Loại bỏ phương tiện giao thông cũ nát, quá niên hạn:

Cần có cách thức, lộ trình triển khai hợp lý

- Thứ Ba, 05/01/2021, 16:55 - Chia sẻ
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có Công văn số 7442 về việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điểm đáng chú ý là tại công văn này, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh việc ban hành và thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng, ưu tiên phương tiện sử dụng năng lượng sạch, không phát thải; thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không bảo đảm tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường; phát triển giao thông phi cơ giới; khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân; đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.

Lý giải về yêu cầu này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đây là một trong số những nhóm giải pháp nhằm ngăn chặn những nguồn thải gây ô nhiễm, bất lợi đối với môi trường. Bên cạnh đó, quy định về thu hồi xe quá niên hạn đã được ban hành và có hiệu lực từ năm 2018. Đề án kiểm soát khí thải môtô, xe máy đang lưu hành cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 909 ngày 17.6.2010 với mục tiêu kiểm soát tại các đô thị đặc biệt, loại 1 và loại 2. Hơn nữa, theo Quyết định số 16/2105 của Chính phủ về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ thì từ ngày 1.1.2018, môtô, xe máy và ôtô các loại hết niên hạn sử dụng sẽ bị thu hồi...

Thực tế, thời gian qua, mức độ ô nhiễm không khí tại một số đô thị lớn, đặc biệt là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh luôn trong tình trạng khá nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân cũng như trong phát triển kinh tế - xã hội. Nguyên nhân chính được cho là do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông. Cụ thể, theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, cả nước có khoảng 3,4 triệu ôtô và 50 triệu xe máy, trong đó, TP Hà Nội có khoảng 7 triệu xe máy, TP Hồ Chí Minh có khoảng 9 triệu xe máy thường xuyên tham gia giao thông. Ngoài ra tại 2 thành phố này còn có khoảng hơn 600.000 - 700.000 ôtô. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra khí thải gây ô nhiễm môi trường, nhất là khi có nhiều người không chăm sóc xe định kỳ, sử dụng xe quá cũ... Nguyên nhân nữa là do hoạt động xây dựng, công nghiệp với lượng thải lớn nhưng chưa được kiểm soát hiệu quả kết hợp với yếu tố thời tiết bất lợi trong giai đoạn giao mùa...

Còn nhớ hồi cuối năm 2020, khi Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh đề xuất chi hơn 550 tỷ đồng thực hiện Đề án thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố, với mục tiêu cải thiện chất lượng môi trường không khí, góp phần hạn chế phương tiện cá nhân mới đây, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh Nguyễn Lê Ninh đã bày tỏ quan điểm rằng, do chưa đánh giá tác động xã hội nên ông không đồng tình. Ông Ninh khẳng định, kiểm soát khí thải là yêu cầu không mới nhưng các giải pháp đưa ra chỉ mới giải quyết “phần nổi” của vấn đề. Ở đây, cơ quan quản lý mới chỉ hoàn thành trách nhiệm của mình, không “để ý” đến đời sống người dân và các quy định đưa ra có hợp lý không bởi để có phương án hợp lý nhất thì phải xét nhiều nguyên nhân, nhiều yếu tố, điều tra xã hội học… giảm thiểu tối đa áp lực kinh tế với đời sống người dân, nhất là người lao động, kiếm sống hàng ngày bằng phương tiện cá nhân.

Việc loại bỏ các phương tiện giao thông cũ nát, quá niên hạn là cần thiết, nhưng nên chăng trước khi thực hiện, cơ quan quản lý cần đưa ra hệ thống quy chuẩn để xác định mức phát thải cụ thể. Và khi đã có quy chuẩn, chính quyền cần tổ chức hệ thống kiểm tra thường xuyên và có phương án hỗ trợ để người dân chuyển đổi phương tiện, tránh gây hoang mang cho người dân. Đặc biệt phải làm rõ khi loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu thì chất lượng môi trường sẽ được cải thiện như thế nào? Có định lượng rõ ràng được không hay chỉ dựa trên cảm tính? Cách thức, lộ trình triển khai thực hiện như thế nào? Có như vậy quy định mới đạt hiệu quả khi ứng dụng trong thực tiễn.

Khương Ninh