- Khánh Hòa giữ vị trí đặc biệt chiến lược, có đặc thù về vị trí địa lý, là cửa ngõ hướng biển, tâm điểm kết nối vùng giữa Tây Nguyên với Nam Trung bộ. Vậy theo ông, Khánh Hoà đóng vai trò như thế nào trong phát triển kinh tế- xã hội cũng như bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước?
Khánh Hòa có đặc thù về vị trí địa lý, nằm ở trung tâm các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cả nước; có quần đảo Trường Sa, quân cảng Cam Ranh, là tâm điểm kết nối giữa vùng Tây Nguyên với Nam Trung bộ. Bên cạnh đó, Khánh Hòa có vị trí địa lý, kinh tế khá thuận lợi, nằm trên các trục giao thông quốc gia quan trọng cả về đường sắt, đường bộ, đường thuỷ và hàng không; nằm gần đường hàng hải quốc tế, có các cảng biển lớn, là một trong những cửa ngõ ra biển của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Vì vậy, việc phát triển tỉnh Khánh Hòa có vai trò quan trọng trong giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Bộ Chính trị cũng đã có Nghị quyết số 09-NQ/TW khẳng định rõ yêu cầu cần có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, trong đó nêu rõ Khánh Hoà phải trở thành một trong những hình mẫu về kết hợp giữa phát triển kinh tế, quốc phòng và an ninh.
Nhận thức được vai trò này, tỉnh đã chủ động xây dựng và từng bước hoàn thiện kế hoạch phát triển du lịch biển gắn với xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh, trong đó xác định rõ nội dung bảo vệ an ninh biên giới biển. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng tích cực xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách để điều chỉnh hành vi của các chủ thể, bảo đảm sự gắn kết khoa học, hợp lý giữa hai lĩnh vực, tạo cơ sở pháp lý nhằm nâng cao hiệu lực lãnh đạo, quản lý đối với quá trình phát triển du lịch gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh biên giới biển. Cùng đó, tiến hành điều tra, đánh giá về hiện trạng các sản phẩm du lịch của địa phương và những tiềm năng du lịch chưa được khai thác; từ đó, xây dựng kế hoạch phát triển du lịch biển gắn với yêu cầu xây dựng, tổ chức và bố trí lực lượng trên các hướng, mũi, địa bàn, góp phần tạo nên thế trận liên hoàn, vững chắc giữa bờ - biển - đảo.
Ngoài ra, tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện chuyển hộ dân ra định cư tại các đảo để vừa khai thác các sản phẩm du lịch, vừa tạo thế bố trí lực lượng giữa phía trước và phía sau, giữa đảo và bờ, duy trì tuyến phòng thủ vững mạnh, tạo môi trường thuận lợi để phát triển du lịch biển gắn với quản lý, bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển, đảo của tỉnh. Công tác quản lý, giám sát việc tổ chức, thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch biển gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh biên giới biển của tỉnh được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ.
- Thưa ông, Nghị quyết của Bộ Chính trị nêu rõ từ nay đến 2030, Khánh Hoà phải trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và phải là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên… vậy Khánh Hòa cần làm gì để hoàn thành mục tiêu này?
Để đạt được mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Khánh Hòa phải trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngay từ bây giờ, tỉnh Khánh Hòa cần chú trọng lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm hiệu quả, phù hợp, thống nhất với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch không gian biển quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung, cụ thể:
Thứ nhất là, lập mới và điều chỉnh không gian đô thị hợp lý, gắn với phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, miền, địa phương. Trong đó, thành phố Nha Trang là đô thị hạt nhân; thành phố Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp, huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống; huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là các tiểu đô thị sinh thái núi rừng; huyện Trường Sa là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Thứ hai là, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng của tỉnh trên nền tảng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, theo hướng đa dạng hóa, gia tăng giá trị và hiệu quả, cụ thể: phát triển ngành dịch vụ theo hướng đa dạng, có hàm lượng trí thức và công nghệ cao. Trong đó chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ logistics, kinh tế số theo hướng đổi mới sáng tạo và số hóa, công nghệ hóa phương thức kinh doanh; Hình thành các trung tâm thương mại tầm cỡ quốc gia, quốc tế, các tuyến phố thương mại, tài chính, du lịch; Đầu tư, xây dựng hệ thống kho vận, hệ thống Logistics; Đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh; Phát triển cảng hành khách, cảng hàng hóa quy mô lớn tại Vân Phong...;
Thứ ba là, tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, gồm: du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe và du lịch di sản văn hóa gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa; phát triển các ngành, nghề phụ trợ và liên kết các tuyến du lịch liên vùng.
Ngoài ra, sẽ phát triển Khu kinh tế Vân Phong theo hướng: Khu vực Bắc Vân Phong trở thành một trong những đô thị du lịch biển đẳng cấp quốc tế, trung tâm kinh tế biển hiện đại, cảng nước sâu gắn với khu phi thuế quan, công nghiệp công nghệ cao,...; Khu vực Nam Vân Phong trở thành trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển, là khu vực tập trung phát triển các khu công nghiệp, công nghiệp năng lượng, đóng tàu, dịch vụ logistics, dịch vụ vận tải biển và các ngành công nghiệp phụ trợ,... cùng với các dự án khu đô thị, dịch vụ du lịch ven biển.
- Khánh Hoà có 3 vịnh lớn là Vịnh Nha Trang, Vịnh Vân Phong, Vịnh Cam Ranh. Vậy, thế mạnh của tỉnh, đặc biệt là của Vân Phong so với khu vực và với Vân Đồn và Phú Quốc là gì?
Hiện tại Khánh Hòa có 3 khu vực phát triển kinh tế trọng điểm gồm: phía Nam là vịnh Cam Ranh có vị trí hết sức quan trọng về quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế; Ở giữa là vịnh Nha Trang, được công nhận là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới. Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi cả về vị trí, cảnh quan, khí hậu, cùng với nền tảng về lịch sử, nhân văn của mình, Nha Trang – Khánh Hòa có khả năng phát triển nhiều loại hình du lịch đa dạng và phía Bắc là Khu kinh tế Bắc Vân Phong.
So với các khu vực và Vân Đồn, Phú Quốc, Vân phong nằm giữa đảo Hòn Lớn, bán đảo Hòn Gốm, bờ biển huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa, là vùng bờ biển Việt Nam gần các tuyến hàng hải quốc tế nhất, ngay nơi các tuyến hàng hải tấp nập loại nhất thế giới gặp nhau. Trong vịnh Vân Phong, vũng Đầm Môn rộng 3.500ha với độ sâu từ 20m đến 27m, có lạch Cửa Lớn rộng hơn 950m và lạch Cửa Bé rộng trên 700m. Đây là vị trí có độ sâu, rộng và kín gió tốt nhất trong các vịnh của Việt Nam, rất thuận lợi để xây dựng cảng trung chuyển quốc tế. Nơi đây có khí hậu ôn hòa, địa hình đa dạng với bờ biển và vịnh, núi đá và cồn cát, rừng nguyên sinh ngập mặn, cảnh quan tuyệt đẹp.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, khu vực vịnh Vân Phong là nơi có tài nguyên du lịch biển độc đáo cả về cảnh quan và môi trường, một vị trí lý tưởng về du lịch, ít nơi nào ở Việt Nam có được. Với lợi thế kết nối giao thông với khu vực và quốc tế cả về đường bộ, đường biển, đường không, nhiều vị trí có địa hình bằng phẳng, khu vực vịnh Vân Phong cũng có điều kiện thuận lợi để hình thành các khu công nghiệp đa ngành như công nghiệp đóng tàu, các ngành công nghiệp phụ trợ ngành đóng tàu, công nghiệp điện, lọc hóa dầu…
- Sự chậm trễ trong khơi dậy tiềm lực, sức mạnh của Vân Phong cũng làm chậm trễ cho phát triển kinh tế - xã hội Khánh Hoà và khu vực, thưa ông?
Khu kinh tế (KKT) Vân Phong được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 92/2006/QĐ-TTg ngày 25/4/2006 với tổng diện tích khoảng 150.000 ha (70.000 ha mặt đất và 80.000 ha mặt nước) trên địa bàn huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, thuộc khu vực duyên hải Nam Trung bộ của Việt Nam. Nhưng đến nay đã hơn 15 năm, KKT Vân Phong vẫn chưa thể trở thành đầu tàu thu hút đầu tư và chưa tạo động lực phát triển cho các vùng lân cận. Việc chậm trễ trong khơi dậy tiềm lực, sức mạnh của Vân Phong tất nhiên đã làm chậm trễ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa và khu vực.
Tuy nhiên, với sự cố gắng của tỉnh, sau hơn 15 năm thành lập, KKT Vân Phong đã thu hút được 155 dự án đầu tư (125 dự án trong nước và 30 dự án có vốn đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đăng ký khoảng 4,1 tỷ USD (trong đó vốn đầu tư nước ngoài khoảng 2,95 tỷ USD), vốn đã thực hiện khoảng 2,35 tỷ USD (đạt 57% so tổng vốn đăng ký); trong đó khoảng 100 dự án đã đi vào hoạt động.
Hiện nay, Khu kinh tế Vân Phong đang được quy hoạch với tính chất là Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Trong đó kinh tế biển có cảng trung chuyển container quốc tế, dịch vụ hậu cần cảng giữ vai trò quan trọng, kết hợp phát triển kinh tế dịch vụ, công nghiệp, ngư nghiệp và các ngành kinh tế khác; là khu vực có hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại, trở thành đô thị biển đạt tiêu chuẩn đô thị thông minh bền vững; là trung tâm du lịch giải trí, du lịch biển đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp tận dụng thế mạnh là cửa ngõ giao thương quốc tế để tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh quốc tế; là trung tâm kinh tế tỉnh Khánh Hòa, có vai trò thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và toàn quốc.
- Vân Phong cần gì, đợi gì từ chính sách để đột phá, thu hút đầu tư, nguồn nhân lực, công nghệ cao… để trở thành một Khu Kinh tế đặc sắc tầm cỡ khu vực, thưa ông?
Hiện nay, Quốc hội đang bàn về Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; theo đó 7 chính sách đã được áp dụng với 5 tỉnh, thành phố khác, 4 chính sách mới được thiết kế theo hướng tạo cơ chế thu hút nguồn lực ngoài ngân sách và tập trung vào 3 đặc thù riêng có của tỉnh Khánh Hòa là: (1) Phát triển Khu Kinh tế Vân Phong, (2) Phát triển huyện Cam Lâm và (3) gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh; bảo đảm theo đúng định hướng nêu trong Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị “Xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý đặc thù, phù hợp để thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là của khu vực kinh tế tư nhân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, phát triển Khu kinh tế Vân Phong trở thành động lực phát triển của tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ; Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế, góp phần đưa Khánh Hoà sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; thực hiện tốt chủ trương kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển, đảo, nhất là đối với huyện đảo Trường Sa”.
Vì vậy, nhằm đột phá, thu hút đầu tư, nguồn nhân lực, công nghệ cao… để trở thành một Khu Kinh tế đặc sắc tầm cỡ khu vực, KKT Vân Phong rất cần cơ chế, chính sách vượt trội nhằm thu hút nhà đầu tư chiến lược, có năng lực tài chính, quản trị với các cam kết bằng văn bản, gắn bó lợi ích lâu dài với KKT... Các nhà đầu tư chiến lược bảo đảm nguồn vốn đầu tư từ 250 tỉ - 25.000 tỉ đồng sẽ hưởng nhiều quyền lợi, có thể kể đến như: ưu tiên hỗ trợ thủ tục đầu tư kinh doanh, bồi thường giải phóng mặt bằng; tham gia quá trình lập quy hoạch, xây dựng chính sách áp dụng tại KKT; tham gia xúc tiến đầu tư…
- Xin cảm ơn ông!