Tại Tọa đàm cường kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn để cải thiện môi trường do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức mới đây, Phó vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Đặng Đình Tùng khẳng định, để các dự án xử lý môi trường nói chung, xử lý rác thải và đặc biệt các dự án đốt rác phát điện, rất cần tháo gỡ những khó khăn về cơ chế, chính sách.
Với quy mô nền kinh tế, dân số ngày càng lớn, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh, môi trường ở nước ta đã và đang chịu áp lực lớn cả về số lượng, quy mô và mức độ tác động.
Ðáng lo ngại, tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn biến phức tạp, lượng chất thải được thải ra môi trường ngày càng gia tăng; công tác quản lý rác thải sinh hoạt còn nhiều hạn chế, phần lớn được xử lý theo hình thức chôn lấp; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được tái chế tại các cơ sở xử lý chưa cao.
Trong những năm qua, chúng ta đã từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó đã đặt ra các quy định cụ thể về quản lý chất thải, tái chế và giảm thiểu ô nhiễm, góp phần hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn.
Tuy nhiên, muốn thúc đẩy các dự án môi trường nói chung, Phó Phó vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ (Bộ Khoa học và công nghệ) Đặng Đình Tùng cho rằng, cần phải tháo gỡ những tồn tại, khó khăn hiện nay.
“Ví dụ như một số quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Việt Nam cho lò đốt rác, chất thải rắn hiện chưa có sự thống nhất với quy chuẩn quốc tế. Rất nhiều ý kiến các đại biểu, chuyên gia đề cập đến một số dự án cụ thể mang công nghệ rất hiện đại ở nước ngoài về, nhưng trong quá trình đốt lại không đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam, dẫn đến việc không thể đưa vào vận hành thương mại,” ông Tùng nói.
Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cũng thông tin, việc tháo gỡ chính sách hiện đang được Bộ Tài nguyên Môi trường xây dựng và sẽ sớm vận hành quy chuẩn mới cho lò đốt rác nhằm thay thế hiện hành.
Theo quy định hiện hành, đối với các dự án đốt rác phát điện, đơn giá mua điện từ các dự án này mới chỉ áp dụng được cho một số dự án trực tiếp, mà chưa có đơn giá chung cho các dự án phát điện, khí đốt thu hồi từ bãi chôn lấp, chất thải có nhiều công nghệ mới, điện rác như khí hóa phát điện, đốt, phát điện lên men, tạp khí biogas…
Do vậy, giá mua điện cũng chưa được quy định rõ ràng và đầy đủ tại Quyết định số 31/2014 ngày 5.5 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện từ chất thải rắn tại Việt Nam. Đây cũng là vấn đề mà các bộ, ngành có liên quan phải tính lại đơn giá có hiệu quả kinh tế để thu hút, khuyến khích thêm nhà đầu tư.
Hiện nay mỗi địa phương lại ban hành đơn giá thu gom, xử lý rác thải khác nhau trên địa bàn. Do đó cách làm của các địa phương cũng cần sự quan tâm đúng mực để đảm bảo đơn giá đủ hấp dẫn thu hút nhà đầu tư.
“Qua hoạt động thẩm định công nghệ cho các dự án môi trường lâu nay, chúng tôi thấy rằng, về mặt công nghệ, đúng là không thể có công nghệ nào tối ưu mà chỉ có công nghệ phù hợp nhất. Ai cũng hiểu công nghệ đốt rác ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh - hai đô thị phát triển chắc chắn phải khác những đô thị nhỏ lẻ hơn về quy mô dân sô, quy mô và cơ cấu kinh tế. Do đó việc này phụ thuộc nhiều nơi chính quyền địa phương trong việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù thông qua đơn giá nhằm thu hút các nguồn lực xã hội,” ông Tùng đặt vấn đề.
Về phát triển theo kinh tế tuần hoàn, rõ ràng hoạt động đốt rác, phát điện tạo nguồn năng lượng để làm yếu tố đầu vào cho các hoạt động sản xuất công nghiệp khác đã theo xu hướng hiện nay.
Chính phủ cũng đã có Nghị định 35/2022 về kinh tế tuần hoàn, cho việc phát triển cộng sinh công nghiệp và công nghệ, trong đó rác là một lựa chọn trong yếu tố đầu vào, đầu ra để đảm bảo mô hình cộng sinh tận dụng được tối đa các nguồn lực giữa công nghệ xử lý rác và các hoạt động sản xuất công nghiệp khác.
Để tiến độ cấp phép mới cho các dự án phát điện từ rác, rồi đảm bảo tính hiệu quả khi các dự án ấy đi vào hoạt động, bên cạnh trách nhiệm vào cuộc các bộ chuyên ngành trong Chính phủ, cấp có thẩm quyền đang cần lắng nghe tiếng nói từ thực tiễn cuộc sống, đòi hỏi bức xúc của doanh nghiệp, của xã hội để các cơ quan quản lý nhà nước có thêm động lực thay đổi, để ban hành hoặc kiến nghị về mặt chính sách cho phù hợp với thực tiễn.
Từ đó mới đáp ứng được nhu cầu của xã hội, đảm bảo được mục tiêu cao nhất và cuối cùng là xử lý bằng được chất thải rắn sinh hoạt hiệu quả. Đó chính sự bền vững về môi trường hơn cho xã hội hiện nay cũng như tương lai.