Cần cầu thị, lắng nghe

- Thứ Tư, 14/10/2020, 06:35 - Chia sẻ
Trước phản ánh của báo chí về sách giáo khoa (SGK) môn Tiếng Việt lớp 1 (bộ Cánh Diều) có một số nội dung chưa phù hợp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu Hội đồng Thẩm định rà soát, kiểm tra lại nội dung và báo cáo trước ngày 17.10. Đây được đánh giá là động thái tích cực, kịp thời lắng nghe dư luận của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Văn bản do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ ký nêu rõ, triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK đã tổ chức thẩm định sách giáo khoa lớp 1. Căn cứ kết quả thẩm định, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã phê duyệt 5 bộ SGK lớp 1 để các nhà trường lựa chọn, triển khai các hoạt động dạy học theo quy định.

Trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành kiểm tra, khảo sát, nắm tình hình triển khai chương trình, SGK mới ở một số địa phương. Kết quả cho thấy, SGK lớp 1 đã được các nhà trường lựa chọn, tổ chức dạy học bước đầu đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, những ngày qua, trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã có phản ánh về việc SGK môn Tiếng Việt lớp 1 có một số nội dung chưa phù hợp. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Hội đồng rà soát, kiểm tra các nội dung báo chí nêu.

Bộ SGK lớp 1 mới năm nay đã trở thành vấn đề được dư luận quan tâm. Không ít phụ huynh cho rằng, chương trình hơi nặng so với năng lực của trẻ ở vào năm đầu cấp tiểu học. Không chỉ nặng về chương trình, cũng có không ít ý kiến phản ánh trong SGK Tiếng Việt lớp 1 năm nay có những “hạt sạn” với việc dùng nhiều từ địa phương thay vì những từ phổ thông. Điều này làm cho những người truyền thụ kiến thức cho các em gặp khó khăn hơn, trong đó có các bậc phụ huynh.

Việc đánh giá chương trình nặng hay nhẹ, vừa sức với học sinh hay không còn tùy thuộc vào năng lực của mỗi em. Do đó, việc đánh giá chương trình có quá tải hay không, phù hợp hay không cần có sự rà soát, đánh giá một cách tổng thể, khách quan. Nhưng rõ ràng, với trẻ lớp 1 thì ngôn ngữ biểu đạt trong bài học của các em phải hiện sự trong sáng của ngôn ngữ tiếng Việt, dễ hiểu, dễ sử dụng bởi ngôn ngữ phổ thông.

Trước việc Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu rà soát SGK Tiếng Việt lớp 1, GS. Trần Đình Sử, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định SGK Tiếng Việt lớp 1 cho rằng, yêu cầu rà soát của Bộ là cần thiết để đưa ra những thông tin khách quan. Tuy nhiên, GS. Trần Đình Sử mong muốn phụ huynh bình tĩnh và tin tưởng vào giáo viên cũng như nền giáo dục, kết quả của chương trình sẽ được trả lời trong cuối năm học.

Sự bình tĩnh đánh giá của phụ huynh, của dư luận lúc này là cần thiết. Nhưng việc Hội đồng Thẩm định, Bộ Giáo dục và Đào tạo bình tĩnh lắng nghe dư luận cũng rất cần thiết vào lúc này.

Những phản ánh của dư luận thời gian qua về SGK tiếng Việt lớp 1 thực hư thế nào cần có thời gian để rà soát, đánh giá. Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Hội đồng Thẩm định rà soát, kiểm tra lại nội dung mà báo chí phản ánh báo cáo Bộ trước 17.10 cho thấy, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này, Bộ đã lắng nghe phản ánh từ dư luận, điều này rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh Hội đồng Thẩm định rà soát, kiểm tra những nội dung báo chí, dư luận phản ánh, nhiều ý kiến cho rằng, cần có thêm kênh lấy ý kiến đánh giá của các chuyên gia giáo dục, giáo viên đang trực tiếp giảng dạy chương trình, phụ huynh và học sinh về vấn đề này để bảo đảm đánh giá khách quan, toàn diện. 

Tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 13.10, liên quan đến vấn đề SGK lớp 1 mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã chỉ đạo Phó Thủ tướng trực tiếp theo dõi, làm rõ và xử lý; chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiêm túc tiếp thu ý kiến của cử tri. Hiện các cơ quan liên quan đang rà soát và sẽ có công bố chính thức để báo cáo với Quốc hội và cử tri. Trong trường hợp nếu phát hiện vi phạm thì sẽ xử lý nghiêm. Bởi, SGK là vấn đề liên quan đến từng nhà, từng gia đình, cần tiết kiệm cho người dân; đồng thời cũng đáp ứng yêu cầu cần có bộ SGK, sách tham khảo phù hợp với văn hóa Việt Nam, trẻ em Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thiết nghĩ, để những bộ SGK được xuất bản không tạo “sóng”, thì việc thẩm định SGK cần phải làm bài bản, khoa học và minh bạch hơn. Cụ thể, bản thảo của các bộ SGK cần được công bố rộng rãi để lấy ý kiến góp ý, bên cạnh phần góp ý của hội đồng thẩm định. Và để minh bạch thông tin, báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười tới đây nên có thêm báo cáo về nội dung này.

Song Hà