Cần cơ chế đặc thù, tháo gỡ vướng mắc để kinh tế cất cánh
Sáng 23/5, thảo luận tại tổ 11 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Kạn, Sơn La, Long An, Vĩnh Long) về báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển KT- XH năm 2025, các đại biểu đã chỉ rõ những "điểm nghẽn" và đề xuất nhiều giải pháp căn cơ nhằm đưa kinh tế đất nước cất cánh trong năm 2025.
Khơi thông những "điểm nghẽn"
Thảo luận tại tổ về báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển KT- XH năm 2025, các ĐBQH tổ 11 cho rằng: Báo cáo đánh giá rất sát với thực tế và phản ánh rõ nét về bức tranh phát triển kinh tế- xã hội nước ta trong năm 2024 và năm 2025. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế để tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long), chúng ta đã bước qua năm 2024 và những tháng đầu năm 2025 với nhiều tín hiệu tích cực. Tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 7,09% và quý I/2025 đạt 6,93% là con số rất đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động. Điều này cho thấy kinh tế Việt Nam đang thích ứng và lấy lại nhịp độ tăng trưởng.
Việc kiểm soát lạm phát ở mức 3,63%, giữ ổn định tỷ giá và lãi suất là thành tựu quan trọng, tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu tăng 15% trong quý I/2025, cùng thặng dư thương mại cho thấy năng lực cạnh tranh hàng hóa Việt Nam đang cải thiện. Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân đầu tư công năm 2024 đạt 91,4% kế hoạch là con số ấn tượng, chứng tỏ những chuyển động tích cực trong tháo gỡ vướng mắc thể chế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang cũng cho rằng, nền KT- XH vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn. Tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đạt kỳ vọng và chủ yếu dựa vào khu vực FDI cùng đầu tư công, trong khi khu vực tư nhân trong nước chưa phục hồi rõ nét. Sức cầu nội địa yếu, tiếp cận tín dụng còn khó khăn. Khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, phục hồi chậm với gần 200.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2024.
Giải ngân đầu tư công tuy cải thiện tổng thể nhưng vẫn thiếu đồng bộ ở một số bộ, ngành và địa phương do vướng mắc thủ tục, giải phóng mặt bằng.
Lĩnh vực xã hội cũng bộc lộ nhiều vấn đề như thiếu trường mầm non công lập ở khu công nghiệp, thiếu bác sĩ chuyên khoa ở y tế cơ sở và khoảng cách bất bình đẳng về thu nhập, học vấn giữa các vùng miền...
Từ thực trạng trên, ĐBQH Nguyễn Thị Minh Trang nhấn mạnh: 2025 là năm then chốt để hoàn thành mục tiêu phát triển giai đoạn 2021–2025. Để tăng tốc phát triển, nâng cao chất lượng tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội bền vững, cần đột phá thể chế, gỡ bỏ rào cản đầu tư và sản xuất: Ưu tiên cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư công, tư nhân, đặc biệt là thủ tục về đất đai, môi trường, đấu thầu. Sớm ban hành cơ chế đặc thù, vượt trội cho các vùng kinh tế động lực như Đông Nam Bộ, ĐBSCL.
Bên cạnh đó, cần kích cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường: Tiếp tục áp dụng thuế VAT 8% cho toàn bộ hàng hóa, dịch vụ đến hết năm 2025; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xuất khẩu chính ngạch nông sản. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế biển, đầu tư mạnh vào hạ tầng logistics.
Cùng với đó, cần có chính sách tín dụng ưu đãi riêng cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh chuyển đổi; Khuyến khích mô hình kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế ban đêm.
Mặt khác, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, tập trung đúng trọng điểm: tập trung vốn cho các dự án hạ tầng chiến lược mang tính liên vùng, liên tỉnh, nhất là hạ tầng giao thông các vùng miền còn yếu như khu vực ĐBSCL. Phân cấp mạnh hơn cho địa phương, gắn trách nhiệm người đứng đầu và ứng dụng công nghệ số để quản lý tiến độ.
“Mục tiêu tăng trưởng hai con số là thách thức lớn nhưng hoàn toàn khả thi nếu chúng ta đặt quyết tâm chính trị cao, đổi mới tư duy quản trị quốc gia, lựa chọn đúng ưu tiên, và hành động một cách linh hoạt, quyết liệt và hiệu quả – vì một Việt Nam phát triển nhanh, bền vững và hùng cường”- ĐBQH Nguyễn Thị Minh Trang nhấn mạnh.
Giải quyết nút thắt hạ tầng và chính sách an sinh
Đồng tình với báo cáo cũng như những giải pháp được đưa ra, song ĐBQH Lê Thị Song An (Long An) cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục có những giải pháp quyết liệt hơn nữa trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về hạ tầng giao thông.

Từ thực tiễn địa phương, đại biểu kiến nghị Chính phủ sớm giải quyết dứt điểm vấn đề nâng cấp Quốc lộ 62 tại Long An. Đại biểu cho rằng, tuyến đường huyết mạch này có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh và khu vực Đồng Tháp Mười, là cửa ngõ giao thương biên giới, nhưng tiến độ vẫn rất chậm. Dù đã được phê duyệt và tạo niềm phấn khởi lớn trong cử tri, nhưng tiến độ vẫn rất chậm, dự kiến khởi công tới năm 2026. Tình trạng này khiến nhiều đoạn tuyến xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng an toàn giao thông và cản trở phát triển.
Theo đại biểu, nguyên nhân chủ yếu là thủ tục phức tạp trong tiếp cận và giải ngân vốn ODA. Theo đó, đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt chủ trương đầu tư, tạo điều kiện khởi công ngay cuối năm 2025, sớm hơn một năm so với kế hoạch. Nếu vốn ODA gặp khó, cần xem xét chuyển sang sử dụng vốn đầu tư công trung hạn trong nước, đồng thời ưu tiên giải phóng mặt bằng sớm.
Bên cạnh đó, ĐBQH Lê Thị Song An cũng bày tỏ sự đồng thuận cao với chủ trương sáp nhập Long An và Tây Ninh, coi đây là quyết định chiến lược, tạo ra vùng kinh tế cửa ngõ phía Tây vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Để phát huy tối đa tiềm năng này, việc hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối là then chốt. Đại biểu kiến nghị Chính phủ sớm bổ sung tuyến kết nối Đức Huệ – Đức Hòa (Long An) đến Gò Dầu – Trảng Bàng (Tây Ninh) vào quy hoạch quốc gia; ưu tiên bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 hoặc hình thức hợp tác công – tư (PPP), cùng cơ chế đặc thù về phân quyền cho địa phương để đẩy nhanh dự án, tạo hành lang logistics liên thông và giảm tải giao thông cho TP. Hồ Chí Minh.

Cũng liên quan đến câu chuyện hạ tầng, nhiều ý kiến cho rằng, hệ thống hạ tầng kết nối và cơ sở dữ liệu số hóa ngành nông nghiệp dùng chung cho vùng kinh tế trọng điểm còn thiếu đồng bộ. Đây là "rào cản" ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Do đó, các ĐBQH cho rằng: để phát triển bền vững, tăng trưởng xanh cho các khu vực, Chính phủ cần sớm tham mưu cấp có thẩm quyền và Quốc hội có những chính sách đặc thù, cho phép các địa phương chủ động huy động nguồn lực ODA, PPP cho các dự án cấp vùng. " Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp vùng, trong đó có vùng ĐBSCL", ĐBQH Trần Quốc Quân (Long An) nhấn mạnh.

Ngoài ra, liên quan đến việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc, các ĐBQH Quàng Văn Hương (Sơn La) và ĐBQH Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) cũng bày tỏ sự đồng thuận với báo cáo, đồng thời cho rằng, lâu nay việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển KT-XH vùng đồng bào rất chậm, do đó kiến nghị Chính phủ sớm có đánh giá và tháo gỡ vướng mắc trong triển khai các chương trình, đặc biệt là có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các chương trình này đối với các xã sáp nhập, từ đó có giải pháp để tiếp tục thực hiện chương trình này sao cho có hiệu quả, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ KT-XH vùng đồng bào trong thời gian tới.