Đó là đề nghị của các ĐBQH Tổ 16 (Gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hà Tĩnh, Lai Châu, Cà Mau và Lâm Đồng) tại phiên thảo luận về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng và việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương, sáng 31.10.
Sớm thu hẹp khoảng cách giữa TP. Huế và các huyện lân cận
Qua thảo luận, các đại biểu Tổ 16 cơ bản tán thành việc trình Quốc hội xem xét, quyết định thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế với các lý do cũng như cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn nêu trong Tờ trình và Đề án của Chính phủ… Theo các đại biểu, việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự đổi mới đột phá trong tư duy về phát triển đô thị, góp phần thực hiện chủ trương phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc, phù hợp cho từng vùng, miền và đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về di sản, du lịch đã được đề ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh), việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương cũng đặt ra những thách thức cần lưu ý, như: việc quản lý nhà nước theo mô hình thành phố trực thuộc Trung ương, đòi hỏi bộ máy chính quyền phải có tính chuyên nghiệp và năng lực cao hơn. Do đó, chính quyền Thừa Thiên Huế sẽ cần thích nghi nhanh chóng với các chức năng mới, nhất là trong quản lý đô thị, xây dựng và bảo vệ môi trường.
Cùng đó, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội, nhất là giải quyết công việc cho người lao động ở các ngành nông nghiệp truyền thống… đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kế hoạch chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo kỹ năng cho lao động địa phương để họ có thể tham gia vào thị trường lao động mới… Bên cạnh đó, vấn đề bảo tồn và phát triển đồng bộ các giá trị văn hóa truyền thống cũng cần được chú trọng.
“Huế là thành phố văn hóa với các di sản nổi tiếng, do đó, song song với phát triển kinh tế, cần bảo tồn các giá trị di sản này để Huế không chỉ là một thành phố hiện đại, mà còn là một đô thị có bản sắc đặc trưng, thu hút du khách trong và ngoài nước”, đại biểu nhấn mạnh.
Cũng theo đại biểu Trần Đình Gia, thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương là dấu mốc quan trọng, là kết quả của những nỗ lực của chính quyền và Nhân dân Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, để thành công đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành và sự đồng thuận của người dân… “Mong rằng sau khi được thành lập, TP. Huế sẽ không ngừng phát triển, đóng góp mạnh mẽ vào sự thịnh vượng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước, đồng thời bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam”, đại biểu nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, các đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cũng cho rằng: việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương như phương án Chính phủ đề nghị là hoàn toàn bảo đảm phù hợp với các quy hoạch có liên quan; đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của pháp luật. Việc thông qua Nghị quyết thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương sẽ tạo tiền đề để TP. Huế trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung và cả nước.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau), việc chênh lệch, khoảng phát triển giữa TP. Huế và các huyện lân cận còn khá xa. Do đó, cần tiếp tục có các giải pháp, chính sách để sớm thu hẹp khoảng cách này sau khi Nghị quyết được thông qua… Cùng đó, đại biểu cũng cho rằng, trong quy hoạch cần bảo đảm hài hòa giữa hiện đại và bản sắc dân tộc, bảo tồn các di sản văn hóa; đặc biệt, cần lưu ý các vấn đề nhức nhối mà các đô thị hiện đại đang gặp phải, như: Quy hoạch nhà ở, đường… để hạn chế thấp nhất về ngập úng và ách tắc giao thông cũng như hạn chế tối đa những vướng mắc, bất cập về sau.
Nhiều đại biểu cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cần tiếp tục quan tâm, có những cơ chế tạo đột phá mới để TP. Huế phát triển nhanh, bền vững; đồng thời đề nghị TP. Huế cần đẩy mạnh đa dạng hóa nền kinh tế, phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo, công nghệ thông tin, giáo dục và y tế, nhằm tạo nguồn thu ổn định và tăng trưởng kinh tế dài hạn; có kế hoạch quản lý dân số hợp lý, bảo đảm an ninh trật tự, tránh tình trạng quá tải dân cư…
Rà soát, thống nhất tổ chức chính quyền đô thị trên toàn quốc
Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng do Bộ Nội vụ trình Quốc hội ban hành có 10 điều với các nội dung cơ bản: Về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng; Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương khi tổ chức chính quyền đô thị; Về cơ cấu tổ chức của HĐND và UBND; Về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, UBND cấp huyện, đơn vị sự nghiệp công lập; Về cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã, thị trấn.
Thảo luận tại tổ, các ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau)… khẳng định sự cần thiết ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng nhằm thể chế hóa chủ trương, mục tiêu xây dựng chính quyền đô thị với bộ máy tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phát huy tiềm năng, lợi thế và phù hợp với tình hình thực tiễn, định hướng phát triển của TP. Hải Phòng, tạo động lực phát triển khu vực duyên hải Bắc Bộ và cả nước.
Về mô hình tổ chức chính quyền đô thị, đại biểu Nguyễn Quốc Hận đề nghị Chính phủ rà soát lại những nội dung còn bất cập, loại bỏ những nội dung chưa phù hợp để thống nhất về tổ chức chính quyền đô thị trên toàn quốc khi các đơn vị khác đủ điều kiện và áp dụng cho tương đối cơ bản giống nhau, tránh việc mỗi nơi thực hiện mỗi kiểu khác, trừ những tính đặc thù riêng biệt và rà soát lại cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận, phường tại Điều 4, Điều 7 dự thảo Nghị quyết.
Nhấn mạnh việc liên thông cán bộ, công chức giữa cấp xã và cấp huyện là rất cần thiết…, đại biểu Nguyễn Quốc Hận đề nghị áp dụng vấn đề này đối với mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng để sau thời gian thực hiện có đủ cơ sở để sửa đổi Luật Cán bộ, công chức cho vấn đề này.
Còn đại biểu Trần Đình Gia thì cho rằng, cần đánh giá tổng thể kết quả thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Từ đó, sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương hoặc ban hành luật về tổ chức chính quyền đô thị, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị thống nhất trên phạm vi cả nước, thay vì tiếp tục mở rộng thí điểm các nghị quyết riêng lẻ cho từng thành phố.
Góp ý vào chế độ công vụ đối với cán bộ, công chức tại UBND phường, xã…, đại biểu Trần Đình Gia bày tỏ ủng hộ quy định thống nhất chế độ công vụ từ cấp xã lên cấp huyện để tạo điều kiện thuận lợi trong điều động, luân chuyển, và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Quy định này không chỉ giúp chuẩn hóa, mà còn hỗ trợ việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức linh hoạt, chuyên nghiệp... “Tuy nhiên, do đây là nội dung mới so với Luật Cán bộ, công chức hiện hành, nên Chính phủ cần nghiên cứu, sửa đổi luật để tạo sự đồng bộ”, đại biểu đề xuất.
Đối với các quy định chuyển tiếp, đại biểu cho rằng: dự thảo Nghị quyết đã đặt ra hướng đi cụ thể để không ảnh hưởng đến quyền lợi của các cán bộ, công chức cấp xã đang làm việc. Điều này thể hiện sự cẩn trọng và bảo đảm tính ổn định cho bộ máy quản lý ở địa phương… Đại biểu đề xuất, cần có quy định rõ ràng để khi thành lập thị xã mới tại Hải Phòng, các đơn vị này cũng sẽ được tổ chức theo mô hình chính quyền đô thị, mà không cần phải chờ sửa đổi Nghị quyết.
“Tổ chức lại chính quyền đô thị tại Hải Phòng không chỉ là một bước tiến cho địa phương, mà còn là cơ hội để nhìn lại và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị ở các đô thị lớn trên cả nước. Hy vọng, nghị quyết sẽ được thông qua với những điều chỉnh hợp lý để mang lại hiệu quả cao nhất trong quản lý Nhà nước và phục vụ Nhân dân”, đại biểu Trần Đình Gia nhấn mạnh.