Bảo đảm không chồng chéo, mâu thuẫn
Đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo đã rất tích cực, khẩn trương trong xây dựng dự án Luật Dữ liệu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh kỳ vọng khi dự luật được Quốc hội thông qua sẽ góp phần tạo nên một hệ thống dữ liệu tập trung, thống nhất, đồng bộ, “rất khổng lồ” và trở thành kho tài sản vô giá của Nhà nước ta.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cũng cho biết, Chính phủ đang trình Quốc hội dự án Luật Công nghiệp công nghệ số có quy định về dữ liệu số và đang nghiên cứu xây dựng dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đối với pháp luật hiện hành, dữ liệu cũng là một nội dung được điều chỉnh trong Luật Giao dịch điện tử. Do vậy, Chính phủ cần báo cáo thêm về việc quản lý, khai thác sử dụng dữ liệu hiện nay ra sao; phân biệt về phạm vi điều chỉnh giữa các luật, dự án luật thật rõ ràng, cụ thể để khi luật được thông qua không rơi vào tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, khó triển khai, khó thực hiện.
Qua rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, có 157 văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến dự án Luật Dữ liệu; trong đó có 69 luật, 42 nghị định, 5 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 41 thông tư. Tuy nhiên, trong báo cáo tổng kết và báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự luật, Chính phủ mới chỉ phân tích, đánh giá cụ thể đối với 8/69 luật, nghĩa là còn hơn 60 luật hiện hành cần phải tiếp tục rà soát để bảo đảm không trùng lắp, chồng chéo về phạm vi điều chỉnh của dự luật với các luật liên quan.
Không quy định quá chi tiết trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị
Dự thảo Luật quy định khá cụ thể về trách nhiệm của các bộ, ngành trong quản lý nhà nước về dữ liệu. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, dữ liệu là một lĩnh vực có thể phát sinh rất nhiều vấn đề mới theo sự phát triển và tiến bộ của xã hội về công nghệ. Do vậy, không nên quy định quá chi tiết trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, mà chỉ nên quy định có tính nguyên tắc về tổ chức, hoạt động của các tổ chức, kể cả tổ chức đảng cho đến các cơ quan nhà nước; đồng thời, giao Chính phủ hướng dẫn và tổ chức thực hiện sẽ phù hợp hơn.
Nhấn mạnh, dự án Luật Dữ liệu điều chỉnh các vấn đề mới, khó, phức tạp, có nhiều vấn đề đang trong quá trình vận hành, phát triển, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, chỉ quy định những vấn đề mang tính chất khung và nguyên tắc, còn lại giao Chính phủ, các bộ chuyên ngành quy định chi tiết. "Như vậy sẽ bảo đảm phù hợp với thực tiễn, linh hoạt sửa đổi, bảo đảm tính ổn định của luật khi trong quá trình triển khai".
Khoản 1, Điều 33 dự thảo Luật quy định cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia được Chính phủ xây dựng, quản lý tập trung, thống nhất tại Trung tâm Dữ liệu quốc gia. Tuy nhiên, theo hồ sơ dự án Luật, hiện nay, nước ta có 7 cơ sở dữ liệu quốc gia và trên 100 cơ sở dữ liệu chuyên ngành. "Vậy mối quan hệ giữa cơ sở dữ liệu tổng hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành như thế nào?" Đặt vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị phải làm rõ để không bị trùng lặp về nội hàm dữ liệu, dẫn đến không hiệu quả, lãng phí.
Giải trình các vấn đề nêu trên tại Phiên họp thứ thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang nêu rõ, hiện nay Luật Giao dịch điện tử tập trung quy định về kết nối, liên thông, ứng dụng dữ liệu trong các giao dịch điện tử. Dự án Luật Dữ liệu tập trung quy định các nội dung về hoạt động xử lý dữ liệu, chiến lược dữ liệu, quản trị và điều phối dữ liệu được áp dụng chung đối với tất cả các dữ liệu của cơ quan nhà nước.
Đối với dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, chủ yếu tập trung về hoạt động của công nghệ số, sử dụng dữ liệu số để phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp công nghệ số, cho nên không trùng lặp với dự án Luật Dữ liệu điều chỉnh đối với việc khai thác, sử dụng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ và dữ liệu liên quan đến phân tích tổng hợp dữ liệu, dịch vụ trung gian dữ liệu, sàn giao dịch dữ liệu.
Trong quá trình xây dựng luật, Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ, sẽ tiếp tục rà soát, đối chiếu với pháp luật có liên quan để chỉnh lý, bảo đảm tính thống nhất hệ thống pháp luật.
Về công tác quản lý nhà nước, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, quản lý nhà nước về dữ liệu là trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương, không tập trung ở một cơ quan và có sự phân công, phối hợp, đồng bộ, thống nhất theo quy định chung của dự án Luật Dữ liệu. Các hoạt động liên quan đến xử lý dữ liệu chuyên ngành, các bộ, ngành chịu trách nhiệm quản lý, tuy nhiên vẫn phải tuân thủ các quy định chung liên quan đến xử lý dữ liệu quy định tại dự án Luật.
"Chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong quá trình xây dựng luật để quy định cụ thể hơn về chức năng, nhiệm vụ quản lý của nhà nước, tăng cường phân cấp, phân quyền và thiết lập cơ chế kiểm tra, giám sát”, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định.
Qua các ý kiến thảo luận và giải trình của cơ quan soạn thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Chính phủ tiếp tục rà soát, nghiên cứu để thể chế hóa đầy đủ, cụ thể quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế - xã hội số. "Dữ liệu vừa là tài nguyên, vừa là nguồn thực, vừa là động lực mới cho phát triển, nên cần có những chính sách đặc thù, vượt trội", Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ.