Tăng đầu tư cho giáo dục đại học
- Tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI diễn ra mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng, trong đó gợi mở một số nhiệm vụ trọng tâm đối với ngành và doanh nghiệp công nghệ số trong giai đoạn tới. Theo ông, điều đó có ý nghĩa như thế nào?
- Từ 7 quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư về những nhiệm vụ trọng tâm, tôi cho rằng có một số yếu tố cho niềm tin và hy vọng đối với sự phát triển vượt bậc của công nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Thứ nhất, trong 25 năm qua, Việt Nam đã và đang ở “làn nhanh” tăng năng suất lao động trên thế giới do đầu tư cho tăng cường vốn và vốn con người. Thứ hai, Việt Nam có nguồn tài nguyên dữ liệu lớn từ dân số hơn 100 triệu người. Thứ ba, Việt Nam có chất lượng giáo dục phổ thông (qua kết quả PISA, Olympiad khoa học) và giáo dục đại học (qua kết quả thi lập trình sinh viên quốc tế ICPC) thuộc diện khá cao trên thế giới, cung cấp đầu vào quan trọng cho bồi dưỡng, phát triển và thu hút nhân tài. Thứ tư, cũng là yếu tố quan trọng bậc nhất, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa cùng với chủ trương định vị Việt Nam như một điểm đến quốc tế ưu việt sẽ gia tăng độ hấp dẫn thu hút đầu tư.
Đặc biệt, trong bài phát biểu, Tổng Bí thư đặt ra vấn đề có hay không sự “ngộ nhận”, “tự huyễn hoặc”, “tự ru mình” trong các báo cáo của lãnh đạo ngành. Theo tôi, nguyên nhân gốc rễ của vấn đề xuất phát từ quan niệm về công nghệ số còn rất mập mờ và hỗn tạp, do đó, một quan niệm rõ ràng và thống nhất về công nghệ số là rất cần thiết. Quan niệm công nghệ số bao gồm công nghệ thông tin - truyền thông và công nghệ phân tích dữ liệu của OECD cần được lựa chọn.
- Một trong những điểm yếu được Tổng Bí thư chỉ ra là “khả năng thu hút nhân tài công nghệ cao cũng chưa đủ mạnh, dẫn đến việc thiếu hụt nguồn lực chất lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp”. Ông đánh giá như thế nào về chất lượng nhân lực công nghệ ở nước ta hiện nay và đâu là giải pháp trọng tâm để thu hút họ?
- Do công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) là một công nghệ mục đích chung, có tác động lớn tới hầu hết các công nghệ quan trọng, có nhiều ứng dụng trong rất nhiều ngành và lĩnh vực, cho nên tôi tập trung vào nhân tài AI.
Theo W.Maes & A. Sawaya, McKinsey&Company, thu hút và giữ chân nhân tài AI là thách thức với mọi quốc gia. Tại Trung Quốc sẽ thiếu hụt 4 triệu nhân tài AI vào năm 2030. Còn tại Việt Nam, từ năm 2020, chúng tôi đã khẳng định đội ngũ nhân tài AI là lực lượng chủ chốt tạo động lực tăng tốc trưởng thành số - AI và đề nghị mục tiêu “đến năm 2030, Việt Nam thuộc tốp dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao về đào tạo tài năng và bồi dưỡng nhân tài AI theo mọi phương diện về nghiên cứu, sản xuất sản phẩm và triển khai ứng dụng AI”; các trường đại học trọng điểm về công nghệ và kinh tế đóng vai trò trung tâm để hoàn thành mục tiêu này. Mô hình chuẩn đầu ra theo năng lực và tiếp cận dựa trên kỹ năng cần được thấm nhuần sâu sắc và triển khai đồng bộ. Thay đổi cách tổ chức thực hiện để giảm thiểu tác động xấu của học chế tín chỉ và bồi dưỡng văn hóa tổ chức cho sinh viên ngay trong trường đại học.
Đầu vào cho kinh tế tri thức gồm đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), giáo dục đại học và phần mềm. Nhà nước cần có các chính sách huy động tốt các nguồn đầu tư cho giáo dục đại học để nâng được mức đầu tư cho bậc học này đạt khoảng 1,15% GDP vào năm 2026 (0,75 mức trung bình của OECD năm 2015), khoảng 1,5 GDP vào năm 2030.
Kinh nghiệm quốc tế như “gia tăng đội ngũ nhà nghiên cứu AI xuất sắc” của Canada, xây dựng "đất nước của những người tài năng" của Séc cũng cần được phân tích công phu và vận dụng phù hợp.
Thiết lập mô hình “quốc gia chuyển đổi cân đối”
- Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Tổng Bí thư đặt ra là phải “nỗ lực tự cường, tự chủ công nghệ và phát triển công nghệ chiến lược, công nghệ lõi, đây là căn cơ để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ”. Làm thế nào để đạt được mục tiêu này, thưa ông?
- Bài viết của Tổng Bí thư ngày 2.9.2024 cho một tầm nhìn phát triển phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa (XHCN) trong thời đại số, chứa đựng tinh thần tự cường, tự chủ tổng thể trong phát triển đất nước. Cần hình thành luận thuyết phát triển phương thức sản xuất XHCN trong thời đại số: lấy khoa học - công nghệ làm then chốt phát triển kinh tế số làm động lực thúc đẩy nền kinh tế tri thức đạt mức cao, tạo ra lợi nhuận lớn để phân phối công bằng tới toàn xã hội. Đội ngũ chuyên gia về phát triển phương thức sản xuất XHCN trong thời đại số có đủ kiến thức và kỹ năng đa lĩnh vực (khoa học, công nghệ, kinh tế, quản lý, xã hội…) có ý nghĩa chiến lược.
Tự chủ, tự cường cần được xuyên suốt trong toàn bộ chuỗi giá trị công nghệ số, từ nền công nghệ lõi thượng nguồn qua các nền công nghệ trung gian và tới người dùng cuối. Ngoại trừ công nghệ lõi thượng nguồn, Việt Nam có tiềm năng bảo đảm tự chủ, tự cường từ nền công nghệ trung gian đầu tiên tới người dùng cuối. Chuỗi giá trị phần mềm và dịch vụ công nghệ số có công nghệ lõi thượng nguồn là trung tâm dữ liệu; cần coi việc xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia như xây dựng một công trình trọng điểm quốc gia. Công nghệ lõi thượng nguồn chuỗi giá trị phần cứng là chế tạo mạch tích hợp (chip); tự chủ, tự cường chế tạo chip là thách thức rất lớn, vì vậy, cần thu hút các tập đoàn chế tạo chip hàng đầu thế giới (như NVIDIA) xây dựng nhà máy chế tạo chip trắng tại Việt Nam; khoảng cách địa lý ngắn tới các “công xưởng của thế giới” cho phép giảm bớt chi phí vận chuyển chip từ nơi chế tạo tới nơi tiêu thụ, làm tăng sức hấp dẫn của Việt Nam. Nâng cao trình độ lập trình nhúng trên chip trắng bảo đảm tự chủ, tự cường sản xuất sản phẩm công nghệ số phần cứng.
Cần đẩy mạnh đầu tư cho R&D công nghệ phân tích dữ liệu “AI như là dịch vụ”, cho R&D hệ thống nhúng phục vụ quốc phòng, an ninh và mọi miền ứng dụng khác; thêm nữa, chú trọng đầu tư cho R&D toán học và các khoa học cơ bản khác.
- Chúng ta sẽ khó phát triển công nghệ số nếu như vẫn còn sự chênh lệch giữa các vùng miền, địa phương. Theo ông, làm thế nào để thu hẹp khoảng cách này?
- Phân bố không đồng đều là một đặc trưng của công nghệ số và kinh tế số. Do đó, sự chênh lệch giữa các vùng miền về công nghệ số là không thể tránh khỏi; thu hẹp sự chênh lệch đó là hết sức cần thiết. Mô hình “quốc gia chuyển đổi cân đối” cần được thiết lập, trong đó, vùng miền thế mạnh công nghệ số là phân xưởng đổi mới; vùng miền khác cần tạo ra sản phẩm kinh tế sáng tạo theo thế mạnh dựa trên sản phẩm công nghệ số từ các vùng miền thế mạnh. Nhà nước cần xây dựng khung mô hình quốc gia chuyển đổi cân đối, dẫn dắt và điều phối các vùng miền hoạt động hiệu quả theo khung đó.
- Xin cảm ơn ông!