Có kế hoạch triển khai cụ thể
Theo lộ trình của Chính phủ, năm 2025 sẽ thí điểm thị trường carbon trong nước và vận hành chính thức từ năm 2028. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng Đề án thành lập thị trường carbon, nhằm phát triển thị trường carbon tuân thủ tại Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới Net Zero vào năm 2050.
Có thể nói, việc xây dựng thị trường carbon chính là tạo “cuộc chơi mới" mà tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào hoạt động giảm phát thải, tăng hấp thụ khí carbon sẽ được chi trả từ tiền bán hạn ngạch phát thải, tín chỉ carbon. Đây là chi phí lợi nhuận cho từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế, và cần nhanh chóng triển khai.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên cho biết, theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải nhà kính và bảo vệ tầng ozon, đặt mục tiêu thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025.
Tuy nhiên, để thí điểm được thì cần hoàn thiện được hai mảng. Một là các văn bản pháp luật, hai là các điều kiện đủ để tạo ra một hàng hóa để đưa vào thị trường thí điểm.
“Tôi cũng không biết là bây giờ chúng ta có thể trả lời được câu hỏi đến 2025 chúng ta dự kiến đưa vào thí điểm thì các điều kiện đã đủ để thực hiện được thí điểm như mong muốn hay chưa. Do đó, các bộ, ngành có trách nhiệm tham mưu với Chính phủ cần phải khẩn trương hoàn thiện những gì thuộc phần trách nhiệm của mình”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên nói.
Về phía Chính phủ, cần sớm ban hành Đề án thành lập thị trường carbon để tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai thực hiện; đồng thời Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng có những kế hoạch cụ thể để triển khai đề án này. Ví dụ như những yếu tố rất cơ bản mà chúng ta có thể thực hiện được như vốn, nhân sự, giải pháp về kỹ thuật... phải chuẩn bị từ sớm.
Tuy nhiên, theo thông tin các chuyên gia chia sẻ, cho đến hiện nay, trên 50% doanh nghiệp vẫn còn có vấn đề vướng mắc, nhân sự có kỹ thuật cao thì trên 48% doanh nghiệp chưa đáp ứng được. Do vậy, các bộ, ngành có trách nhiệm trực tiếp phải có một kế hoạch rất cụ thể để tháo gỡ, khắc phục và phải ra định hạn cho những gì mà có thể chủ động được.
“Việc thí điểm là rất cần thiết và quan trọng, bởi vì đây là một vấn đề mới và khó. Chúng ta thí điểm để tích lũy kinh nghiệm, đồng thời học hỏi kinh nghiệm nước ngoài để đến năm 2028 có thể tổng kết ra được là chúng ta nên làm thế nào. Bên cạnh đó, trong quá trình thí điểm, phải luôn luôn cập nhật, điều chỉnh để có thể tháo gỡ được những vướng mắc, khó khăn” bà Trần Hồng Nguyên chia sẻ.
Sớm nghiên cứu hệ thống thuế carbon tương thích với các nước
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên cũng cho rằng, việc sớm nghiên cứu hệ thống thuế carbon tương thích với các nước là rất quan trọng. Từ năm 2026, EU sẽ áp dụng mức thuế cao hơn với các sản phẩm được sản xuất tại những quốc gia hay vùng lãnh thổ có các tiêu chuẩn về phát thải carbon ít nghiêm ngặt hơn so với tiêu chuẩn EU (theo “Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon” - CBAM), và sẽ có tác động trực tiếp lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này.
Đồng thời, công tác truyền thông cũng cần phải được quan tâm hơn. Chúng ta đã có những phân loại về nhận thức của các doanh nghiệp, của người dân ở mức độ khác nhau thì cũng nên có những giải pháp về truyền thông phù hợp thì sẽ hiệu quả hơn, đặc biệt trong thời gian mà chúng ta thí điểm từ nay đến năm 2028.
Công tác kiểm tra, giám sát cũng cần được chú trọng để kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh, từ đó có phương án giải quyết phù hợp; xử lý kịp thời những vi phạt.
Về phía các doanh nghiệp cũng cần chủ động, tích cực nắm bắt quy định để triển khai thực hiện cho đúng. Đặc biệt, vai trò của các hiệp hội ngành hàng là rất quan trọng để định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp trong thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Các hiệp hội cần chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý, các tổ chức nghiên cứu, tư vấn để hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực, kịp thời.
Ngày 12.7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành nghe báo cáo về Đề án thành lập thị trường carbon.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, việc phát triển thị trường carbon có đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam đối với quốc tế về giảm phát thải ròng khí nhà kính, cũng như thích ứng với những chuyển động rất nhanh của các thị trường xuất khẩu lớn, quan trọng đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.
Việc vận hành thị trường carbon phải theo lộ trình, dưới sự quản lý của Nhà nước phù hợp với năng lực, mức độ phát triển của doanh nghiệp, nền kinh tế, bảo đảm lợi ích quốc gia.
Mục tiêu của đề án là thực hiện cam kết với quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, tạo ra dòng tài chính mới cho hoạt động cắt giảm phát thải khí nhà kính, tạo động lực chuyển đổi xanh cho các ngành, lĩnh vực kinh tế tham gia vào thị trường thế giới.