Cần có cơ chế, chính sách riêng

Ninh Khương 19/05/2022 22:26

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong quý I.2022, cả nước có 4 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, 98 dự án đang triển khai, các sở xây dựng ban hành văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở trong tương lai 9 dự án.

nha-o-xa-hoi-1-1652965271232.jpg

Đặc biệt, cả nước chỉ có 3 dự án nhà ở xã hội cấp phép mới, quy mô gần 1.200 căn tại Lạng Sơn, Phú Thọ và Quảng Ninh nhưng có tới 39 dự án nhà ở thương mại quy mô gần 18.700 căn hộ được cấp phép mới. Điều này, theo nhận định của đại diện Bộ Xây dựng thì việc lập và phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương làm cơ sở triển khai các dự án nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở còn chậm, chưa bảo đảm yêu cầu theo quy định dẫn đến thị trường thiếu nguồn cung ở một số phân khúc, nhất là số lượng dự án nhà ở xã hội được cấp phép xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng hạn chế, có xu hướng giảm.

Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2020 cần 12,5 triệu mét vuông sàn. Tuy nhiên thực tế hiện cả nước mới chỉ có 214 dự án nhà ở dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600ha, nhưng đến thời điểm này mới chỉ có 116 dự án hoàn thành với diện tích đất hơn 250ha, còn 98 dự án chậm tiến độ. Điều này dẫn đến hệ lụy tất yếu là hạ tầng xã hội cho người lao động như nhà ở và các thiết chế như nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, phòng khám, khu vui chơi giải trí... thiếu hụt nghiêm trọng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu do vướng mắc về pháp lý. Nhà ở xã hội là nhóm sản phẩm được ưu tiên nhưng thực hiện chính sách pháp lý tương tự như nhà ở thương mại nên các dự án kéo dài, thủ tục pháp lý phức tạp, dẫn đến không thu hút được các nhà đầu tư, nguồn vốn vay hỗ trợ thực hiện dự án cũng chưa triển khai được và nhất là tình trạng thiếu hụt quỹ đất... dẫn đến giá bán tăng cao.
Để từng bước khắc phục tình trạng này, đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, chính sách phát triển nhà ở xã hội là nội dung quan trọng khi sửa đổi Luật Nhà ở. Theo đó, việc xác định mô hình đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, ở đây, tên gọi như thế nào không quan trọng mà cái chính là cách thức xác định, nội hàm sản phẩm. Sản phẩm nào cho thuê, vừa bán vừa cho thuê...?

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cũng cho rằng, cần thiết phải nghiên cứu cơ chế, ban hành chính sách riêng về việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp theo hướng ưu tiên, bố trí quỹ đất và các thiết chế ở khu công nghiệp, coi nhà ở công nhân là hạ tầng thiết yếu tại khu công nghiệp.

Theo dự báo báo giai đoạn 2021 - 2025 nhu cầu về nhà ở xã hội của cả nước là khoảng 294.600 căn với tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng. Để đáp ứng nhu cầu này, nhiều ý kiến cho rằng, điều cần được quan tâm đặc biệt là sớm sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản nhằm tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách, đồng thời bảo đảm chủ đầu tư dự án được hưởng ưu đãi thực chất.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cần có cơ chế, chính sách riêng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO