Cần có đánh giá khách quan, khoa học

- Thứ Hai, 26/04/2021, 06:07 - Chia sẻ

Với trữ lượng 544 triệu tấn, quy mô diện tích khai thác lộ thiên ước tính 4.821ha, tổng vốn đầu tư dự án khoảng 14.500 tỷ đồng... hơn 10 năm trước, mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh được coi là dự án trọng điểm, là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.

Thế nhưng những gì đang diễn ra lại không như mong đợi, thậm chí "cực chẳng đã", Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Hà Tĩnh đã nhiều lần đề xuất, kiến nghị dừng dự án dù đã có tới gần 2.000 tỷ đồng được đầu tư.

Lý do mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị dừng dự án, đóng cửa mỏ là do không bảo đảm hiệu quả kinh tế, tránh nguy cơ thảm họa môi trường. Cụ thể, trong báo cáo đánh giá những hệ lụy và giải pháp xử lý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê (TIC) thực hiện dự án chưa bảo đảm yếu tố phát triển bền vững, chưa thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về sử dụng quặng khai thác cho nhà máy sản xuất phôi thép 2 triệu tấn/năm theo giấy phép đầu tư, giấy phép khoáng sản được cấp.

Hơn nữa, kết luận thanh tra của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản cũng đã nêu mỏ thực hiện công tác thử nghiệm công nghệ trên nền cát và sét giai đoạn 1 khoảng 1,5 triệu m3 từ năm 2007 - 2009 khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép là chưa phù hợp với các quy định trong Luật Khoáng sản...

Mặt khác, thời gian qua, các cổ đông TIC không có khả năng góp vốn theo tiến độ cam kết, trong khi theo quy định của Luật Khoáng sản, TIC phải góp đủ vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 30% tổng vốn đầu tư dự án, tương đương 4.350 tỷ đồng. TIC cũng không có tiền vì ngoài chi phí đầu tư, sản xuất còn phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khoảng 114 tỷ đồng/năm, cần bổ sung 1.000 tỷ đồng phục vụ giải phóng mặt bằng, tái định cư - báo cáo gần đây của Bộ Công thương nhận định.

Từ những lý do trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng đồng ý chủ trương cho kết thúc dự án, bổ sung mỏ này vào khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia khi hội tụ đủ các điều kiện khai thác, khả thi về hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, tỉnh Hà Tĩnh đã nhiều lần đề xuất đóng cửa mỏ sắt Thạch Khê vì nếu khai thác chắc chắn sẽ gây những hệ lụy rất lớn. Dự án sẽ được giữ nguyên trạng, khi nào đó đủ điều kiện về kinh tế, khoa học kỹ thuật sẽ triển khai cũng chưa muộn...

Tuy nhiên, trái ngược với quan điểm của chính quyền địa phương và một số bộ, ngành là nên dừng dự án, chủ đầu tư cho rằng, dự án đã được lập và thẩm định kỹ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đồng thời có hiệu quả kinh tế và hoàn toàn khả thi. Hơn nữa, việc dừng dự án sẽ kéo theo những hậu quả pháp lý, thiệt hại kinh tế, trong đó có thiệt hại của doanh nghiệp thực hiện dự án cũng như các cổ đông tham gia và việc ổn định đời sống, sản xuất người dân vùng ảnh hưởng do khai thác mỏ dở dang.

Như vậy có thể thấy, các bộ, ngành, địa phương và chủ đầu tư dự án đều có lý lẽ của riêng nhằm khẳng định quan điểm của mình là đúng. Vậy nhưng, điều cần làm rõ là địa phương và người dân được hưởng lợi như thế nào từ dự án lại chưa thực sự rõ ràng. Bởi vậy, đã đến lúc cần xem xét, đánh giá dự án một cách thận trọng, khách quan, khoa học và toàn diện để từ đó quyết định có tiếp tục triển khai nữa hay không.

Khánh Ninh