóm khoáng sản thành 4 nhóm như dự thảo luật, trong đó đã tách riêng nhóm khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường (nhóm III) và nhóm khoáng sản làm vật liệu san lấp (nhóm IV) nhằm khắc phục những hạn chế, khó khăn và thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý đối với từng nhóm khoáng sản.
Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) cho rằng, quy định như dự thảo Luật có thể tạo một khoảng trống pháp lý và có thể sẽ dẫn đến sai phạm, thất thoát, lãng phí. Bởi khi khi áp dụng có thể hiểu là một vật liệu này thuộc nhóm II nhưng có thể sẽ là nhóm II và cơ sở để xác định thuộc nhóm nào khi áp dụng là một điều rất khó.
Do vậy, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và làm rõ việc phân loại các nhóm khoáng sản và nên chăng xây dựng danh mục các nhóm một cách cụ thể hơn.
Về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản tại Điều 15 dự thảo Luật quy định "Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban Nhân dân các tỉnh có liên quan tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm I; quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm II”.
Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), quy định như dự thảo Luật đã thể hiện sự thống nhất về mặt quản lý nhà nước, đặc biệt trong việc phân công trách nhiệm cho Bộ Tài nguyên và Môi trường là đúng với trách nhiệm của bộ, nếu phân công cho nhiều bộ lập quy hoạch sẽ xảy ra một số bất cập, và không bảo đảm tính thống nhất.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, quy định như vậy chưa đủ căn cứ về chính trị, pháp lý và sự phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành; đồng thời nhất trí với đề nghị quy định theo hướng giao Bộ Công Thương tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản nhóm I; Bộ Xây dựng tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản nhóm II.
Đại biểu cũng đề nghị cần đánh giá, tổng kết đầy đủ việc thực hiện các quy định của Luật Khoáng sản hiện hành, Luật Quy hoạch về việc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng tổ chức lập các quy hoạch liên quan đến địa chất, khoáng sản.