Xử lý dứt điểm các dự án gặp khó khăn, vướng mắc về pháp lý
Tiếp tục phiên giám sát tối cao "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023", ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) nhấn mạnh, việc Quốc hội tiến hành chuyên đề giám sát này là vô cùng cần thiết, kịp thời, đặc biệt trong đó đã đề ra những điểm nghẽn về thể chế đang cần được tháo gỡ trong thời gian tới.
Bên cạnh 22 nội dung còn vướng mắc, bất cập về chính sách, pháp luật khi Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành thì cần phải tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất kịp thời, đồng bộ các giải pháp để nhanh chóng tháo gỡ, giải quyết phù hợp, xử lý dứt điểm đối với các dự án bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc về pháp lý, đình trệ do quá trình triển khai thực hiện kéo dài, qua đó đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững thị trường bất động sản và nhà ở xã hội.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị, Chính phủ tiếp tục rà soát kỹ lưỡng những tồn tại, hạn chế của chính sách, pháp luật trong quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp triển khai hiệu quả gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ; các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay đối với các chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Các địa phương cần tổ chức triển khai đồng bộ Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), bảo đảm những chính sách được Quốc hội thông qua thực sự đi vào thực tiễn; đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào chương trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.
“Chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội cần được nghiên cứu, đánh giá, xây dựng dựa trên căn cứ khoa học thực tiễn, phù hợp với nhu cầu và thực tiễn phát triển của địa phương, của vùng. Bố trí quỹ đất sạch và phù hợp để phát triển nhà ở xã hội; tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vốn thực hiện xây dựng các khu nhà ở xã hội; quan tâm phát triển các tiện ích của khu nhà ở xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tại khu vực này...”, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị.
Không thể trông chờ doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà cho thuê
Nêu thực tế đối tượng cần mua nhà ở xã hội là những người không có nhiều tiền, thu nhập chỉ đủ để trang trải cuộc sống, không có tiền tích lũy để trả tiền mua nhà, không đủ tiền tích lũy để trả tiền lãi vay ngân hàng nếu như được vay để mua nhà, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) băn khoăn, vậy làm sao họ có thể có đủ tiền để mua nhà? Thực tế cũng cho thấy, trong nhiều năm qua, những người thu nhập thấp được mua nhà ở xã hội thì sau 5 năm được phép bán là họ sẽ bán căn nhà đó để dùng tiền trang trải nợ và làm những việc khác.
Đồng tình với quan điểm khi phát triển nhà ở cho thuê thì không thể dựa vào doanh nghiệp vì đầu tư nhà ở cho thuê là “bỏ tiền cục, thu tiền lẻ”, thậm chí “tiền lẻ” không đủ để bảo dưỡng, vận hành những căn nhà đó, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, không thể trông chờ doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà cho thuê mà phải có một quỹ dành riêng cho đầu tư phát triển nhà cho thuê. Đại biểu nhất trí với phương án lấy từ tiền thu 2% tiền sử dụng đất nhà ở xã hội của các dự án nhà ở thương mại để hình thành Quỹ đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Do đó, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị, để người thu nhập thấp có chỗ ở, cần tăng phân khúc nhà ở cho thuê đối với người thu nhập thấp và người thu nhập thấp có thể thuê nhà ở này suốt đời, khi tích lũy đủ tiền sẽ chuyển sang mua nhà ở thương mại và dành quỹ nhà thuê đó cho những người thu nhập thấp khác vào thuê.
Cũng quan tâm đến nội dung phát triển nhà ở xã hội, ĐBQH Nguyễn Văn An (Thái Bình) chỉ rõ, về phát triển nhà ở xã hội, tại điểm e, khoản 1 Điều 2 dự thảo Nghị quyết nêu: thực hiện giải pháp cụ thể để triển khai hiệu quả Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 bảo đảm tiến độ, chất lượng và sự phù hợp với nhu cầu, điều kiện làm việc, sinh sống của đối tượng thụ hưởng. Theo đại biểu, nội dung này mới ở mức chủ trương chung, chưa có định hướng cụ thể.
Đại biểu Nguyễn Văn An nêu rõ, Luật Nhà ở (sửa đổi) đã giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ quản dự án nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn. Tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết chưa có kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp đối với chủ thể này.
Để hạn chế tình trạng xét duyệt đối tượng không đúng, mua nhà ở xã hội để bán sang tay, đại biểu Nguyễn Văn An đề nghị, cần quan tâm đẩy mạnh việc xây dựng nhà ở xã hội từ ngân sách nhà nước để cho thuê, Chính phủ phát động phong trào xây dựng nâng cao chất lượng nhà ở cho công nhân lao động.
Đối với nhà ở cho công nhân, theo đại biểu, cần bổ sung nhiệm vụ, giải pháp gắn với trách nhiệm rõ ràng, cụ thể của chính quyền địa phương và chủ đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp.