Cần chiến lược căn cơ

- Thứ Sáu, 23/10/2020, 06:38 - Chia sẻ
“Rốn lũ mà không ngại lũ”, tìm cách “sống chung với lũ”, thế nên khi cả xã bị nhấm chìm trong biển nước thì hơn 3.000 người dân xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình vẫn an toàn tính mạng. Đó là nhờ 300 ngôi nhà phao kết bằng thùng phuy tự động lên xuống theo nước lũ được một dự án xây dựng nhà an toàn cho người dân vùng lũ khởi xướng từ năm 2013. Nhờ những ngôi nhà phao này, không chỉ tính mạng của người dân mà cả tài sản của họ cũng được an toàn.

Đợt mưa lũ lịch sử này, nước còn chưa kịp rút thì cơn bão số 8 với cường độ mạnh đang hướng vào đất liền, khu vực tâm bão nhiều khả năng lại là dải đất miền Trung. Là mảnh đất thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, ngày càng khốc liệt, khó lường với tần suất dày hơn, phải tính chuyện sống chung với lũ lụt cho người dân nơi đây như là một phần của cuộc sống. Không thể để năm nào cũng luẩn quẩn chuyện chạy lũ, người mất tích, nhà ngập, tài sản bị cuốn trôi; kế sinh nhai của những người dân cũng chìm theo mỗi lần lũ đến, một đời tích cóp bỗng chốc trắng tay.

Thực tế, từ nhiều năm nay, nguồn lực của Trung ương lẫn địa phương, của các tổ chức, cá nhân đã đầu tư, hỗ trợ cho vùng thường xuyên bị ngập úng, lũ lụt không phải là nhỏ. Nhưng hầu hết mới chỉ là sự ứng cứu, hỗ trợ nhằm để giải quyết kịp thời thiếu đói, ổn định đời sống cho người dân khi có lũ. Chúng ta có sẵn lòng tốt, nhưng chúng ta vẫn đang thiếu giải pháp chống chọi thiên tai có chiều sâu. Không thể xem những gói hàng cứu trợ đến người dân vùng lũ như một biện pháp lâu dài cho cuộc chiến chống chọi thiên tai một cách thường xuyên. Đến lúc cần một giải pháp căn cơ, hiệu quả cho người dân vùng lũ, để người dân có thể ứng xử một cách linh hoạt trước thiên tai.

Thiên tai không thể tránh, nhưng nếu có các biện pháp ứng phó tốt, sẽ giảm thiểu được thiệt hại ở mức thấp nhất. Như những ngôi nhà phao, nhà chống lũ ở Tân Hóa, trị giá 80 - 180 triệu đồng, được một dự án hỗ trợ 45 triệu đồng, phần kinh phí còn lại sẽ do người dân huy động từ nguồn lực của riêng mình, đã thực sự giúp người dân vượt qua mùa mưa bão an toàn. Tất nhiên, không thể mong có đủ nguồn lực để xây dựng hàng triệu ngôi nhà an toàn, sắm sẵn thuyền bè, áo phao, xây nhà có gác, hầm trú bão cho người dân, nhưng mỗi năm phấn đấu xây dựng một ít, tích góp dần. Thay vì chỉ cứu trợ trong lũ, thì cần huy động có hiệu quả các nguồn lực cứu họ trước khi bão lũ về, đó mới là cách kịp thời nhất, thực tế nhất.

Kinh nghiệm tại Hà Lan - nơi có gần một 1/4 diện tích quốc gia nằm thấp hơn mực nước biển cho thấy, nếu chỉ chống lũ không thì không thể tồn tại nổi, họ tìm cách sống chung với lũ. Bắt đầu bằng những công trình thế kỷ như hệ thống đê thông minh cùng cảnh báo lũ sớm, xây dựng các nhà chống lũ hay thậm chí là cả một thành phố sống chung với lũ. Những tòa nhà thể thao khi bị ngập lũ sẽ được biến đổi thành bể bơi, các trung tâm thương mại nổi lên cùng nước lũ nhờ hệ thống phao hiện đại, đi kèm với đó là các khu năng lượng mặt trời duy trì điện năng cho cả thành phố vào mùa lũ. Người Hà Lan không cố gắng chống chọi với làn nước dữ thất thường mà là chung sống với nó, tạo ra những kế hoạch với lợi ích lâu dài.

Tất nhiên, với nguồn lực còn hạn chế, chúng ta chỉ có thể thực hiện ở quy mô nhỏ, thô sơ hơn với tiêu chí đặt sự an toàn của người dân lên hàng đầu. Cùng với việc cung cấp vật lực, xây dựng các công trình để hỗ trợ người dân chống chọi qua bão lũ, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của dự báo. Dự báo sát thì ứng xử của chúng ta trước bão lũ sẽ khác đi, thiệt hại cũng sẽ bớt đi. Như tại Nhật Bản, là đất nước thường xuyên hứng chịu thiên tai, gần như tất cả thành phố của Nhật Bản đều có những “bản đồ nguy hiểm” thể hiện chi tiết những vùng dễ ngập nước, các khu vực có nguy cơ lở đất cao, cùng với đó là những trung tâm cho người dân sơ tán khi cần thiết. Nhật Bản cũng chú trọng giáo dục người dân cách tự bảo vệ mình trước các tình huống nguy hiểm như bão lũ.

Rõ ràng, để người dân có thể ứng xử một cách linh hoạt, chủ động trước thiên tai còn rất nhiều việc phải làm, phải tính toán lại tỷ mỉ và chu đáo hơn, không thể áp dụng theo cách “truyền thống”. Để có các kịch bản biến đổi khí hậu đủ tin cậy phát huy tác dụng, cần xem xét vấn đề một cách tổng thể, không chỉ phụ thuộc vào một địa phương, một ngành đơn lẻ như trước, bởi một nơi làm không xuể mà phải có mô hình ở tầm quốc gia.

Duy Anh