Giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí:

Cần có biện pháp cụ thể, thiết thực và hiệu quả

- Thứ Sáu, 11/12/2020, 18:32 - Chia sẻ
Theo số liệu của các cơ quan chức năng, chất lượng không khí ở Hà Nội nói riêng, các tỉnh miền Bắc nói chung những ngày qua đều ở ngưỡng xấu và rất xấu. Thậm chí có thời điểm, ở một số khu vực lên mức nguy hại.

Nếu "chiếu" theo hướng dẫn của Tổng cục Môi trường thì khi ô nhiễm lên ngưỡng xấu, tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Chất lượng không khí rất xấu rất có hại cho sức khỏe tất cả mọi người. Và khi chất lượng không khí ở ngưỡng nguy hại thì sẽ nguy hiểm đến sức khỏe, khuyến cáo mọi người đều phải ở trong nhà. Trường hợp bắt buộc ra ngoài phải sử dụng khẩu trang có khả năng chống bụi mịn PM2,5. Còn theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, nước ta đang bước vào "mùa ô nhiễm không khí" theo chu kỳ hàng năm, từ tháng 9 năm trước tới tháng 3 năm sau do điều kiện khí tượng không thuận lợi. Hiện tượng nghịch nhiệt thường xuyên xảy ra khiến các chất ô nhiễm không phát tán được, tập trung ở sát mặt đất khiến mức độ ô nhiễm càng nghiêm trọng hơn. Vậy nhưng đáng tiếc, cho đến thời điểm này, biện pháp thường được áp dụng chỉ là khuyến cáo người dân nên hạn chế ra khỏi nhà; hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào; thực hiện các biện pháp vệ sinh mũi, họng... Giải pháp căn cơ để loại bỏ "mùa ô nhiễm" đến nay dù có nhưng vì nhiều lý do vẫn chưa phát huy hiệu quả.

Thực tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 985a/QĐ-TTg ngày 1.6.2016 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Các bộ, ngành đã xây dựng, triển khai một số quy định, quy chuẩn, lộ trình thực hiện trong lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng. Các địa phương cũng đã triển khai một số biện pháp để cải thiện từng bước chất lượng môi trường không khí trên địa bàn. Tuy nhiên, tình hình diễn biến ô nhiễm không khí trên toàn quốc vẫn có chiều hướng gia tăng cả về không gian và thời gian, đặc biệt là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực quan trắc môi trường để đề nghị tăng cường thực hiện công tác bảo vệ môi trường không khí theo đúng chức năng, nhiệm vụ đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, nhưng việc triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn, hoặc nếu có cũng theo kiểu tình thế. Giải pháp căn cơ là kiểm soát các nguồn thải chưa được quan tâm đúng mức. Ví như thời điểm năm 2019, khi tình trạng ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng xảy ra tại TP Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, TP Hà Nội đã có chỉ thị về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn như tăng cường tần suất sử dụng xe hút bụi, hút rác, xe tưới nước rửa đường, yêu cầu tất cả các xe tải trọng từ 1,5 tấn trở lên chỉ được vào thành phố từ đường vành đai 3 trở vào từ 22h đến 6h sáng hôm sau; tuyên truyền, vận động người dân không đốt rác thải tự phát, đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp, không sử dụng bếp than tổ ong... Chỉ thị cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tất cả các trường hợp để vật liệu, phế thải xây dựng không đúng quy chuẩn, rơi vãi ra đường gây mất vệ sinh môi trường...

Được biết, dự thảo Chỉ thị kiểm soát ô nhiễm không khí đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng có đưa ra rất nhiều biện pháp. Vậy nhưng rất có thể từ nay cho đến khi Chỉ thị được ban hành, tình trạng ô nhiễm sẽ vẫn diễn tiến theo "cách tự nhiên", tức tự có, tự hết; hoặc phải "đợi" đến khi có các yếu tố khách quan như thời tiết - nếu các cơ quan chức năng, các địa phương không có biện pháp cụ thể, thiết thực và hiệu quả.

Ninh Khánh