Thức tỉnh đội ngũ văn nghệ sĩ
80 năm trước, vào tháng 2.1943, Đảng ta đã ban hành bản Đề cương về văn hóa Việt Nam. Văn kiện ra đời trong bối cảnh đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ chịu ảnh hưởng của nhiều luồng tư tưởng, không tìm ra lối thoát cho sự phát triển của văn hóa dân tộc. Tại tọa đàm “Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển của văn học nghệ thuật Việt Nam” do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức ngày 2.3, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, GS.TS. Lê Hồng Lý nhận định, nhìn lại bối cảnh ra đời và nội dung của Đề cương về văn hóa Việt Nam để thấy tầm nhìn và giá trị của nó đối với văn hóa Việt Nam nói chung, với văn học nghệ thuật nói riêng, mà nổi bật nhất chính là giá trị thức tỉnh lực lượng văn nghệ sĩ.
Thức tỉnh từ Đề cương với ba nguyên tắc “Dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa”, hàng nghìn văn nghệ sĩ đã dấn thân vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Đề cương đã ăn sâu vào tư tưởng của các văn nghệ sĩ, khơi dậy cho họ lòng yêu nước, hòa nhập, song hành cùng dân tộc. Những áng văn thơ lay động lòng người, khích lệ tinh thần dũng cảm, thôi thúc hàng triệu trái tim sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc. Những tiếng hát át tiếng bom, những thước phim đầy mùi thuốc súng chiến trường của các nghệ sĩ - chiến sĩ là đóng góp không gì thay thế được... Khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới, kinh tế ổn định, đời sống của nhân dân được cải thiện, nâng cao, đội ngũ văn nghệ sĩ lại tiếp tục đóng góp giá trị văn hóa nền tảng cho phát triển.
Trong bối cảnh quốc tế và quốc gia chuyển biến mau lẹ, phức tạp, đứng trước những đòi hỏi, thách thức mới, suy tư của nhiều nhà văn hóa, nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ… cũng là điều mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt trăn trở khi phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Đó là văn học nghệ thuật thời gian này “thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người”. Theo GS.TS Lê Hồng Lý, đó là một câu hỏi lớn, một nhiệm vụ nặng nề cho giới văn học nghệ thuật trong việc phát huy và sáng tạo Đề cương về văn hóa Việt Nam trong tình hình mới.
Tự đổi mới, vươn lên xứng tầm
Theo Chủ tịch Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, NSND Trần Quốc Chiêm, từ sau Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, giới văn nghệ sĩ nước nhà đã thoát khỏi tình trạng bế tắc. Trên đường đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam vừa có thêm cơ hội mới, cũng phải đương đầu nhiều thách thức. Trong đó, gian nan nhất là cuộc “lột xác”, tự đổi mới để vươn lên xứng tầm với dân tộc và thời đại mà không bị lạc đường, chệch hướng.
Thực tế, đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà đã không ngừng nỗ lực, tìm tòi, thử nghiệm, tìm ra hướng đi, cách tiếp cận, ngôn ngữ nghệ thuật phù hợp với yêu cầu của xã hội và thời đại. Đã có những thử nghiệm táo bạo, đưa đến thành công trong các lĩnh vực ca nhạc, điện ảnh, mỹ thuật, múa… Tuy nhiên, dưới tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường, nền văn học, nghệ thuật nước nhà dường như vẫn còn nhiều bỡ ngỡ, tỏ ra lúng túng và bị động. Vì thế, việc tiếp thu ảnh hưởng văn hóa bên ngoài của một bộ phận không nhỏ nhân dân, đặc biệt là giới trẻ, bị sa vào xu hướng xô bồ, nhất là trong lĩnh vực giải trí.
Nguyên Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng, sau 80 năm, đường lối của Đảng ngày càng hoàn thiện, vấn đề quan trọng đặt ra là làm sao văn hóa thực sự đi sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống và tâm lý mỗi con người. "Trở lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 24.11.1946: Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân. Dân trí nâng cao thì chất lượng văn học nghệ thuật phải nâng cao hơn nữa. Chất lượng, hiệu quả của văn học nghệ thuật phải là phẩm chất, tài năng, tâm sức của giới văn học nghệ thuật".
Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, NSND, họa sĩ Vương Duy Biên cho rằng văn hóa đang bước sang giai đoạn mới, đồng hành với kinh tế và chính trị để phát triển đất nước. Các văn bản, chỉ thị, nghị quyết về văn hóa đã đầy đủ, quan trọng là quyết tâm và đầu tư có chiều sâu.
“Cần quyết liệt chỉ đạo việc thực hiện các nghị quyết của Đảng về văn học nghệ thuật nói riêng, văn hóa nói chung. Cần có sự đồng bộ từ trung ương đến địa phương, loại bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện tốt nhất cho văn hóa phát triển” - NSND Vương Duy Biên kiến nghị.