HTX là điểm tựa trongxây dựng nông thôn mới
Cao Bằng là tỉnh miền núi biên giới, với xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng vẫn chưa đồng bộ, các nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp, trình độ sản xuất vẫn còn lạc hậu, do đó việc triển khai Chương trình xây dựng NTM gặp không ít những khó khăn. Song, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, triển khai các giải pháp theo hướng đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng, đảm bảo tính bền vững, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực xây dựng NTM.
Toàn tỉnh hiện phân bổ 335.925 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, đến hết tháng 6.2023 đã giải ngân trên 146,4 tỷ đồng vốn đầu tư thực hiện đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)… Bình quân toàn tỉnh đạt 10,6 tiêu chí/xã; hiện có 17/139 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (chiếm 12,2%); 16 xóm được công nhận đạt chuẩn NTM. Nhờ những thành tựu từ xây dựng NTM, diện mạo nhiều thôn xóm, nhất là ở vùng sâu, vùng xa có sự đổi thay rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần người dân được cải thiện, nâng cao.
Hòa An đang là một trong những huyện đi đầu trong xây dựng NTM tại Cao Bằng. Đến nay, huyện đã có hàng loạt xã đạt chuẩn hoặc tiệm cận đạt chuẩn NTM như Nam Tuấn, Hồng Việt, Hoàng Tung, Bế Triều, Đức Long… Đời sống người dân liên tục được nâng lên với thu nhập bình quân trên 35-50 triệu đồng/người/năm.
Một trong số những mô hình nổi trội góp phần xây dựng NTM trên địa bàn huyện Hoà An có thể kể đến HTX Án Lại. Theo ông Hoàng Văn Tư, Giám đốc HTX Án Lại, HTX đang phát triển nghề sơ chế nguyên liệu dong riềng và chế biến miến dong thành phẩm. Các sản phẩm của HTX được sản xuất, chế biến, đóng gói theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu khắt khe của các nhà phân phối mà HTX liên kết. HTX đầu tư hệ thống máy rửa, máy sấy tuần hoàn, máy nghiền vắt lọc củ tinh bột dong riềng, máy nghiền tinh bột khô tự động. HTX cũng vừa hoàn thành khu vực sản xuất rộng 500m2, đáp ứng yêu cầu sản xuất số lượng lớn, chất lượng cao.
Nhờ hoạt động hiệu quả, đơn vị đang liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho gần 100 hộ dân trên diện tích hơn 60 ha dong riềng, tạo việc làm cho hơn 10 công nhân và 20 lao động thời vụ, với thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng,ông Hoàng Văn Tư thông tin.
Không chỉ ở huyện Hòa An, khu vực kinh tế hợp tác với nòng cốt là các HTX đang là điểm tựa xây dựng NTM ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Bên cạnh đóng góp trực tiếp với tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, các HTX còn góp phần quan trọng vào các tiêu chí giảm nghèo, môi trường, an ninh trật tự…
Nhiều chính sách thúc đẩy HTX phát triển
Để đạt mục tiêu có 2 huyện và 50 xã về đích NTM và không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí trước năm 2025, tỉnh Cao Bằng đang tích cực đẩy mạnh các mô hình kinh tế HTX gắn với chuỗi giá trị. Đến nay, toàn tỉnh có gần 30 HTX đang hoạt động, với hơn 3.500 thành viên tham gia, tổng số vốn điều lệ 825 tỷ đồng. Số HTX hoạt động hiệu quả theo Thông tư số 01/2020/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 150 HTX.
Đa số các HTX hoạt động kinh doanh đều có có lãi, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của một tổ chức kinh tế đối với Nhà nước, thành viên, người lao động và đem lại lợi ích tối đa cho thành viên. Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX hiện đạt 45 triệu đồng/người/năm. Xét trên bình diện chung, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đang phát huy vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản.
Tuy nhiên, hiện chất lượng hoạt động của một số HTX còn yếu, chưa phát huy vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế tập thể. Khó khăn chủ yếu do địa bàn chia cắt, diện tích đất sản xuất còn hạn chế, người dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt. Đầu ra cho các loại hàng nông sản chưa ổn định. Người dân thiếu vốn, chuyển đổi cây trồng theo hướng hàng hóa tập trung còn ít…
Nhận thức rõ vai trò của các HTX trong xây dựng NTM, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng Đàm Văn Độ cho biết, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ HTX phát triển. Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ gần 300 HTX tiếp cận thị trường, định hướng sản phẩm chủ lực, hỗ trợ vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm. Tổ chức 21 lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực. Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX hỗ trợ 3,8 tỷ đồng cho các HTX trên địa bàn tỉnh đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Để nâng cao vai trò của HTX trong xây dựng NTM, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật HTX, các chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM cho cán bộ, thành viên HTX; qua đó thấy rõ được vai trò, nhiệm vụ trong thực hiện chương trình xây dựng NTM ở địa phương. Tỉnh có các chính sách đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực, đất đai, tín dụng, hỗ trợ khoa học công nghệ, hỗ trợ tiếp thị và mở rộng thị trường, phát triển hạ tầng cơ sở, sản xuất và chế biến sản phẩm, hỗ trợ thành lập mới HTX.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế HTX gắn với chuỗi giá trị, tạo động lực cho quá trình xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân.
Bên cạnh đó, tích cực triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, phát triển sản phẩm OCOP, chú trọng đầu tư xây dựng vùng sản xuất, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh. Qua đó, tạo sức mạnh tổng hợp của các HTX tiếp tục đóng góp xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn, phấn đấu xây dựng hình thức tổ chức sản xuất đáp ứng yêu cầu của tiêu chí số 13 trong xây dựng NTM.