Theo đó, hỗ trợ theo hình thức này không chỉ giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư, còn mang lại lợi ích cho quốc gia vì sẽ thu hút được nhiều dự án đầu tư dài hạn, thực chất hơn.
Đòi hỏi cấp bách
Thuế tối thiểu toàn cầu là một loại thuế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng. Hiện nay, 142/142 quốc gia thành viên của OECD, trong đó có Việt Nam, đồng thuận thực hiện loại thuế này. Với thuế tối thiểu toàn cầu, các tập đoàn, công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu euro trở lên sẽ đều phải đóng thuế 15%, dù là ở bất kỳ quốc gia nào.
Giới thiệu về loại thuế này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, nếu Việt Nam không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, thì số thu ngân sách nhà nước về thuế thu nhập doanh nghiệp không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung, thì toàn bộ số thu được ưu đãi cho các doanh nghiệp hiện tại sẽ được các nước phát triển có doanh nghiệp đầu tư thu về ngân sách của các nước đó. Trong khi đó, nếu áp dụng quy định thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn, chúng ta sẽ có quyền đánh thuế bổ sung đối với những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang được hưởng thuế suất thực tế tại nước ta thấp hơn mức tối thiểu 15%, từ đó góp phần tăng thu ngân sách nhà nước.
Mặt khác, khi Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu với những doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu và có công ty con ở nước khác có số thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế thấp hơn mức tối thiểu sẽ thu thêm được thuế thu nhập doanh nghiệp từ những doanh nghiệp này, từ đó cũng góp phần tăng thu ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, theo ông Đặng Ngọc Minh, phần lớn các nước có vốn đầu tư ra nước ngoài đều sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 để thu thêm phần chênh lệch từ mức thuế thực tế so với thuế tối thiểu toàn cầu (15%), trong đó có các nước và nền kinh tế có số vốn đầu tư lớn vào Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore.
Trước việc nhiều quốc gia có vốn đầu tư ra nước ngoài triển khai cơ chế thuế tối thiểu nội địa, các đại biểu dự Hội thảo cho rằng, Việt Nam cần thiết phải nội luật hóa các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu, đặc biệt cần đưa vào áp dụng thuế nội địa bổ sung tối thiểu đạt chuẩn (QDMTT) tại Việt Nam từ năm 2024, để kịp thời đồng hành cùng các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang hoạt động thuộc diện điều chỉnh của thuế tối thiểu toàn cầu.
Tán thành qua điểm nêu trên, song Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển lưu ý, sẽ khó khả thi nếu đến ngày 1.1.2024 có thể sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm nội luật hóa các cam kết về thuế tối thiểu toàn cầu. Do đó, quá trình triển khai của Việt Nam cần chia thành 2 giai đoạn, trong trước mắt cần có một nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này. Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội không chỉ để thực hiện thí điểm việc áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu trước khi việc sửa đổi các luật về thuế và các văn bản liên quan hoàn thành, mà cần nhìn nhận tổng thể các vấn đề liên quan đến an ninh kinh tế, cấu trúc các ngành, phân cấp, phân quyền trong quản lý FDI…
Ưu đãi chi phí mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia
Có thể thấy, thuế tối thiểu toàn cầu không phải áp dụng cho tất cả doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động ở nước ta. Loại thuế này chỉ áp dụng với các tập đoàn, công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu euro, cũng như công ty con của những tập đoàn này nếu như chịu thuế thu nhập doanh nghiệp dưới 15% ở quốc gia đang hoạt động. Nhưng, thời điểm các quốc gia phát triển trên thế giới triển khai áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu đang đến gần (từ đầu năm 2024), đại diện Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu ở Việt Nam cho biết, doanh nghiệp châu Âu đang đầu tư tại Việt Nam quan tâm đến phản ứng chính sách của Quốc hội và Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là những chính sách ưu đãi mới nào sẽ được đưa ra khi thực hiện cơ chế này.
Từ quá trình làm việc với doanh nghiệp FDI, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, ưu đãi thuế chỉ là một phương án tài chính, không phải là “tất cả” khi doanh nghiệp quyết định đầu tư. Tuy nhiên, nếu chúng ta không phản ứng nhanh thì sẽ ảnh hưởng đến tính cạnh tranh trong thu hút FDI, đối với cả dự án hiện hữu và dự án trong tương lai. Hiện nay, doanh nghiệp FDI quan tâm nhất đến quyền đánh thuế (sẽ đánh thuế với những đối tượng nào) và Việt Nam có những cải cách thuế nào để môi trường đầu tư hấp dẫn hơn.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác định sớm các công việc cần triển khai, Phó Tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn thuế, Deloitte Việt Nam Bùi Ngọc Tuấn cho rằng, các chính sách ưu đãi đầu tư đưa ra tới đây cần minh bạch, không vi phạm hướng dẫn của OECD, cũng như đủ sức hấp dẫn để giữ chân những doanh nghiệp “đại bàng” với hệ thống doanh nghiệp vệ tinh của họ, cũng như thu hút nhà đầu tư mới.
Để thực hiện mục tiêu này, theo ông Bùi Ngọc Tuấn, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm từ việc một số quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã nội luật hóa sẵn các chính sách ưu đãi theo chi phí đầu tư (Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia). Cụ thể, các giải pháp hỗ trợ theo chi phí cần được nghiên cứu ban hành có thể bao gồm việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản cho sản xuất; đầu tư hình thành tài sản cố định cho sản xuất công nghiệp; thực hiện bảo vệ môi trường; hỗ trợ nhà ở cho công nhân, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động; hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường…
Thuế tối thiểu toàn cầu đang đặt ra những bài toán mới, nhưng đồng thời cũng mang lại nhưng cơ hội mới và đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà xây dựng chính sách và các nhà làm luật tại Việt Nam cần nghiên cứu, giải quyết. Để tiếp tục duy trì một môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Vân Chi cho biết, tới đây, các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ nghiên cứu và xem xét ban hành các biện pháp, chính sách để thu hút đầu tư giai đoạn hậu thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, có nghiên cứu xây dựng giải pháp để thiết lập môi trường đầu tư tích cực, thu hút các nhà đầu tư mới; nghiên cứu xây dựng chính sách thuế đối với các tập đoàn lớn của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài nhằm giữ quyền đánh thuế của Việt Nam theo quy định của thuế tối thiểu toàn cầu; xác định các bước điều chỉnh trong giai đoạn quá độ…