Cần có chính sách đãi ngộ cao hơn nữa với nhà giáo công tác tại trường chuyên biệt

Cần có chính sách đãi ngộ cao hơn nữa cho nhà giáo nói chung, với nhà giáo công tác tại trường chuyên biệt nói riêng để tương xứng với nhiệm vụ, đặc thù lao động. Đây là kiến nghị của đại biểu tại Tọa đàm việc thực hiện chính sách đối với nhà giáo do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Tỉnh Hà Giang, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức chiều 14.11, tại thành phố Hà Giang.

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Nguyễn Mạnh Dũng; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa; Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan chủ trì tọa đàm.

Cùng dự có các ĐBQH chuyên trách; đại diện sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Bình đẳng giữa nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập

img-0524.jpg
Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng phát biểu tại tọa đàm

Phát biểu tại Tọa đàm, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng nhấn mạnh: Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra nhiệm vụ: “Tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất các trường, lớp học; tiếp tục đưa văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục lịch sử địa phương vào mầm non giảng dạy. Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục bậc học gắn với học tiếng phổ thông. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”.

img-0499.jpg
Các đại biểu dự tọa đàm

Về xây dựng đội ngũ nhà giáo, Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021 - 2025 nêu mục tiêu, quan điểm: “Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục vững vàng về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu”. Để cụ thể hóa quan điểm này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục để lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời; chỉ đạo UBND tỉnh ban hành Đề án nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo giai đoạn 2023 - 2030 gắn với chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

p3.jpg
Các đồng chí chủ trì cuộc tọa đàm

Tại tọa đàm này, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng đề nghị cán bộ, công chức và các thầy giáo, cô giáo đại diện cho đội ngũ nhà giáo của tỉnh trao đổi tích cực, thẳng thắn, cởi mở, trách nhiệm với các ĐBQH và Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến dự thảo Luật Nhà giáo đang được Quốc hội xem xét, đặc biệt là những điểm mới như: Đối tượng, phạm vi áp dụng; chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và sự bình đẳng giữa nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập; về sự chủ động trong tuyển dụng, sử dụng, điều động, thuyên chuyển, biệt phái nhà giáo; về thu hút nhân tài, chế độ nghỉ hưu, chính sách tiền lương…

3w2a5042.jpg
Toàn cảnh tọa đàm

Xác định vai trò quan trọng của người thầy - chủ thể chính của dự thảo Luật

Đề cập đến dự thảo Luật Nhà giáo (lần 5) dự kiến trình Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV xem xét thông qua, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng khẳng định: Việc ban hành Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về vị trí, vai trò của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp phát triển đất nước. Đồng thời, khắc phục những bất cập trong quản lý nhà nước về nhà giáo hiện nay; kiến tạo các chính sách đột phá để phát triển đội ngũ nhà giáo và hướng tới mục tiêu có một nền giáo dục tốt hơn.

img-0594.jpg
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại tọa đàm

Phát biểu đề dẫn, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan cho biết: Tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật Nhà giáo, Tổng Bí thư Tô Lâm đã quán triệt một số chủ trương, chính sách cần triển khai trong dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội đó là: Việc đầu tiên khi nhắc đến đào tạo là nhắc đến vai trò của người thầy. Do đó, xây dựng Luật Nhà giáo không chỉ là quy định những nội dung trước đây chưa quy định, mà cần xác định vai trò quan trọng của người thầy - chủ thể chính của dự thảo Luật.

6.jpg
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang Bùi Quang Trí phát biểu tại tọa đàm

Dự thảo Luật phải giải quyết thật tốt mối quan hệ thầy - trò, là mối quan hệ chủ đạo trong môi trường giáo dục đào tạo, có trò thì phải có thầy, mà đã có trò, có thầy thì phải có trường. Không thể quy hoạch, quản lý mà không có trường được. Bên cạnh đó, xây dựng Luật Nhà giáo phải xác định người thầy là một nhà khoa học, phải có chuyên môn rất sâu trong từng lĩnh vực giảng dạy, người thầy phải luôn tìm tòi, nghiên cứu cái mới vì khoa học và tri thức là không dừng lại.

Có chính sách khuyến khích cho nhà giáo làm việc trong môi trường tại các vùng khó khăn

Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng: xây dựng Luật Nhà giáo cần phải quan tâm đến khu vực miền núi, vùng khó khăn về kinh tế - xã hội, đây cũng là vùng trũng về giáo dục đào tạo, khó khăn về phát triển nguồn nhân lực. Do vậy, dự thảo Luật cần có chính sách vừa cụ thể, vừa bao quát, khuyến khích cho nhà giáo làm việc trong môi trường tại các vùng khó khăn, đặc biệt này, vì tại đây thầy cô giáo không chỉ dạy học mà còn phải dỗ dành, động viên học sinh đến trường.

img-0558.jpg
Đại biểu phát biểu tại tọa đàm

Hà Giang là một trong những tỉnh khó khăn cả về điều kiện tự nhiên lẫn điều kiện kinh tế - xã hội, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trong những năm qua, ngành giáo dục tỉnh nói chung và việc thực hiện chính sách pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo nói riêng đã có nhiều sự quan tâm, thầy cô giáo đã yên tâm bám lớp, bám trường cống hiến với nghề, tỷ lệ huy động học sinh đến trường luôn ở mức cao… Tuy nhiên, những chính sách đã được thực hiện với đội ngũ nhà giáo chưa thực sự tương xứng với những cống hiến mà thầy, cô giáo đã làm, nhất là với khu vực còn nhiều khó khăn.

Để việc xây dựng các chính sách cho nhà giáo bảo đảm yêu cầu theo quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng như nhận được sự đồng thuận trong đội ngũ nhà giáo và có những giải pháp để đưa nền giáo dục tại các khu vực khó khăn, miền núi nói riêng thoát khỏi tình trạng là vũng trũng của nền giáo dục, cuộc tọa đàm hôm nay có ý nghĩa quan trọng nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ nhà giáo. Trong đó, có những nhà giáo đang công tác ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng cao biên giới, nhằm xây dựng các chính sách trong dự án Luật Nhà giáo sát với thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu và đúng theo quan điểm của Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu đó là “đội ngũ thầy cô giáo đang chờ đợi rất nhiều. Do vậy, khi xây dựng Luật Nhà giáo cần có các quy định tôn vinh, tạo điều kiện thuận lợi cho người thầy, tránh tình trạng sau khi luật ban hành lại khó khăn hơn trong việc chấp hành các quy định của luật”.

img-0571.jpg
Đại biểu phát biểu tại tọa đàm

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã sôi nổi tham gia đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết. Trong đó, kỳ vọng Luật Nhà giáo được thông qua sẽ góp phần thúc đẩy phát triển giáo dục ở vùng khó khăn; góp phần bổ sung nguồn giáo viên còn thiếu cho ngành giáo dục và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh miền núi; tạo động lực cho giáo viên gắn bó với nghề, gắn bó với địa phương; khuyến khích đổi mới phương pháp giảng dạy.

Đối với các trường học giúp tác động tích cực đến công tác tuyển sinh; nâng cao chất lượng đào tạo; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Đồng thời, khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế…

Cần có chính sách đãi ngộ cao hơn nữa nhà giáo công tác tại trường chuyên biệt

Đề cập đến một số nội dung cụ thể, đại diện các Sở, ngành, địa phương, thầy cô giáo trên địa bàn tỉnh Hà Giang nêu quan điểm: Về định danh “Nhà giáo” tại Điều 66, quy định: “Nhà giáo làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân”. Vậy lãnh đạo, công chức, viên chức biệt phái hiện đang công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục như, Sở Giáo dục và Đào tạo, phòng Giáo dục và Đào tạo. Nếu như trước đây là nhà giáo được tuyển dụng làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân thì có được coi là Nhà giáo không? Nếu không được coi là nhà giáo thì cũng sẽ thiệt thòi cho các đối tượng này, vì đây cũng chính là lực lượng nòng cốt quan trọng của ngành giáo dục.

img-0582.jpg
Đại biểu đề nghị cần có chính sách đãi ngộ cao hơn nữa cho nhà giáo công tác tại trường chuyên biệt

Tại điểm c, khoản 1 Điều 27 có nội dung “Nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác”. Các đại biểu cho rằng, ưu tiên đối với người dân tộc thiểu số là một chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên đối với người dân tộc thiểu số nói chung đã có nhiều chế độ ưu tiên trong học tập, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng… nếu trong cùng một đơn vị công tác và cùng thực hiện nhiệm vụ như nhau mà nhà giáo người dân tộc thiểu số có thu nhập cao hơn so với các nhà giáo khác sẽ dẫn đến nhiều vấn đề khó khăn cho công tác quản lý và hoạt động chuyên môn của đơn vị. Do đó, nên xem xét điều chỉnh lại nội dung này cho phù hợp.

Còn tại điểm d, khoản 1 Điều 27 có nội dung “Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”. Đây là đề xuất nhằm khuyến khích các thế hệ trẻ tham gia đào tạo và vào nghề dạy học. Mặt khác, cũng là một phần của việc hiện thực hóa mục tiêu lương giáo viên cao nhất trong thang bậc lương. Song, trên thực tế hiện nay đã có những giáo viên hàng chục năm chưa được thăng hạng viên chức mặc dù đã đủ điều kiện; có nhiều giáo viên được tuyển dụng trước thời điểm dự thảo Luật Nhà giáo. Do đó, đề nghị xem xét có cơ chế chính sách để bảo đảm cho các giáo viên công tác lâu năm không bị thiệt thòi so với nhà giáo mới tuyển dụng khi Luật Nhà giáo được thông qua.

Có ý kiến đề nghị cần có chính sách đãi ngộ cao hơn nữa cho nhà giáo nói chung, với nhà giáo công tác tại trường chuyên biệt nói riêng để tương xứng với nhiệm vụ, đặc thù lao động. Cùng với đó, cần có nguồn kinh phí cho các hoạt động đặc thù cho trường nội trú; có quy định đặc thù về số lượng cấp phó đơn vị là 3 người để bảo đảm khối lượng công việc…

Thay mặt cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cảm ơn những ý kiến tâm huyết, xác đáng của các đại biểu; đặc biệt là các thầy cô giáo trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Đồng thời, làm rõ thêm một số vấn đề mà đại biểu băn khoăn, quan tâm.

Đối với các ý kiến đóng góp, các bài tham luận trong Tọa đàm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổng hợp, nghiên cứu, xem xét đưa vào Dự thảo Luật cho sát thực tiễn…

Giáo dục

“Siết” chỉ tiêu xét tuyển sớm: Những trường áp dụng tỷ lệ lớn xét tuyển học bạ sẽ bị ảnh hưởng
Giáo dục

“Siết” chỉ tiêu xét tuyển sớm: Những trường áp dụng tỷ lệ lớn xét tuyển học bạ sẽ bị ảnh hưởng

Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Thương mại cho rằng những trường đại học vốn áp dụng tỷ lệ rất lớn cho phương thức xét tuyển bằng học bạ sẽ bị ảnh hưởng bởi quy định ràng buộc chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20%, đặc biệt là các trường tốp dưới.

Học viện Ngoại giao tròn 65 năm thành lập và phát triển
Giáo dục

Học viện Ngoại giao tròn 65 năm thành lập và phát triển

Ngày 2.12, Học viện Ngoại giao tổ chức lễ Kỷ niệm 65 năm thành lập. Trong suốt 65 năm xây dựng và phát triển Học viện là cơ sở nghiên cứu khoa học, đào tạo về quan hệ quốc tế hàng đầu Việt Nam, góp phần đắc lực vào sự nghiệp đối ngoại và hội nhập quốc tế của đất nước.

Tổng giảng viên dạy tiến sĩ phải công bố ít nhất 50 bài báo khoa học để mở ngành đào tạo
Giáo dục

Tổng giảng viên dạy tiến sĩ phải công bố ít nhất 50 bài báo khoa học để mở ngành đào tạo

Đây là một trong những điểm mới trong Thông tư số 16/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18.1.2022 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

Thử nghiệm dạy và học môn Toán, Khoa học, Sinh học bằng tiếng Anh
Giáo dục

Thử nghiệm dạy và học môn Toán, Khoa học, Sinh học bằng tiếng Anh

Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Đề án Ngoại ngữ Quốc gia đã nghiên cứu xây dựng thử nghiệm học liệu dạy Toán, Khoa học với cấp Trung học cơ sở và môn Sinh học với cấp Trung học phổ thông bằng tiếng Anh. Với sự hỗ trợ của công nghệ, những bộ tài liệu số, tài liệu cập nhật trí tuệ nhân tạo, sẽ hỗ trợ thầy cô thuận lợi hơn khi giảng dạy các môn học này bằng tiếng Anh.