Lộ trình điều chỉnh phù hợp
Thông tin tại họp báo UBND thành phố Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Sáng trao đổi về lộ trình tăng giá nước sạch và mức giá dự kiến.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài Chính, dựa trên các quy định cụ thể về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước, Sở Tài chính đã chủ trì xây dựng điều chỉnh giá nước, trước mắt lộ trình trong 2 năm (2023-2024), áp dụng cho hộ gia đình, đơn vị cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp.
Theo đó, dự kiến đối với 1 hộ gia đình tiêu thụ thực tế đến 10 mét khối/tháng, tăng khoảng 15.270 đồng. Các nhóm khách hàng khác có hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ thì tăng khoảng 20%. Mức tăng này chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng chi phí của các doanh nghiệp, các đơn vị.
“Tại dự thảo phương án giá trình UBND thành phố, Sở cũng đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá nước sạch đối với các đối tượng sử dụng… Theo tính toán của liên ngành, với phương án giá dự kiến, CPI sẽ tăng khoảng 0,17%, không có tác động lớn đến giá của các hàng hóa, dịch vụ có liên quan”, Phó Giám đốc Sở Tài chính nói.
Về xây dựng phương án giá của các doanh nghiệp, Phó Giám đốc Sở Tài chính cũng cho biết Sở Tài chính sẽ phối hợp với các sở, ngành bám sát quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư 44, để triển khai thực hiện đồng thời căn cứ từng bước trong điều kiện, khả năng của người dân để có lộ trình điều chỉnh phù hợp.
Phó Giám đốc Sở tài chính cho rằng, hiện chi phí cấu thành giá nước sạch như tiền lương, nhân công... tăng dẫn đến phải điều chỉnh giá nước sạch để vừa đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp, vừa khuyến khích các chủ thể sử dụng nước tiết kiệm đồng thời giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, chống thất thoát, thu hút việc đầu tư vào sản xuất, phân phối nước sạch...
Đặt mục tiêu 100% người dân được sử dụng nước sạch
Giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội tiếp tục đặt mục tiêu 100% người dân đô thị và nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn từ nguồn cấp nước tập trung của thành phố. Tính đến hết năm 2022, tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nước sạch đạt khoảng 85% (hơn 4 triệu người với hơn 1 triệu hộ dân).
Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, giá nước sạch đang được thành phố áp dụng (theo Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND ngày 19.9.2013 của UBND TP. Hà Nội). Việc 10 năm nay vẫn chưa được điều chỉnh giá đang là vướng mắc lớn nhất khiến nhiều nhà đầu tư bỏ cuộc, chậm triển khai tiếp dự án... Đây cũng là nguyên nhân khiến kế hoạch phủ mạng cấp nước tới khu vực nông thôn không đạt mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thời điểm xây dựng quyết định số 38/2013/QĐ-UBND cách đây 10 năm cơ bản là nước ngầm, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại chất lượng nước và công nghệ nước khác, do đó cần phải điều chỉnh giá nước sạch cho phù hợp. Giá được điều chỉnh dựa trên cơ sở tổng mức đầu tư, tính giá đúng, tính đủ cho các đơn vị.
Một số chuyên gia nhận định về vấn đề nước sạch cho rằng, với những tính toán của doanh nghiệp thì việc tăng giá nước sạch là cần thiết, tuy nhiên việc tăng giá cần được công khai, minh bạch các yếu tố đầu vào, cơ cấu tính giá và tác động của việc tăng giá nước sạch đến đời sống. Bên cạnh đó, việc tăng giá cần phải phù hợp để không gây lo ngại, tác động đến đời sống của người dân
Bảo đảm an sinh cho người dân
Hiện nay các đơn vị bán buôn đã được TP. Hà Nội phê duyệt tăng giá từ 14.9.2022. Điển hình, vào cuối năm 2022, Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống đã thông báo tới các đơn vị bán nước sạch về việc điều chỉnh giá. Lộ trình điều chỉnh giá bán buôn nước sạch tăng từ 5.059 đồng/m3 lên 8.326 đồng/m3 vào năm 2023 và tiếp tục tăng lên 9.100 đồng/m3 năm 2024.
Hiện, giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt ở Hà Nội đang áp dụng theo Quyết định 38 ngày 19.9.2013 theo giá luỹ tiến. Theo đó, với 10m3 đầu tiên giá bán 5.973 đồng/m3 và tối đa 15.929 đồng/m3 khi dùng trên 30m3 (áp dụng từ 1.10.2015). Một số đơn vị bán buôn nước sạch cho rằng, nếu tính đúng, đủ, giá bán lẻ phải là 7.700 đồng/m3. Với mức 5.973 đồng/m3 chưa bao gồm chi phí đầu tư, doanh nghiệp sẽ lỗ. Do đó, nếu chỉ tăng giá bán buôn, không tăng giá bán lẻ thì các nhà bán lẻ sẽ bị lỗ vốn, đứng trước nguy cơ phá sản.
Về vấn đề công khai, minh bạch khi tăng giá nước sạch, đại diện Sở Tài chính Hà Nội khẳng định, việc tăng giá nước sạch sẽ được công khai, minh bạch các yếu tố đầu vào, cơ cấu tính giá, điều kiện phát triển kinh tế, khu vực và thu nhập của người dân trong từng thời kỳ… tất cả phải bảo đảm có lợi và mục đích an sinh cho người dân
Hà Nội hiện có 6 doanh nghiệp sản xuất, cung cấp nguồn nước sạch chính bao gồm: Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội; Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà; Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông; Công ty Cổ phần Cấp nước Sơn Tây; Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống; Nhà máy nước Hà Nam.