Chính trị

Cần đánh giá kỹ lưỡng phạt tù chung thân không xét giảm án

Bách Hợp - An Nhiên 20/05/2025 20:38

Chiều 20/5, thảo luận tại Tổ 4 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Nghệ An và Bà Rịa - Vũng Tàu) về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự đa số các đại biểu rất "tâm đắc" với việc đề xuất nâng mức hình phạt tù, hình phạt tiền đối với một số tội danh để đảm bảo tính răn đe. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị, cần đánh giá kỹ lưỡng hơn nữa phạt tù chung thân không xét giảm án.

1(4).jpg
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 4. Ảnh: An Nhiên

Đóng góp ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, các ĐBQH tại Tổ 4 đồng tình cho rằng, việc xây dựng dự án Bộ luật này nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương,hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, hội nhập quốc tế. Dự án luật này vừa bảo đảm tính nhân đạo, khoan hồng, vừa bảo đảm tính răn đe, nghiêm khắc, góp phần đắc lực vào việc bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và tổ chức, góp phần bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm cho mọi người được sống trong môi trường xã hội và môi trường sinh thái an toàn, lành mạnh...

2.jpg
Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng Lê Tiến Châu chủ trì phiên thảo luận tại Tổ 4.
Ảnh: An Nhiên

Góp ý cụ thể, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) rất “tâm đắc” đối với dự thảo luật quy định theo hướng, nâng mức hình phạt tù, hình phạt tiền đối với một số tội danh để bảo đảm tính răn đe, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trong đó, điển hình như tội phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh ( Điều 194), khiến Nhân dân và cử tri đang rất bức xúc trong thời gian vừa qua...

3.jpg
ĐBQH Nguyễn Thị Yến ( Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: An Nhiên

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần làm rõ khái niệm hàng giả thuốc chữa bệnh để có căn cứ lý dễ dàng hơn trong các trường hợp xảy ra các vi phạm. Đồng thời, cần có tiêu chí đánh giá mức độ nguy hiểm của các loại thuốc giả.

Lấy ví dụ, thời gian qua có thuốc điều trị ung thư, tim mạch có mức độ nguy hiểm cao hơn các loại thuốc khác nhưng pháp luật không có quy định khung mà chỉ quy định khung chung. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội dung này phân nhóm định lường mức độ nguy hiểm theo loại bệnh lý điều trị. Đồng thời, Cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm tình tiết tăng nặng đối với hành vi tiêu thụ thuốc giả trong các bệnh viện công, các cơ sở khám bệnh có yếu tố lợi dụng vị trí cung cấp dịch vụ y tế.

"Tại các bệnh viện công và một số các cơ sở y tế có dược sĩ nhưng lại không phân biệt được được thuốc giả. Điều này cũng cần phải làm rõ..", đại biểu Nguyễn Thị Yến nêu quan điểm.

Đại biểu cũng đề nghị cần cần phân biệt rõ ràng giữa hàng giả và hàng kém chất lượng tại Điều 193 và Điều 195. Đồng thời, tại Điều 317 đại biểu cho rằng, trong dự thảo Luật chưa đề cập trách nhiệm hình sự đối với người đứng đầu cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm khi để xảy ra hậu quả ngộ độc thực phẩm tập thể.

Theo đại biểu, cả 3 Điều luật nêu trên chưa có cơ chế truy cứu toàn bộ chuỗi hành vi có tổ chức từ sản xuất đến phân phối rồi đến tiêu thụ thực phẩm giả. Do đó, cần nghiên cứu bổ sung điều này vào dự thảo Luật.

Liên quan đến tội phá hoại hòa bình gây chiến tranh xâm lược tại Điều 421, đại biểu cũng cho rằng cần phải làm rõ hơn về khái niệm tuyên truyền chiến tranh xâm lược và làm rõ nội hàm của khái niệm này. Đồng thời, bổ sung trách nhiệm của tổ chức pháp nhân có hành vi tài trợ cổ vũ chiến tranh xâm lược thông qua Internet; xuất bản hoặc truyền thông…

7(2).jpg
ĐBQH Trần Đức Thuận ( Nghệ An) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: An Nhiên

Góp ý về dự thảo luật này, Đại biểu Quốc hội Trần Đức Thuận ( Nghệ An) cho rằng, việc bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án, được quy định tại Điều 39a, là quan điểm rất nhân văn, giảm được sai sót không thể khắc phục trong trường hợp có nguy cơ bị oan sai vì nếu tử hình rồi thì việc bồi thường khắc phục rất khó khăn. Điều này phù hợp với tinh thần nhân đạo và xu hướng giảm hình phạt tử hình trên thế giới, hình phạt này cũng đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Đức Thuận băn khoăn hình phạt này thì có thể làm giảm tính răn đe tội phạm. Nhất là, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, những tội phạm giết người hàng loạt, tội phạm khủng bố...

Cũng theo đại biểu, việc này cũng làm tăng gánh nặng cho hệ thống trại giam và tăng chi phí nuôi giữ. Đồng thời, cũng ảnh hưởng tâm lý, giảm động cơ phấn đấu trong quá trình cải tạo, điều này có thể khiến phạm nhân ở trong trại dễ phát sinh những tiêu cực.

Nhất trí bổ sung hình phạt này, nhưng đại biểu đề nghị phải có những quy định chặt chẽ những điều kiện áp dụng, chỉ thay thế hình phạt tử hình trong những tội phạm cụ thể, tránh trường hợp tạo ra không gian trong quá trình vận dụng cơ quan pháp luật có thể lạm dụng điểm này. Đồng thời, cần có cơ chế quản lý đặc biệt hơn so với những phạm nhân bị chung thân có xét giảm án.

Đối với nội dung không áp dụng hình phạt tử hình đối với người bị ung thư giai đoạn cuối, người bị HIV chuyển sang giai đoạn AIDS, theo đại biểu việc này phù hợp với nguyên tắc nhân đạo của pháp luật Việt Nam và các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn, cơ sở nào để xác định tình trạng bệnh, thế nào là giai đoạn cuối hoặc không có khả năng sống sót. Việc này chủ yếu phụ thuộc vào giám định y khoa. Theo đại biểu, hệ thống y khoa thời gian qua đã làm rất tốt, tuy nhiên cũng nhiều người băn khoăn một số trường hợp giám định y khoa chưa thực sự công tâm, khách quan để lọt tội phạm, dẫn đến kẽ hở để thoát án tử hình. Do vậy, đại biểu đề nghị cần bổ sung tiêu chí trong giám định y khoa rõ ràng và chặt chẽ hơn tránh trường hợp bị lạm dụng.

Theo đại biểu có thể ghi rõ kết luận giám định trong trường hợp này phải là kết luận của hội đồng giám định pháp y Trung ương và trong quá trình thực hiện nên có cơ chế giám sát độc lập tránh trường hợp có kẽ hở để vi phạm chính sách nhân đạo này.

8(1).jpg
ĐBQH Tống Văn Băng (Hải Phòng) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: An Nhiên

Đồng tình với đóng góp ý kiến của các đại biểu nêu trên, nhất là đối với quan điểm bỏ một số tội có án tử hình, Đại biểu Quốc hội Tống Văn Băng (Hải Phòng) cho rằng đối với tội mua bán hàng giả và thuốc chữa bệnh tiếp tục giữ lại để có tính răn đe trong bối cảnh hiện nay trong bối cảnh quản lý thị trường về thuốc phòng bệnh và chữa bệnh. Đồng thời, cần đánh giá kỹ lưỡng hơn nữa phạt tù chung thân không xét giảm án…

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cần đánh giá kỹ lưỡng phạt tù chung thân không xét giảm án
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO