Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021 -2030:

Cần đa dạng hóa các chính sách, cơ chế

- Thứ Hai, 19/10/2020, 12:06 - Chia sẻ
Chia sẻ về định hướng xây dựng chính sách về người cao tuổi cho giai đoạn sắp tới, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho rằng, trong giai đoạn 2021-2030, chính sách người cao tuổi cần tập trung vào các vấn đề như: Chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi; Thực hiện phương châm của Liên hợp quốc “Nghỉ hưu nhưng không nghỉ làm việc”; Tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế...

Còn 8,09% người cao tuổi thuộc diện hộ gia đình nghèo

Để giải quyết vấn đề liên quan đến người cao tuổi, Quốc hội đã ban hành Luật Người cao tuổi, mục tiêu lớn nhất là không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, đặc biệt là cải thiện, bảo đảm mức sống tối thiểu của người dân, trong đó có người cao tuổi. Trên cơ sở thực hiện các nghị quyết của trung ương, các luật, chính sách, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận, nhất là chăm sóc sức khỏe nhân dân. 

Theo đó, tỷ lệ dân số người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế đạt 98%; cùng với đó, đã giải quyết tốt chính sách trợ cấp xã hội, an sinh xã hội cho người cao tuổi. Tất cả đối tượng người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên đều được hưởng trợ cấp người cao tuổi theo quy định của Luật Người cao tuổi; người già cô đơn không nơi nương tựa được quan tâm giải quyết trợ cấp; người cao tuổi khuyết tật nặng và đặc biệt nặng được giải quyết trợ cấp theo quy định. Ngoài ra, còn hàng chục nghìn người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được đưa vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội. 

Tuy nhiên theo thống kê, hiện cả nước còn khoảng 931.000 người cao tuổi thuộc diện hộ gia đình nghèo, chiếm 8,09%. Đa phần những người cao tuổi từ 70 trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, không có nguồn tích lũy tiết kiệm và không tham gia hoạt động kinh tế thì nguồn thu nhập để duy trì cuộc sống đều phải nhờ sự trợ giúp của con cháu, những người có trách nhiệm phụng dưỡng người cao tuổi. “Tỷ lệ người cao tuổi thuộc hộ nghèo còn cao, gấp đôi mức bình quân chung cả nước, một bộ phận người cao tuổi khi ốm đau, tai nạn thương tích chưa được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe kịp thời. Nhu cầu chăm sóc xã hội ngày càng lớn, với 3% dân số người cao tuổi, tương đương 345 nghìn người trong khi đó nguồn lực dành cho chăm sóc y tế cho người cao tuổi còn hạn chế”, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết.

Chia sẻ về những thách thức trong việc chăm sóc người cao tuổi, Trưởng ban Chăm sóc người cao tuổi, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Lưu Thị Hường cho biết, thực tế người cao tuổi hiện đã sống thọ, khỏe mạnh hơn. Rất nhiều người được đào tạo bài bản nên có trình độ cao, có nhu cầu làm việc, cống hiến, sáng tạo. Tuy nhiên, nhiều công ty, doanh nghiệp… thường bỏ rất nhiều tiền để mời chuyên gia nước ngoài về làm cố vấn trong khi nguồn lực trí tuệ của người cao tuổi Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được những công việc đó thì không được tận dụng.

Xây dựng hệ thống bảo trợ đa dạng

Nhiều người cao tuổi còn sức khỏe đã và đang đóng góp tích cực cho cộng đồng, tạo ra giá trị tích cực lan tỏa. Đơn cử như báo cáo, tại hội nghị toàn quốc  biểu dương người cao tuổi làm kinh tế giỏi lần thứ 3 đã phát hiện và biểu dương trên 400.000 người cao tuổi làm kinh tế giỏi, tăng 15% so với hội nghị lần thứ 2. Chính vì vậy, Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021 - 2030 cần có những cơ chế, chính sách để thu hút nguồn nhân lực người cao tuổi trong đó Nhà nước có những chính sách hỗ trợ vốn, chính sách ưu đãi về thuế đối với những doanh nghiệp sử dụng nguồn nhân lực người cao tuổi. (Phó trưởng Ban đối ngoại, Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam Phạm Tuyết Nhung). 

Thời gian qua, nước ta đã có một số chính sách khuyến khích người nghỉ hưu tiếp tục tham gia lao động, nhưng còn nhỏ lẻ, chỉ tập trung ở một số đối tượng. Trong thời gian tới, Nhà nước cần có thêm các chính sách phù hợp để quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa cho người cao tuổi tiếp tục làm việc. Điều này không chỉ khuyến khích những đối tượng khó khăn mà còn động viên những người cao tuổi sống vui, sống thọ; giúp đất nước tận dụng được nguồn lao động có tay nghề cao. 

Nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội Nguyễn Đình Cử phân tích, nước ta hiện có khoảng 11,5 triệu người cao tuổi (chiếm khoảng 12% dân số). Trong số người cao tuổi, có nhiều người còn sức khỏe, có trình độ nghề nghiệp khá cao trong nhiều lĩnh vực và vẫn có nhu cầu được làm việc để cống hiến. Nếu lực lượng này chỉ nghỉ ngơi, hưu trí và không được phát huy hết giá trị thì sẽ là lãng phí rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Bên cạnh đó, tỷ lệ người cao tuổi có lương hưu hoặc trợ cấp xã hội ở nước ta còn rất thấp. Vì vậy có nhiều người dù cao tuổi vẫn muốn làm việc để nâng cao thu nhập. Do đó, gia đình, cộng đồng doanh nghiệp và nhà nước nên tạo điều kiện cho những người cao tuổi còn khả năng và có nhu cầu được làm việc. 

Đồng quan điểm, ông Phan Đăng Hùng – Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, nhiều chính sách thiết thực được ban hành; các chương trình và đề xuất hệ thống giải pháp bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi cũng đang được triển khai. Tuy nhiên, để chăm sóc cũng như tận dụng tối đa nguồn nhân lực dồi dào từ nhóm đối tượng này cần cải cách hệ thống an sinh xã hội. Trong đó, xây dựng lộ trình để chuyển đổi dần hệ thống hưu trí và bảo hiểm xã hội thích hợp, phù hợp với tình hình phát triển thị trường tài chính ở Việt Nam và trên cơ sở đảm bảo công bằng đóng - hưởng cho người tham gia (cùng thế hệ và giữa các thế hệ). Đồng thời, xây dựng một hệ thống bảo trợ xã hội dễ tiếp cận cho người cao tuổi.

Thái Yến