Căn cơ để ổn định giá cả

Xuân Lan 23/05/2011 07:43

Giá cả một số hàng hóa thiết yếu có dấu hiệu chững lại và đã có xu hướng ổn định. Tuy nhiên, điều này cứ lặp đi lặp lại, tăng giá khi nguồn cung bị thiếu hụt, tăng giá khi đến những thời điểm mà nhu cầu tiêu dùng cao. Thực tế này đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ để ổn định về dài hạn.

Theo Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, trong 4 tháng đầu năm, giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất trên thị trường thế giới tăng cao đã làm cho giá sản phẩm nông nghiệp đầu ra tăng mạnh. Bên cạnh đó, dịch bệnh lại phát triển mạnh vào thời điểm trước, trong và sau Tết khiến nguồn cung lương thực, thực phẩm bị thiếu hụt trầm trọng. Đến tháng 5, khi một số mặt hàng lượng thực, thực phẩm đã vào vụ mùa, nguồn cung dồi dào đã khiến giá giảm. Để khắc phục những khó khăn này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh, dự báo sớm những diễn biến có khả năng ảnh hưởng đến nguồn cung, đồng thời có các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh để đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Bộ Công thương đã yêu cầu các doanh nghiệp lớn và có định hướng kinh doanh các mặt hàng thiết yếu phải có dự trữ lưu thông, có thể bằng nguồn vốn vay ưu đãi và đưa ra thị trường khi cần thiết, nhằm hạ nhiệt thị trường nếu có hiện tượng sốt giá.

Một vấn đề nữa cần phải tính đến đó là hệ thống phân phối hiện nay vẫn còn qua nhiều tầng, nấc khiến giá cả bị đội lên sau mỗi công đoạn. Theo Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú, có ảnh hưởng là hệ thống phấn phối của thị trường nước ta phải trải qua nhiều tầng nấc mới đến được tay người tiêu dùng. Như vậy, phải đẩy mạnh hạ tầng thương mại, tính minh bạch công khai trong mua bán để người sản xuất không bị ép, người mua không bị thiệt do giá tăng. Bên cạnh đó, những Tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước lớn cần làm đầu tàu để thiết lập hệ thống phân phối, điều tiết cung - cầu khi có hiện tượng sốt giá một mặt hàng nào đó.

Một nút thắt nữa cần tháo gỡ trong những năm tiếp theo là để có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, tránh phải nhập khẩu thì cần quy hoạch lại các vùng nông nghiệp với quy mô lớn, đầu tư công nghệ hiện đại cho ra sản phẩm đã qua chế biến, có giá trị gia tăng cao thay vì sản xuất các sản phẩm thô, giá trị thấp hiện nay. Có như vậy, mới tăng nhu cầu sử dụng của người dân với những sản phẩm trong nước sản xuất ra, tiết kiệm được chi phí nhập khẩu. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, ngành nông nghiệp phải đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, phải quy hoạch ổn định vùng nguyên vật liệu, vùng sản xuất tập trung, vùng chuyên canh, chứ không để cho người dân cứ trồng trọt theo phong trào tự phát, lúc chặt hàng loạt, lúc trồng hàng loạt. Đồng thời, phát triển công nghệ chế biến, hệ thống quảng bá về hàng thương hiệu của Việt Nam sản xuất được để người dân biết đến để tiêu thụ. Đáp ứng được yêu cầu trong nước đòi hỏi để tránh nhập khẩu, tránh việc coi nhẹ, không chú ý đến tiêu dùng hàng trong nước.

Biện pháp quan trọng nhất là các bộ, ngành và người dân cùng tham gia bình ổn thị trường. Nhu cầu lương thực, thực phẩm vào dịp lễ, Tết tăng đã mang tính quy luật. Tuy nhiên, vì lợi nhuận nên người kinh doanh thường lợi dụng thời điểm có nhu cầu cao để tăng giá, đồng thời tâm lý người tiêu dùng rất dễ chấp nhận với giá cao. Do vậy, các tổng công ty, doanh nghiệp từ Trung ương đến địa phương cần thực hiện tốt chương trình bình ổn giá. Chỉ có thể giải quyết tình trạng té nước theo mưa khi chúng ta dự trữ được nguồn hàng dồi dào, ổn định và tung ra thị trường đúng thời điểm. Đồng thời, cơ quan quản lý thị trường các cấp, địa phương phối hợp với cơ quan quản lý giá tăng cường kiểm tra, kiểm soát về việc thực hiện việc niêm yết giá, kê khai giá và đăng ký giá hàng hóa một cách chặt chẽ và xử lý nghiêm các vi phạm để làm gương, ngăn chặn việc tái phạm. Ngoài ra, tâm lý sử dụng lương thực, thực phẩm của người tiêu dùng cũng cần được thay đổi linh hoạt trước những biến động giá trên thị trường.

Trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 11 của Chính phủ, quyết tâm kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời cần đẩy mạnh Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam để giảm những tác động từ giá cả của thị trường thế giới.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Căn cơ để ổn định giá cả
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO