Căn cơ từ cơ sở, từ địa bàn

- Thứ Sáu, 04/12/2020, 06:17 - Chia sẻ

Chiều qua, 3.12, Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội đã diễn ra một sự kiện khá đặc biệt. Đó là cuộc gặp mặt thân tình giữa Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng với 100 đại biểu đại diện cho 1.600 đại biểu tiêu biểu của 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S tham dự Đại hội toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ II giai đoạn 2021 - 2030. 

Đặc biệt là bởi cũng chính tại hội trường này, chỉ trong hơn một năm, liên tiếp tại hai kỳ họp, Quốc hội đã bấm nút biểu quyết thông qua 2 Nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tính lịch sử đối với đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS - MN) là: Nghị quyết 88/2019/QH14 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS - MN, giai đoạn 2021 - 2030 và Nghị quyết 120/2020/QH14 về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS - MN, giai đoạn 2021 - 2030.

Nhắc đến hai Nghị quyết này, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cao Bằng Triệu Đình Lê không khỏi xúc động và cho biết, đồng bào các DTTS - MN trân trọng cảm ơn Quốc hội bởi đây là Chương trình lớn, toàn diện, có tính chất bao trùm, đồng thời thể hiện rõ tính tập trung, căn cơ, không dàn trải trong đầu tư, phù hợp với tâm nguyện của đồng bào các DTTS - MN. Quốc hội, Chính phủ cũng đã dự kiến bố trí nguồn vốn lớn nhất từ trước đến nay để đầu tư cho vùng phát triển nhanh và bền vững hơn trong 10 năm tới. “Đây thực sự là cơ hội lớn cho miền núi phát triển. Nếu làm tốt Chương trình này, đồng bào không chỉ có cần câu mà còn có cả ao cá và giống cá để nuôi, sau đó mới là để câu nhằm thay đổi sinh kế, nâng cao đời sống, thu hẹp chênh lệch với các vùng miền khác”, ông nói.

Còn có những chi tiết đặc biệt khác liên quan đến hai Nghị quyết kể trên cũng được Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chia sẻ với các đại biểu. Đó là, ngay trong phiên làm việc đầu tiên của nhiệm kỳ Khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã “đặt hàng” Hội đồng Dân tộc nghiên cứu và chuẩn bị để “nên chăng, trình Quốc hội ban hành một Nghị quyết nhằm tổ chức thực hiện quy định của Hiến pháp năm 2013 về chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước”. Sau 2 năm rưỡi chuẩn bị, tại Kỳ họp thứ Tám, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 88 với sự đồng thuận của 100% đại biểu Quốc hội có mặt và Chủ tịch Quốc hội đã ký ban hành Nghị quyết ngay tại Kỳ họp. Đây cũng là Nghị quyết đầu tiên được tổ chức triển khai thực hiện ngay, được hưởng ứng ngay trong khi Kỳ họp vẫn đang diễn ra. Và chỉ nửa năm sau đó, tại Kỳ họp thứ Chín, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và Quốc hội, nhất là Ủy ban Dân tộc và Hội đồng Dân tộc, một Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS - MN giai đoạn 2021 - 2030 đã được trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn chủ trương đầu tư.

Nhắc lại những chi tiết đặc biệt như thế không chỉ là để thấy rõ hơn sự quan tâm và tình cảm sâu đậm dành cho đồng bào các DTTS - MN của Lãnh đạo Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, mà như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhắn nhủ tại cuộc gặp mặt, “Nghị quyết 88 và Nghị quyết 120 là Nghị quyết của ý Đảng, lòng Dân, là sự mong đợi khát khao của đồng bào các dân tộc... Chúng ta phải tập trung cao độ, triển khai thực hiện thật tốt Đề án và Chương trình mục tiêu quốc gia này, qua đó, góp phần giải quyết căn cơ yêu cầu bức thiết về đời sống của đồng bào DTTS - MN; đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo sinh kế và tăng thu nhập cho đồng bào, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống và trình độ phát triển so với những vùng khác”.

Công tác dân tộc luôn được Đảng và Nhà nước xác định là vấn đề chiến lược cơ bản, vừa lâu dài vừa cấp bách, là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị. Vì thế, trong suốt chặng đường vừa qua, dù đất nước vẫn gặp nhiều khó khăn nhưng Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở đã ưu tiên dành nguồn lực đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS - MN.

Đã có những bước tiến dài trong sự phát triển của vùng nếu so sánh với thời điểm 10 năm trước khi Đại hội toàn quốc các dân tộc thiểu số được tổ chức lần đầu tiên. Tuy nhiên, cùng với hai Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua, những chủ trương, định hướng lớn về công tác dân tộc được đề cập trong dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, yêu cầu phát triển đối với vùng đồng bào DTTS - MN trong 10 năm tới sẽ hoàn toàn khác. Vì thế, việc phải làm thật tốt, phải tập trung cao độ hiện nay ở từng địa phương chính là triển khai sâu rộng các Nghị quyết của Quốc hội, các quan điểm chỉ đạo của Trung ương đến toàn thể cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Hơn ai hết, chính quyền địa phương, cán bộ cơ sở phải thay đổi tư duy, cách nhìn nhận đối với địa bàn mình. Đó không chỉ là vùng khó khăn nhất mà đồng thời cũng là vùng ẩn chứa những tiềm năng, lợi thế rất lớn chưa được khai thác, phát huy. Làm gì để giảm bớt khó khăn? Làm gì để khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế? Làm gì để biến tiềm năng thành tiềm lực? Biến tài nguyên thành tài sản của vùng miền núi? Những câu hỏi này trước hết phải được trả lời từ cơ sở, từ chính đồng bào mỗi địa phương bởi mỗi địa bàn, mỗi cộng đồng dân tộc sẽ có những vấn đề riêng của mình. Phải căn cơ từ cơ sở, từ địa bàn như vậy thì nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS - MN mới thực sự phát huy được vai trò và hiệu quả như kỳ vọng. 

Nguyễn Bình