Cần có cơ chế để người dân tích cực tham gia phòng, chống buôn lậu
Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế vừa khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống buôn lậu qua biên giới tại các cửa khẩu để chuẩn bị cho Phiên giải trình tại Ủy ban về vấn đề này dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 8 tới. Nhận định tình hình buôn lậu qua biên giới đang ngày càng phức tạp và tinh vi trong khi các điều kiện bảo đảm cho công tác phòng, chống buôn lậu vẫn còn hạn chế, vừa thiếu về phương tiện, kỹ thuật vừa mỏng về lực lượng, PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN KINH TẾ MAI XUÂN HÙNG cũng cho rằng, muốn đấu tranh chống buôn lậu hiệu quả cần phải có giải pháp đồng bộ, từ đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật cho người dân, có cơ chế để người dân tích cực tham gia phòng, chống buôn lậu, kịp thời khắc phục những kẽ hở pháp lý đến việc có chính sách phát triển hàng hóa nội địa và chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi buôn lậu…
- Từ khảo sát thực tế tại các cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), Tịnh Biên (An Giang), Mộc Bài (Tây Ninh) và Tân Thanh (Lạng Sơn), Phó chủ nhiệm đánh giá như thế nào về tình hình buôn lậu và thực trạng công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu hiện nay?
- Buôn lậu qua biên giới là câu chuyện đã diễn ra nhiều năm nay. Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách, thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp để phòng ngừa và ngăn chặn nhưng tình trạng buôn lậu qua biên giới vẫn ngày càng phức tạp với những thủ đoạn hết sức tinh vi.
Ủy ban Kinh tế đã tiến hành khảo sát tại 4 cửa khẩu quốc tế là Móng Cái, Tịnh Biên, Mộc Bài và Tân Thanh. Kết quả cho thấy, đối tượng tham gia buôn lậu rất đa dạng, không chỉ là các cá nhân, hộ kinh doanh mà kể cả là các công ty cổ phần, công ty liên doanh với nước ngoài. Hoạt động buôn lậu diễn ra dưới nhiều hình thức và thủ đoạn tinh vi. Loại hình hàng hóa buôn lậu ngày càng được mở rộng, từ vải vóc, quần áo, hoa quả, thực phẩm, điện tử, thuốc lá, đường đến ngoại tệ, vàng, đồ chơi trẻ em, đồ chơi bạo lực… Theo báo cáo của các tỉnh thì từ năm 2010 - 2012, các địa phương đã bắt giữ được 21.000 vụ buôn lậu, giá trị hàng hóa thu giữ lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, có 4.300 vụ buôn lậu hàng cấm, gần 600 lượt buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Từ năm 2010 - 2012 các lực lượng chức năng đã khởi tố hơn 2.000 vụ, với 2,6 nghìn đối tượng; truy tố 1.200 vụ với 1.600 bị can. Những con số này có lẽ cũng chưa phản ánh hết được thực trạng buôn lậu hiện nay.
- Theo Phó chủ nhiệm, đâu là nguyên nhân khiến cho tình trạng buôn lậu qua biên giới ngày càng diễn biến phức tạp như vậy?
- Ủy ban Kinh tế tiến hành khảo sát thực trạng từ năm 2010 đến nay – đây cũng là giai đoạn nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Suy giảm kinh tế đã tác động mạnh đến đời sống của người dân, nhất là những người nghèo, người dân vùng biên giới. Để kiếm tiền, bảo đảm sinh kế cho gia đình và bản thân, nhiều người dân vùng biên sẵn sàng vận chuyển, mang vác hàng hóa cho các đối tượng buôn lậu. Hiện nay, nước ta cũng đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nên việc cải cách cơ chế hành chính, tổ chức bộ máy kiểm tra, kiểm soát cũng chưa theo kịp yêu cầu. Cùng với đó là việc thiết kế các hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn các sản phẩm kém chất lượng du nhập vào nước ta vẫn còn chậm. Hàng hóa sản xuất trong nước cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng cả về chất lượng, mẫu mã và giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến giá cả, gây biến động cung - cầu hàng hóa trong nước. Đây chính là những nguyên nhân khách quan làm cho tình trạng buôn lậu qua biên giới ngày càng gia tăng, phương thức, thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi, liều lĩnh.
Một nguyên nhân rất quan trọng nữa là, trong bối cảnh như vậy thì công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu thời gian qua vẫn chưa hiệu quả. Nhận thức về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu của người dân tuy đã có nhiều thay đổi nhưng bản thân các cấp chính quyền ở mỗi địa phương cũng chưa làm tốt công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước, chưa vận động được người dân tích cực tham gia cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Trong khi đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đấu tranh phòng, chống buôn lậu trên nhiều lĩnh vực còn chồng chéo, không đồng bộ và thiếu cụ thể, một số văn bản đã lạc hậu, không còn phù hợp nhưng chưa được thay đổi kịp thời. Việc phân cấp quản lý trong chống buôn lậu còn chồng chéo. Nhiệm vụ chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái được giao cho nhiều ngành, nhiều cấp nhưng việc phối hợp thực hiện giữa các cấp, ngành lại chưa đồng bộ, thiếu sự thống nhất, chưa thường xuyên. Có những địa phương gần như là giao khoán cho một đơn vị thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường, ít kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, thậm chí là lãng quên luôn nhiệm vụ này.
Hiện nay, lực lượng phòng, chống buôn lậu rất mỏng, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng còn hạn chế. Các công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật, vũ khí trang bị để thực hiện công tác phòng, chống buôn lậu cũng thiếu thốn và lạc hậu. Thực tế là, chúng ta chưa đủ nguồn lực để đáp ứng đủ yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu qua biên giới. Ví dụ, về cơ sở hạ tầng phục vụ phòng, chống buôn lậu qua biên giới chẳng hạn. Từ 4 - 5 năm nay, QH đã có Nghị quyết về xây dựng đường tuần tra biên giới nhưng như con số chúng tôi nắm được thì hiện mới chỉ hoàn thành được 30 -40%, những nơi chưa có đường tuần tra biên giới là địa bàn chủ yếu của buôn lậu, mang vác hàng lậu thì rất khó kiểm soát được.
- Cái khó trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu hiện nay là các đối tượng buôn lậu sử dụng chính những người dân bản địa làm người mang vác, vận chuyển hàng hóa, thưa Phó chủ nhiệm?
- Vừa qua, đối tượng buôn lậu mà chúng ta bắt được chủ yếu là người dân địa phương, sinh sống ở gần khu vực biên giới – tức là người làm thuê chứ đầu nậu gốc thì chưa truy được nhiều, chưa xử lý được bao nhiêu. Vì sao người dân vùng biên giới lại sẵn sàng tham gia các hoạt động vận chuyển hàng lậu? Vì nhận thức của họ về chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là nhận thức về việc sẽ bị xử lý như thế nào nếu tham gia buôn lậu còn rất hạn chế. Và vì cuộc sống của người dân còn nghèo, còn rất khó khăn nên họ sẵn sàng mang vác hàng lậu, hàng giả qua biên giới, kiếm được vài trăm nghìn một ngày để nuôi sống gia đình và bản thân. Khi các lực lượng chức năng bắt giữ được các đối tượng này, người ta chỉ biết kêu khóc và xin tha. Sau khi xác minh được hoàn cảnh của người ta đúng là làm ngày nào ăn ngày đấy thì nhiều nơi, lực lượng chức năng cũng đành phải tha cho họ đi. Đây chính là cái khó trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu. Chúng ta đấu tranh với những kẻ đầu nậu, những kẻ làm giàu bất chính bằng việc vi phạm pháp luật là chuyện bình thường nhưng ở đây, không ít người do cuộc sống quá nghèo, quá khó khăn mới phải đi vận chuyển hàng lậu để kiếm sống. Xử lý những người này thế nào cho phù hợp? Xử lý nghiêm khắc cũng khó vì trong đó còn có tình người. Mà xử nhẹ, thậm chí là không xử lý, chỉ tuyên truyền, răn đe giáo dục thì cũng không bảo đảm được là họ có tái phạm nữa hay không. Vì thế, phòng, chống buôn lậu không chỉ là câu chuyện kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu mà còn phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người dân và quan trọng hơn nữa là Nhà nước phải có chính sách tạo việc làm, bảo đảm sinh kế ổn định, bền vững cho đồng bào vùng biên để đến một lúc nào đó, chính bản thân họ sẽ nói không với buôn lậu, nói không với vận chuyển hàng lậu.
- Từ thực trạng buôn lậu và phòng, chống buôn lậu qua biên giới như vậy, theo Phó chủ nhiệm cần có những giải pháp như thế nào để tăng cường hiệu quả đấu tranh phòng, chống buôn lậu qua biên giới?
- Theo chương trình hoạt động, trong tháng 8 tới, Ủy ban Kinh tế sẽ tổ chức một phiên giải trình, yêu cầu các bộ, ngành có liên quan giải trình về thực trạng công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu qua biên giới. Các cuộc khảo sát của Ủy ban Kinh tế vừa qua trước hết là để Ủy ban có đầy đủ thông tin về tình hình thực tiễn, nghe được tiếng nói của các địa phương, các lực lượng chức năng hiện đang khó ở đâu, cần tháo gỡ cái gì...
Sau các cuộc khảo sát và phiên giải trình tới đây, chúng tôi sẽ kiến nghị một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu qua biên giới. Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, ngành; đặc biệt là tăng cường vai trò của cấp ủy chính quyền từng địa phương, kể cả huyện, xã vùng biên giới và tỉnh có biên giới. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền để khi xảy ra buôn lậu hay khi có hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn sẽ có hướng xử lý tận gốc, kịp thời. Hai là, rà soát, sửa đổi hoặc ban hành mới một số cơ chế, chính sách để phát triển sản xuất trong nước, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa sản xuất trong nước có chất lượng và giá thành phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân. Các tỉnh vùng biên giới nên phát động và thực hiện các phong trào đưa hàng Việt đến vùng sâu, vùng xa. Vừa qua, chúng ta đã thực hiện Cuộc vận động của Bộ Chính trị Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam nhưng việc thực hiện ở vùng sâu, vùng xa chưa hiệu quả. Các chính sách phát triển sản xuất cũng phải tính đến yếu tố đặc thù của khu vực biên giới để tạo việc làm cho người dân, để họ không trở thành công cụ làm thuê, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu.
Ba là, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách pháp luật để kịp thời khắc phục được các kẽ hở pháp luật hiện nay. Những văn bản, quy định nào đã bị lạc hậu cũng cần được xem xét, sửa đổi ngay như: một số quy định của Nghị định 202, Nghị định 99 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính; các quy định về trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường trong kiểm tra, xử lý vi phạm. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất nâng mức xử lý tối đa, thậm chí là áp dụng xử lý hình sự đối với các đối tượng buôn lậu chứ nếu tiếp tục duy trì mức xử phạt hành chính như hiện nay thì không đủ sức răn đe, phòng ngừa. Bốn là, nghiên cứu, xây dựng cơ chế khuyến khích xã hội hóa các nguồn lực phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại, nhất là các cơ chế khuyến khích người dân tham gia như công tác này. Một giải pháp không thể không làm đó là đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách để người dân, đặc biệt là người dân các vùng biên giới hiểu rõ hơn, có nhận thức đúng đắn hơn và tích cực, chủ động tham gia phòng, chống buôn lậu.
- Xin cám ơn Phó chủ nhiệm!