Bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các luật mới được sửa đổi, bổ sung
Theo Tờ trình dự án Luật Việc làm (sửa đổi) thì việc sửa đổi xuất phát từ các yêu cầu thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, thị trường lao động, cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp…
Bên cạnh đó, việc sửa đổi Luật còn nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, nhất là đối với các luật mới được sửa đổi, bổ sung; phù hợp các tiêu chuẩn, thông lệ và cam kết trong lĩnh vực việc làm mà Việt Nam tham gia. Khắc phục những tồn tại, hạn chế về quy định của Luật Việc làm trong hỗ trợ tạo việc làm, thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm, phát triển kỹ năng nghề; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề, bảo hiểm thất nghiệp, đăng ký lao động.
Ngoài ra, việc sửa đổi còn nhằm đáp ứng yêu cầu về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực việc làm, kịp thời ứng phó, thích ứng trong bối cảnh già hóa dân số, cách mạng công nghiệp 4.0, giải quyết các vấn đề liên quan việc làm bền vững, quản lý nguồn lao động.
Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Trà Vinh) tán thành với các nội dung sửa đổi, bổ sung lớn trong dự thảo luật. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị nên bổ sung quy định trong luật về các nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm; bổ sung định nghĩa và chức năng của hệ thống thông tin thị trường lao động để thống nhất mục tiêu và quy trình thu thập, lưu trữ.
Đồng thời, sửa đổi các quy định về trách nhiệm của các cơ quan liên quan, bảo đảm sự phối hợp nhịp nhàng giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cơ quan thống kê và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quản lý và dự báo thông tin. Nên tích hợp hệ thống thông tin thị trường lao động với cơ sở dữ liệu quốc gia để bảo đảm sự liên thông, đáp ứng nhu cầu khai thác và nghiên cứu chính sách.
Tán thành với việc sửa đổi luật, đại biểu Quốc hội Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) nhấn mạnh đây là dự án luật quan trọng, có tính thực tiễn cao, tác động tới nhiều đối tượng; liên quan tới nhiều bộ luật, luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Do đó, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và cam kết quốc tế có liên quan để kịp thời điều chỉnh, bổ sung, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Đồng thời, phải có tính dự báo cao nhằm đáp ứng những thay đổi nhanh chóng của lao động và việc làm.
Đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện các chính sách mới
Dự thảo Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 50 điều được xây dựng trên quan điểm đổi mới về quản lý và phát triển lực lượng nhà giáo. Đó là chuyển từ quản lý chủ yếu bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng chuyên môn và các công cụ quản lý chất lượng. Chuyển từ quản lý nhân sự sang quản trị nguồn nhân lực, nhằm phát triển toàn diện lực lượng nhà giáo nhằm phù hợp với sự đổi mới sâu sắc và toàn diện trong nền giáo dục. Đây là điểm mới về cách tiếp cận, được áp dụng nhất quán trong quá trình xây dựng luật và thể hiện ở từng nội dung.
Về đối tượng, phạm vi áp dụng của luật là nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm cả nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập…
Báo cáo thẩm tra dự án Luật, của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành với sự cần thiết xây dựng dự án Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về nhà giáo. Đồng thời góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, kịp thời bổ sung các chính sách mới, đặc thù để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo.
Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện các chính sách mới, nhất là các điều kiện về nguồn lực tài chính để bảo đảm tính khả thi. Nghiên cứu kỹ kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng pháp luật về nhà giáo, tham khảo các chính sách, pháp luật đối với nhà giáo để hoàn thiện dự thảo Luật phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Thức (Thanh Hóa) đánh giá cao dự thảo Luật đã có cơ chế chính sách khá rõ nét để thu hút, giữ chân các nhà giáo đang công tác cũng như thu hút các sinh viên mới ra trường về công tác tại các địa bàn khó khăn.
Cho rằng xây dựng luật riêng là phù hợp, song đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị cần thống nhất khái niệm tuyển dụng nhà giáo; xác định kỹ cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục; cần xây dựng hệ thống chính sách cho nhà giáo ở những khu vực đặc thù, khu vực khó khăn… Về chế độ tiền lương đối với nhà giáo cũng chưa được quy định rõ…