Cần cân nhắc lại việc đánh thuế lãi tiền gửi ngân hàng của các doanh nghiệp

- Thứ Ba, 27/08/2013, 08:23 - Chia sẻ
Theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp vừa được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến, ngoài việc phải đóng thuế cho thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, sẽ đóng thêm thuế với thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn, bán ngoại tệ của doanh nghiệp. Trong thời điểm các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn như hiện nay, Bộ Tài chính cần cân nhắc và tính toán kỹ khi bổ sung một loại thuế, phí mới.

Theo dự thảo Nghị định được Bộ Tài chính đưa ra, thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn, bán ngoại tệ mà doanh nghiệp sẽ phải chịu thuế là từ lãi tiền gửi tại các tổ chức tín dụng; lãi cho vay vốn dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật; phí bảo lãnh tín dụng và các khoản phí khác trong hợp đồng cho vay vốn. Bên cạnh đó là thu nhập từ bán ngoại tệ; khoản chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả có gốc ngoại tệ cuối năm tài chính (trừ chênh lệch tỷ giá phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản để hình thành tài sản cố định của doanh nghiệp mới thành lập mà tài sản cố định này chưa đưa vào sản xuất kinh doanh thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính); khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong kỳ…

Theo các chuyên gia kinh tế, đề xuất này của Bộ Tài chính sẽ khó nhận được sự đồng thuận, bởi số tiền gửi ngân hàng là trích từ lợi nhuận của doanh nghiệp, nên đã phải nộp thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy, việc tiếp tục đánh thuế tiền gửi ngân hàng không phải sẽ là thuế chồng thuế? Nếu việc đánh thuế các khoản tiền gửi của doanh nghiệp vào ngân hàng trong dự thảo Nghị định lần này được thông qua thì nhiều doanh nghiệp sẽ phải chủ động tìm kiếm cơ hội sản xuất kinh doanh để có thể tiếp tục tồn tại trong tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn như hiện nay. Cùng với đó, các ngân hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ khi doanh nghiệp buộc phải rút gửi tiền để không bị đánh thuế lần hai cho các khoản lợi nhuận của mình.

Một quy định khác tại dự thảo Nghị định này là các khoản nợ khó đòi đã xóa nay đòi được; khoản nợ phải trả không xác định được chủ nợ; khoản thu nhập từ kinh doanh của những năm trước bị bỏ sót phát hiện ra của doanh nghiệp... cũng phải chịu thuế. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, không nên đưa quy định đánh thuế khoản nợ khó đòi khi thu hồi được là không hợp lý vì đây vốn là tài sản của doanh nghiệp. Ngoài ra, việc đánh thuế khi thu hồi được khoản nợ khó đòi mà khoản nợ này đã được cơ quan chức năng xóa nợ trước đó cũng cần xem xét từng trường hợp cụ thể. Ví dụ như một doanh nghiệp A cho doanh nghiệp B vay 100 tỷ đồng nhưng do doanh nghiệp B làm ăn thua lỗ không có khả năng trả nợ, khoản nợ khó đòi đó lại được Nhà nước xóa nợ tức là doanh nghiệp A đã mất đi 100 tỷ đồng. Nhưng sau một thời gian kiên trì, doanh nghiệp A may mắn thu về số tiền này từ doanh nghiệp B thì đây vẫn là tài sản ban đầu của doanh nghiệp A cho vay, không phải là lãi dư ra của số tiền cho vay trước đây. Khoản tiền này đã được đánh thuế trong lợi nhuận của doanh nghiệp A từ giai đoạn trước nên sẽ không hợp lý nếu đánh thuế lần hai.

Khi đưa ra dự thảo Nghị định này Bộ Tài chính chưa đưa ra được lý do để tính thuế với khoản tiền gửi của doanh nghiệp, nhưng vì lý do gì thì trong bối cảnh khó khăn hiện nay cũng không nên thêm gánh nặng cho doanh nghiệp và người dân. Ngay như thuế khoáng sản vốn là loại thuế thường ở mức cao tại nhiều quốc gia trên thế giới, thì tại Phiên họp thứ Hai mươi vừa qua, UBTVQH đã quyết định chưa thông qua đề xuất tăng thuế suất tài nguyên này vì chưa có cơ sở thuyết phục. Vì vậy, Bộ Tài chính cần xây dựng cơ sở chắc chắn cho đề xuất tính thuế với tiền gửi tiết kiệm của doanh nghiệp, nếu chưa có cơ sở chắc chắn thì không nên ban hành.

Quang Khánh