Việc triển khai kinh tế tuần hoàn trong xử lý rác thải ở Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn: Nhận thức của người dân về phân loại rác còn hạn chế, hệ thống thu gom và xử lý chưa đồng bộ, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Bên cạnh đó, thiếu vốn đầu tư, công nghệ lạc hậu và khung pháp lý chưa hoàn thiện cũng là những trở ngại lớn.
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 15.11.2004 về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó đã nhấn mạnh: "Thu gom và xử lý toàn bộ rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp bằng các phương pháp thích hợp, trong đó ưu tiên cho việc tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế tối đa khối lượng rác chôn lấp, nhất là với các đô thị thiếu mặt bằng làm bãi chôn lấp…". Tuy nhiên, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết, vẫn chưa hình thành ngành công nghiệp môi trường và sử dụng rác là nguồn nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết, nhiều nơi, nhiều đơn vị có lượng rác thải phát sinh hàng ngày rất lớn. Ví dụ như tại Thành phố Hồ Chí Minh là 10.000 tấn/ngày, Hà Nội là 7.000 tấn/ngày, với số lượng rất lớn như vậy, thì sau khi thu gom, tập kết gần như không thể xử lý hết được, và việc này dẫn tới ô nhiễm môi trường ở nơi tập kết, chôn lấp rác thải.
Đây là thực trạng đã có nhiều năm, chính quyền tại các địa phương cũng đã đề ra rất nhiều giải pháp để xử lý như kêu gọi đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý rác thải nhưng rất hiếm có doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này, vì các doanh nghiệp cho rằng sẽ rất khó tiêu thụ các sản phẩm từ tái chế.
Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh, Nhà nước cần hỗ trợ tốt hơn ngoài việc hỗ trợ về đất đai, có thêm các chính sách phù hợp thì các doanh nghiệp mới có thể tiếp cận và sẵn sàng tham gia vào lĩnh vực tái chế rác thải thành các sản phẩm phục vụ cho nhu cầu thiết yếu.
Đồng thời, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, cần quan tâm là nhận thức của người dân, đơn vị thu gom trong phân loại rác thải. Hiện nay, người dân đã đồng ý với việc tự phân loại các loại rác thải tại nhà nhưng đơn vị thu gom, họ không có nơi để chứa các loại rác thải sau phân loại này nên họ lại gộp tất cả lại với nhau. Đây là một điều bất hợp lý đã xảy ra trong thời gian vừa qua mà cần phải nhanh chóng có phương hướng xử lý.
Do đó, việc nâng cao nhận thức, ý thức về phân loại rác thải cho người dân, cho người thu gom và người xử lý là một điều rất cần cả hệ thống chính trị vào cuộc để đẩy mạnh tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, một số địa phương vùng nông thôn chưa có chỗ để thu gom rác thải, người dân vứt bỏ rác thải xuống kênh, rạch, sông, suối... hoặc có địa điểm tập kết rác thải nhưng không bảo đảm các chỉ số về an toàn cho môi trường. Do đó, cần có một chính sách của Nhà nước có thể bao cấp cho các cơ sở, các doanh nghiệp tới các vùng nông thôn đó thu gom rác mang tới nơi tập kết để xử lý đúng cách.
ĐBQH Phạm Văn Hòa chia sẻ, chúng ta tuyên truyền vận động sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường và không sử dụng các bao nilon, hộp nhựa. Nhưng các chế phẩm từ nilon này lại rất gần gũi và thuận tiện nhất cho sinh hoạt hàng ngày của người dân, vì vậy mà người ta sẽ sử dụng nhiều hơn.
"Nếu không có một cơ chế, chính sách hiệu quả cho công tác thu gom, xử lý rác thải, nhất là các đơn vị tái chế rác thải thì việc kinh tế tuần hoàn đạt mục tiêu tới năm 2030-2035, giảm được số lượng rác thải sẽ rất khó", ĐBQH Phạm Văn Hòa nói.