Theo Nguyên Tổng Thư ký Hội Kinh tế môi trường Việt Nam - Trưởng Ban khoa học, GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở khu vực ASEAN đưa kinh tế tuần hoàn vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Đây là một tín hiệu đáng mừng. Tuy vậy, nền kinh tế này có thể thay đổi cách người dân xử lý rác thải được không thì cần xem xét.
Khi đã đưa kinh tế tuần hoàn vào luật, sẽ tạo điều kiện để công ty môi trường đô thị của các tỉnh, hoặc của cả nước có cơ sở để phát triển. Đồng thời, việc triển khai hiệu quả kinh tế tuần hoàn và hình thành ngành công nghiệp xử lý rác, sẽ giúp hoạt động xử lý rác trở nên chuyên nghiệp; từ đó tạo nên cơ sở xử lý rác hoạt động với sự hỗ trợ của Nhà nước.
Phát triển bền vững, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang là xu thế phát triển quan trọng trên thế giới và Việt Nam. Xu hướng này không chỉ mang lại cơ hội mà còn đặt ra những thách thức lớn cho nước ta. Do đó, Việt Nam cần có những giải pháp hữu hiệu, có chính sách để thúc đẩy xử lý rác thải theo mô hình kinh tế tuần hoàn, có chính sách để khuyến khích doanh nghiệp và người dân tham gia vào quá trình tái chế và xử lý rác thải.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới WorldBank, mỗi năm Việt Nam thải khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa ra môi trường, đứng thứ 4 trong Top 20 nước hàng đầu thế giới về rác thải nhựa. Số liệu cũng cho biết, người Hà Nội thải ra 7.000 - 7.500 tấn rác/ngày.
Tuy vậy, GS.TS Hoàng Xuân Cơ chỉ rõ, đây chỉ là con số ước tính, không phải con số chính thức. Bởi nước ta chưa hề có quá trình kiểm kê rác thải, khí thải chính thống để ra được số liệu đó. Đâu là nguyên nhân, loại rác là gì, trách nhiệm các bên liên quan thế nào... chưa được làm rõ.
Để thúc đẩy xử lý rác thải theo mô hình kinh tế tuần hoàn cần cơ chế tài chính rõ ràng. Nhưng nền tài chính của Việt Nam hiện nay chưa được công khai, minh bạch. Điều này cản trở việc đánh giá đâu là giải pháp tốt nhất, xét về mặt kinh tế.
"Khoa học đưa ra nhiều giải pháp, nhưng cơ chế thiếu minh bạch, hiệu quả rất khó để triển khai. Vấn đề này đã được thảo luận tại các hội thảo, nhưng tính chất phức tạp, nhiều nút thắt nên chưa thể giải quyết nhanh. Cần sớm khơi thông nguồn lực tài chính, để xử lý rác thải theo mô hình kinh tế tuần hoàn đạt hiệu quả cao", GS.TS Hoàng Xuân Cơ.