Cần củng cố lực lượng cán bộ tiếp công dân

- Chủ Nhật, 06/12/2020, 06:51 - Chia sẻ
Không chỉ số lượng cán bộ tiếp công dân so với quy định của luật hiện hành còn mỏng mà số cán bộ được đào tạo chuyên ngành luật làm công tác này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng rất thấp, chỉ chiếm khoảng 30%. Do vậy, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, UBND tỉnh cần quan tâm củng cố lực lượng cán bộ tiếp dân, bảo đảm vừa mạnh về số lượng, vừa sâu về chuyên môn, nghiệp vụ.

Nghiêm túc thực hiện tiếp công dân

Là địa bàn có diện tích rộng, có đường biên giới, dân số đông, nhất là có đến 49 dân tộc cùng sinh sống nên trong nhiều năm qua, các cấp ủy Đảng, thủ trưởng cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã quan tâm thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt, gần đây, theo đánh giá tại Báo cáo của UBND tỉnh, việc triển khai thực hiện chế độ giao khoán tại các nông lâm trường, nhất là sau khi chuyển đổi mô hình từ Công ty TNHH một thành viên sang Công ty TNHH hai thành viên theo Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị, Nghị định số 118/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, cũng như tình trạng di cư tự phát ở các tỉnh khác đến đã dẫn đến phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự, quy hoạch kinh tế - xã hội, tranh chấp đất đai…

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiểm tra sổ ghi tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiểm tra sổ ghi tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk
Ảnh: Lê Bình

Với đặc thù này, trong thời gian qua, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Theo thống kê bước đầu của Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng, có 4 quyết định, nhiều công văn chỉ đạo thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. “Điều này cho thấy, tỉnh đã có chuẩn bị tốt về những công việc thuộc trách nhiệm, chức năng của chính quyền địa phương”, Phó trưởng Ban Dân nguyện nhận định.

Một yếu tố khác thể hiện sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với công tác này là việc tuân thủ quy định của Luật Tiếp công dân đối với lãnh đạo tỉnh, các sở ngành, huyện, xã. Cụ thể, lãnh đạo tỉnh đã bố trí lịch tiếp công dân đúng quy định (1 lần trong tháng) và bố trí tiếp công dân đột xuất để giải quyết những vụ việc bức xúc, có ảnh hưởng đến tình hình an ninh - trật tự địa phương. Lãnh đạo cấp huyện tùy thuộc vào tình hình thực tế sẽ bố trí lịch tiếp công dân phù hợp. Lãnh đạo cấp xã tổ chức tiếp công dân 3 lần/tháng. Không chỉ dừng ở con số báo cáo, qua đi khảo sát thực tế, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhận thấy, lãnh đạo UBND xã, huyện, thành phố nghiêm túc thực hiện công tác này, dù không có người dân đến cũng vẫn trực tại địa điểm tiếp công dân.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Thanh Vân đặc biệt đánh giá cao việc nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện mô hình đưa luật sư tham gia các buổi tiếp công dân, cũng như giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Sự tham gia của luật sư vào công tác này đã giúp nhiều người dân được giải đáp băn khoăn, khúc mắc của mình, qua đó giúp hạn chế các vụ khiếu nại, tố cáo trên địa bàn.

Phải mạnh về số lượng và sâu về chuyên môn, nghiệp vụ

Tuy vậy, qua khảo sát thực tế, nhiều thành viên Đoàn giám sát cũng e ngại khi số lượng cán bộ tiếp công dân và số cán bộ làm công tác này được đào tạo chuyên ngành luật của tỉnh Đắk Lắk đều ở mức thấp. Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng số cán bộ bố trí thực hiện công tác tiếp công dân tại cấp tỉnh và cấp huyện là 80 người, trong đó chỉ có 24 người tương ứng với khoảng 30% tổng số cán bộ làm công tác này được đào tạo chuyên ngành  về luật. Trong khi đó, ở nhiều địa phương, số lượng cán bộ được đào tạo chuyên ngành luật đạt tỷ lệ cao hơn, ở mức khoảng 50% tổng số cán bộ làm công tác tiếp công dân.

Từ kinh nghiệm công tác, tôi nhận thấy bên cạnh tiếp công dân theo lịch cố định, trong mỗi tháng, lãnh đạo địa phương có thể rà soát vụ việc kéo dài, bức xúc để chủ động mời người dân lên làm việc. Một ngày tiếp công dân đột xuất như vậy có thể tập trung xem xét một đến hai vụ việc, qua đó giúp giải quyết rốt ráo, dứt điểm. Những vụ việc đó nếu liên quan đến sở, ngành nào cần mời lãnh đạo cơ quan quản lý tham gia. Qua sự đối thoại giữa người dân và lãnh đạo cơ quan quản lý Nhà nước, nếu thấy cách giải quyết phù hợp sẽ động viên người dân chấp hành. Thực tế, khi người dân nghe giải thích rõ ràng và thỏa đáng sẽ hiểu hơn về cách giải quyết của cơ quan chức năng, chủ động rút đơn kiện. Ngoài ra, sau các buổi đối thoại này, nếu thấy cán bộ cấp dưới có sai phạm, cần chỉ đạo xử lý trách nhiệm, có hình thức kỷ luật phù hợp.

Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình

Với số lượng cán bộ tiếp công dân được đào tạo chuyên ngành luật còn mỏng như vậy, Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng đề nghị, tỉnh Đắk Lắk cần quan tâm giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ tiếp công dân, vì các cán bộ này không chỉ thực hiện nhiệm vụ tham mưu, giúp việc thông thường, mà là đầu mối tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo cũng như thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Cần tích cực bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho các cán bộ làm công tác này; chú ý chế độ bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ, đặc biệt là có chính sách phù hợp để tránh nảy sinh tâm lý "cứ những người không phải cánh hẩu của mình mới đưa sang làm nhiệm vụ này".

Nêu ví dụ khi đến khảo sát tại một Trụ sở tiếp công dân đã nghe cán bộ “vô tình” báo cáo lượng đơn khiếu nại, tố cáo bị lưu lên đến 16 đơn do trong đơn trình bày có nhiều nội dung khác nhau, thuộc trách nhiệm giải quyết của nhiều cơ quan chức năng,  Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Mai Bộ chỉ rõ, nếu giải quyết đơn theo hướng vì gửi đến nhiều bộ phận mà xếp lại như vậy là không ổn. Bộ phận tiếp công dân cần thực hiện đúng chức năng là nơi nhận và trung chuyển đơn, cũng như tham mưu cho lãnh đạo cơ quan về việc phân loại đơn khiếu nại, tố cáo của công dân. Nhấn mạnh điều này, Ủy viên thường trực Nguyễn Mai Bộ đề nghị, lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành cần quan tâm củng cố đội ngũ cán bộ tiếp công dân, bảo đảm vừa mạnh về số lượng, vừa sâu về chuyên môn, nghiệp vụ. Cán bộ tiếp dân phải là người sành sỏi, khi nghe dân đến trình bày sẽ phân loại được ngay, đưa ra kiến nghị, tham mưu chính xác. Hơn nữa, khi “đầu vào” tiếp nhận đơn bảo đảm chất lượng thì Ban tiếp công dân mới có thể tham mưu cho UBND các cấp giải quyết các vụ việc khiếu kiện, tố cáo một cách kịp thời, chính xác. 

Chia sẻ khó khăn với địa phương trong việc muốn củng cố lực lượng cán bộ tiếp công dân nhưng lại bị giới hạn trong khung biên chế, song Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình gợi mở, UBND các cấp cần tiến hành rà soát các cán bộ đủ điều kiện thực hiện công tác này, sau đó bố trí tham gia công tác tiếp công dân. Theo Trưởng Ban Dân nguyện, tỉnh Đăk Lắk cần chú ý thực hiện công tác này vì trong thực tế có nhiều trường hợp khi người dân không đồng tình với quyết định giải quyết hay nhận thấy những điểm chưa đúng với quy định pháp luật, họ có thể quay lại tố cáo ngược cán bộ trực tiếp giải quyết.

Thực tế đã cho thấy, cán bộ tiếp công dân có vai trò quan trọng trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Do vậy, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, UBND tỉnh Đắk Lắk cần thấy cán bộ làm công tác này là tay chân, tai mắt của mình, qua đó có chính sách phù hợp, giúp động viên cán bộ tích cực tham gia, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, Lãnh đạo UBND các cấp cũng phải tăng cường thanh tra, kiểm tra thủ trưởng của cơ quan quản lý, cán bộ tiếp công dân trong thực hiện các luật có liên quan, qua đó, đốc thúc cán bộ luôn đề cao trách nhiệm.

Thanh Hải