Cần chiến lược dài hơi

- Thứ Bảy, 26/12/2020, 06:22 - Chia sẻ
ĐBQH Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu)

Năm 2020 là năm thứ 3 triển khai thực hiện Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Chính phủ và các bộ, ngành cũng hết sức khẩn trương, đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị, vận động tìm kiếm nguồn lực, tạo nguồn vốn để thực hiện Nghị quyết này. Tuy nhiên, cần đánh giá thực chất hơn việc tổ chức và thực hiện Nghị quyết 120 so với mục tiêu đề ra để trên cơ sở đó chuẩn bị cho nhiệm kỳ tới xác định trong tổng thể nguồn lực đầu tư quốc gia thì nguồn lực đầu tư thực hiện Nghị quyết 120 là bao nhiêu. Đó là một bài toán cần trả lời cho đại biểu Quốc hội để chuẩn bị cho việc phân bổ nguồn lực đầu tư trong thời gian tới.

Tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã báo cáo Quốc hội kết quả khảo sát về an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập. Quốc hội cũng đã tiến hành thảo luận rất sâu về vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập nói riêng và ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung. Chúng ta đã thấy sự tác động hiện hữu của biến đổi khí hậu đối với đời sống của người dân và sự phát triển của các địa phương cũng như của đất nước.

Đối với đồng bằng sông Cửu Long, đợt hạn mặn 2019 - 2020, do mặn đã nhiễm sâu vào trong đất liền với nồng độ mặn cao nên đã ảnh hưởng rất lớn đến lao động, sản xuất và đời sống của người dân. Từ tháng 9, tháng 10 năm nay lại mưa và ngập úng kéo dài. Những năm trước, khi đại biểu Quốc hội đi tiếp xúc cử tri, bà con đều phản ánh tình trạng giá lúa thấp hoặc có năm được mùa nhưng mất giá còn năm nay, bà con cho biết, nhiều vùng ở đồng bằng sông Cửu Long nông dân đã mất trắng. Do đó, trong giai đoạn tới phải có kế hoạch khép kín hệ thống thủy lợi để giữ ngọt, ngăn mặn; tăng cường xây dựng hệ thống ngăn mặn ở các đê sông, triển khai các công trình trữ nước ngọt... Bên cạnh việc chuyển đổi sản xuất phù hợp để thích ứng với hạn mặn, cần khảo sát để thấy được những thiệt hại thực sự đối với đồng bằng sông Cửu Long để có giải pháp ứng phó, bảo đảm nguồn an ninh lương thực cho quốc gia.

Ở phạm vi rộng hơn, từ kết quả khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, các vấn đề đã được các đại biểu Quốc hội đặt ra, để bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, thích ứng với biến đổi khí hậu có 3 vấn đề phải tập trung xử lý: 

Một là, nguồn lực đầu tư để sữa chữa khoảng 1.200 hồ đập bị xuống cấp, đặc biệt là 200 hồ đập bị xuống cấp rất nặng cần phải sửa chữa khẩn cấp. Cùng với đó là phải có nguồn lực để bảo vệ, giữ và phát triển rừng. Thời gian qua, việc sửa đổi các chính sách dành cho dịch vụ bảo vệ, phát triển rừng đã được đề xuất nhiều lần nhưng cũng chưa được giải quyết. Phải tính toán chính sách này, giai đoạn từ 2021 - 2025, giá dịch vụ bảo vệ, phát triển rừng ít nhất cũng phải tăng gấp đôi giá dịch vụ của giai đoạn 2015 - 2020 vì bà con phản ánh một nghịch lý hiện nay là vùng nào giữ được rừng xanh tốt thì người dân ở đó lại nghèo. Nếu chính sách này không giải quyết được thì rất khó để bảo đảm và gây dựng cuộc sống ổn định để bà con bám đất, bám rừng. Trong cân đối tổng thể chung nguồn lực đầu tư cho giai đoạn tới phải tính toán vấn đề này. 

Hai là, ở nhiều địa phương hiện nay, việc quản lý các hồ đập vừa và nhỏ được giao cho UBND cấp xã, tổ đội nhóm thực hiện. Đây là vấn đề khiến nhiều đại biểu và cử tri chưa yên tâm. Chính phủ cần có sự chỉ đạo, quản lý chung, chấn chỉnh, chỉ đạo địa phương trong việc phân cấp quản lý để làm sao quản lý hồ đập hiệu quả, đúng quy định pháp luật.

Ba là, nhiều đại biểu quan tâm, cử tri phản ánh tình trạng phối hợp giữa chủ đầu tư quản lý hồ đập và chính quyền địa phương trong việc tháo lũ và xả lũ đã gây ảnh hưởng đến đời sống, tính mạng của người dân. Vấn đề này cũng cần phải rà soát lại để quy định chặt chẽ hơn trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Nhìn tổng thể từ những thiệt hại vô cùng lớn do thiên tai, bão lụt, biến đổi khí hậu gây ra cho các vùng miền của nước ta thời gian qua, đặc biệt là năm 2020 và những thách thức đang đặt ra đối với vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập và thích ứng với biến đổi khí hậu, Quốc hội cần yêu cầu các cơ quan chức năng xây dựng và trình Quốc hội một chiến lược dài hơi hơn cho giai đoạn tới để có cơ sở triển khai thực hiện, đồng thời cũng có cơ sở để phân bổ nguồn lực bảo đảm thực hiện được các mục tiêu đề ra.

PV lược ghi