Cần cơ chế hấp dẫn khuyến khích các nhà đầu tư phát triển công nghiệp tái chế

Trúc Oanh 11/10/2024 17:07

Để phát triển thị trường tái chế, chất thải rắn sinh hoạt bền vững và hiệu quả, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống Nguyễn Văn Toàn quan trọng nhất vẫn là khuyến khích, có cơ chế để các nhà đầu tư “thiết tha”, thấy được có lợi nhuận thì mới có đầu tư, nếu không thì không thể thu hút được.

Chia sẻ tại Tọa đàm “Tăng cường kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn để cải thiện môi trường” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 18.9, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống Nguyễn Văn Toàn nhận định, hiện nay công nghệ của chúng ta hiện chưa rõ ràng, cũng chưa có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư cho tái chế chất thải.

van-toan-1-5474-387.jpg
Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống Nguyễn Văn Toàn. Ảnh: Duy Thông

Ông Toàn cũng chỉ ra thực tế, sau mỗi mùa thu hoạch, Hà Nội một số tỉnh phía Bắc bị khói do đốt rơm rạ; về vấn đề này đã có nhiều nhà khoa học, cá nhân cũng đã đưa công nghệ tái chế rơm rạ sau khi đốt. Nếu khuyến khích được thì đó là nguồn lực rất lớn phục vụ đốt lò hơi, bây giờ tất cả rơm rạ cho vào công nghệ ép thành viên nén, thậm chí còn xuất khẩu được. Việt Nam cũng đã xuất khẩu viên nén từ gỗ sang các nước như Hàn Quốc, Đài Loan, một số nước châu Âu. Đấy là vấn đề mà các nhà khoa học, các đại biểu Quốc hội cũng đã có đề xuất đến nhưng tại sao hiện nay vẫn chưa làm được?

Kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần có những nghiên cứu công nghệ cho phù hợp, để tận dụng nguồn nguyên liệu, hiện đã có những đơn vị ép rơm rạ để bán nhưng tiêu thụ chưa nhiều. Vấn đề ở đây vẫn là công nghệ và hỗ trợ đầu tư như thế nào; doanh nghiệp đầu tư phải có lãi, nhìn thấy sự phát triển mới đầu tư, bán không lãi, đầu tư lỗ thì không ai đầu tư. Tới đây, cần tham mưu Bộ ban hành quy định khuyến khích công nghệ để có công nghệ phù hợp nhất, tận dụng được phế thải.

Để khuyến khích tái chế, Luật Bảo vệ môi trường cũng có quy định về nguồn lực bảo vệ môi trường. Để đẩy mạnh phát triển tái chế rác thải Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành các văn bản tăng cường quản lý, tái chế; trong đó phải kể đến Chỉ thị 33/CT-TTg 2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Quyết định 1746/QĐ-TTg về ban hành kế hoạch hoạt động quản lý rác thải đại dương đến 2030.

Đặc biệt, trong Luật bảo vệ môi trường 2020 có đưa ra quy định trách nhiệm thu gom xử lý chất thải, trách nhiệm tái chế bao bì sản phẩm của nhà xuất khẩu và nhập khẩu; trong đó trách nhiệm tái chế có hiệu lực từ 1.1.2024 (đã có hiệu lực) và đây cũng là điều kiện để phát triển ngành tái chế. Ví dụ, các nhà nhập khẩu pin, ắc quy, dầu nhớt… sẽ phải có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu sau khi người tiêu dùng thải bỏ. Nếu như trước đây, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu chỉ tái chế rác từ sản phẩm của họ theo tinh thần tự nguyện thì bây giờ phải thực hiện nhiệm vụ này theo quy cách và tỷ lệ bắt buộc được quy định trong Luật và các văn bản liên quan.

Có thể thấy, cơ chế chính sách trong tái chế chất thải khá đầy đủ, nhưng việc thực hiện vẫn chưa phát huy được. Nói về xử lý chất thải, hiện nay Bộ cũng chưa ban hành quy định về giá, xử lý rác thải, đến 1.1.2025 bắt buộc phải xử lý thì xử lý thế nào? Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, điều kiện trang thiết bị không đầy đủ thì không thể vận chuyển nơi tái chế tốt được. Nếu muốn có tiền để đầu tư hạ tầng, trang thiết bị thì phải cuối năm sau.

Ngoài ra, công nghiệp hỗ trợ cũng còn yếu, chưa đủ mạnh để hoạt động tái chế, thiếu nguồn lực về vốn, trình độ cao, trang thiết bị, chuyên môn và khả năng làm chủ công nghệ. Hiện phần lớn máy móc, trang thiết bị phục vụ cho tái chế cũng có nhập khẩu, tự chế, nhưng công nghệ chưa được cao.

Để phát triển thị trường tái chế, chất thải rắn sinh hoạt bền vững và hiệu quả cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường đối với các sản phẩm tái chế, nguyên liệu tái sử dụng từ chất thải rắn sinh hoạt bằng việc đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu, chất thải rắn sinh hoạt trước khi đưa vào tái chế, tái sử dụng, nhất là tập trung thúc đẩy phân loại, làm sạch chất thải tại nguồn.

"Có chính sách, giá thành, cơ chế rồi, nhưng quan trọng nhất vẫn là khuyến khích, có cơ chế để các nhà đầu tư “thiết tha”, thấy được có lợi nhuận thì mới có đầu tư, nếu không thì không thể thu hút được", ông Toàn nhấn mạnh.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cần cơ chế hấp dẫn khuyến khích các nhà đầu tư phát triển công nghiệp tái chế
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO