Cần chính sách thông thoáng để doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng
Chính phủ cần có những cơ chế thông thoáng, phối hợp cùng ngân hàng để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, tín dụng hiệu quả.

Chiều 15/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Chín, Tổ 19 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Phú Thọ, Đồng Nai, Quảng Bình đã tập trung thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.
Tại phiên thảo luận, các ĐBQH hoàn toàn đồng tình việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Điều này góp phần thể chế hóa chủ trương của Đảng, đặc biệt cũng tháo gỡ điểm nghẽn, những nút thắt về mặt thể chế trong việc phát triển kinh tế tư nhân hiện nay. Đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo phải tiếp tục rà soát lại toàn bộ nội dung Nghị quyết; tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật.

Góp ý cụ thể, ĐBQH Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) cho biết, liên quan đến chính sách hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sở hữu kinh doanh và khu, cụm công nghiệp quy định tại Điều 7, trong quy định có dự kiến UBND cấp tỉnh bố trí 20 hecta trên một cụm, khu công nghiệp hoặc 5% tổng diện tích đất đã được đầu tư xây dựng hạ tầng để tạo điều kiện doanh nghiệp tư nhân thuê.
Đại biểu cho rằng, chúng ta đang thực hiện Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế. Thực tế, nhiều doanh nghiệp cũng đã tiến hành đầu tư; diện tích đất bố trí hiện nay có những khu, cụm công nghiệp còn, nhưng có những khu cụm công nghiệp cũng đã hết. Đại biểu đề nghị cần quy định chi tiết điều kiện, chính sách trong việc tổ chức thực hiện thì mới bố trí được.
Cũng liên quan tới nội dung này, trong dự thảo Nghị quyết có nêu Nhà nước hoàn trả cho chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp thuê đất. Đây là chính sách phù hợp, nhưng đại biểu đề xuất khi thực hiện, Chính phủ cần có hướng dẫn chi tiết, cụ thể về hình thức, cách hỗ trợ cho các doanh nghiệp thì mới có hiệu quả. Đây là một trong những nội dung cực kỳ quan trọng.
Bên cạnh đó, về chính sách tín dụng (Điều 9), đại biểu Nguyễn Thành Nam băn khoăn, trước đây khi thực hiện các chính sách tín dụng, lúc nào cũng có câu chuyện "có nguồn vốn nhưng doanh nghiệp chưa tiếp cận được". Rút kinh nghiệm từ thực tiễn đó, đại biểu đề nghị Chính phủ có những cơ chế thông thoáng, cùng ngân hàng để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn.
Liên quan đến hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp tại giai đoạn này, đại biểu hoàn toàn đồng tình. Tuy nhiên, đại biểu cho biết, thời kỳ Covid-19 chúng ta cũng hỗ trợ doanh nghiệp bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, có gói hỗ trợ hẳn hoi, nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện việc hỗ trợ tỷ lệ giải ngân rất thấp.“Giai đoạn này, nếu vẫn thực hiện gói lãi suất 2%, cần rút kinh nghiệm từ giai đoạn trước để có cách làm cụ thể hơn, để doanh nghiệp tiếp cận được chính sách, nếu không chính sách vẫn mãi nằm trên giấy”, đại biểu Nguyễn Thành Nam nhấn mạnh.
Theo ĐBQH Nguyễn Công Long (Đồng Nai), tại khoản 1 Điều 14 dự thảo Nghị quyết có nêu: Nhà nước mở rộng sự tham gia của các doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân vào các dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; dự án quan trọng quốc gia thông qua hình thức đầu tư trực tiếp, hoặc đầu tư theo phương thức đối tác công tư, hoặc các mô hình hợp tác nhà nước và tư nhân theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, người có thẩm quyền, chủ đầu tư lựa chọn áp dụng các hình thức đặt hàng hoặc đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu, các hình thức phù hợp khác theo quy định của pháp luật để thực hiện đối với các lĩnh vực chiến lược, các dự án, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trọng điểm quan trọng quốc gia như đường sắt cao tốc, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, giao thông xanh, quốc phòng an ninh...
"Quy định này rất đa dạng và phủ khắp các lĩnh vực phát triển. Nhưng chính khoản này lại thu hẹp phạm vi chỉ có đặt hàng hoặc chỉ định ở một số lĩnh vực nhất định". Đại biểu cho rằng, đây là vấn đề cần cân nhắc, không nên giới hạn phạm vi lĩnh vực nhất định; không chỉ có dự án trọng điểm về phát triển kinh tế - xã hội, dự án quan trọng quốc gia mà các dự án đảm bảo quốc phòng an ninh cũng có thể để các doanh nghiệp tư nhân đứng ra thực hiện. Điều này không chỉ kích thích sản xuất trong nước mà còn thúc đẩy bảo đảm tính ổn định khi có những tình huống bất ngờ xảy ra.
Quan tâm đến chương 2 quy định về cải thiện môi trường, trong đó quy định về hoạt động thanh tra, kiểm tra, đại biểu Nguyễn Công Long nhận thấy, vẫn chưa đảm bảo tính quy phạm. Vì vậy, đề nghị ban soạn thảo cũng cần quan tâm thêm điểm này.

Theo ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai), hiện đối tượng mà Nghị quyết áp dụng là với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và tổ chức cá nhân khác có liên quan. Đại biểu mong muốn cần làm tường minh hơn với các đối tượng áp dụng này, để áp dụng những chế độ đặc thù, đặc cách đúng đối tượng thụ hưởng.
Về hỗ trợ tín dụng (Điều 9), đại biểu cũng đề nghị làm rõ hỗ trợ lãi suất 2%, cơ chế cụ thể như thế nào. Liên quan đến ưu đãi nhà thầu, đại biểu lưu ý cần rất cẩn trọng, nên rà soát lại các cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để có chính sách phù hợp.