Chỉ quy định những vấn đề cơ bản về công chứng điện tử
Theo báo cáo của Ủy ban Pháp luật về một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), việc quy định về công chứng điện tử chỉ là bổ sung một phương thức mới để thực hiện việc công chứng thông qua ứng dụng khoa học, công nghệ và vẫn phải bảo đảm đầy đủ những nguyên tắc cơ bản của công chứng nước ta là công chứng nội dung. Do vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm tính khả thi, chặt chẽ của quy định về công chứng điện tử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp thu, giải trình nội dung này như sau:
Để làm rõ công chứng điện tử trực tuyến cũng phải có sự chứng kiến trực tiếp của công chứng viên, điểm b khoản 1 Điều 62 của dự thảo Luật đã được chỉnh lý như sau: “b) Công chứng điện tử trực tuyến là việc các bên tham gia giao dịch có yêu cầu công chứng không có mặt tại cùng một địa điểm và giao kết giao dịch thông qua phương tiện trực tuyến trước sự chứng kiến trực tiếp của công chứng viên; công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận giao dịch bằng chữ ký số để tạo ra văn bản công chứng điện tử.”. Đồng thời, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về trang thiết bị kỹ thuật để thực hiện công chứng điện tử (điểm c khoản 2 Điều 60) nhằm bảo đảm các điều kiện an toàn, bảo mật của giao dịch.
Với quy định này, trong mọi hoạt động của người yêu cầu công chứng khi xác lập giao dịch đều có sự chứng kiến trực tiếp của công chứng viên nên hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu của việc công chứng nội dung theo phương thức truyền thống.
Do công chứng điện tử là vấn đề mới, nước ta chưa có nhiều kinh nghiệm nên để bảo đảm tính khả thi, dự thảo Luật chỉ quy định những vấn đề cơ bản về công chứng điện tử, gồm khái niệm, nguyên tắc, điều kiện, vấn đề cơ bản trong quy trình, thủ tục công chứng điện tử và giá trị pháp lý của văn bản công chứng điện tử …, đồng thời giao Chính phủ quy định phạm vi các giao dịch được công chứng điện tử, lộ trình thực hiện (khoản 2 Điều 59); quy định chi tiết những vấn đề kỹ thuật, công nghệ thông tin, công tác quản lý, khai thác, sử dụng (khoản 3 Điều 60)…, để bảo đảm tính ổn định và khả thi.
Về quy trình, thủ tục công chứng điện tử, do phương thức này có sự kết hợp một số trình tự, thủ tục theo phương thức truyền thống (ví dụ về thành phần hồ sơ, soạn thảo văn bản, lời chứng…) và phương thức điện tử (ví dụ về tài khoản thực hiện công chứng điện tử, chữ ký số, dịch vụ cấp dấu thời gian…), do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu một phần ý kiến đại biểu Quốc hội để rà soát và bổ sung vào các điều 45, 47, 48, 49, 54 tại Chương V những thủ tục công chứng có tính chất đặc thù của công chứng điện tử để có cơ sở dẫn chiếu thủ tục công chứng điện tử đến thủ tục chung trong công chứng các giao dịch; đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết quy trình, thủ tục cụ thể trong công chứng điện tử (khoản 3 Điều 62).
Về các yêu cầu khác trong bảo mật, an toàn thông tin, để bảo đảm chặt chẽ trong việc chuyển đổi hình thức giữa văn bản công chứng điện tử và văn bản công chứng giấy, thống nhất với Điều 12 và Điều 20 của Luật Giao dịch điện tử, khoản 4 Điều 61 của dự thảo Luật đã bổ sung quy định: “Văn bản công chứng được chuyển đổi có giá trị như bản gốc khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, trừ trường hợp pháp luật quy định loại văn bản đó được chuyển giao quyền sở hữu và chỉ được tồn tại dưới một hình thức duy nhất” và giao Chính phủ quy định chi tiết về vấn đề này.
Tiến tới việc số hóa về cơ sở dữ liệu công chứng
Cho ý kiến về nội dung này, các ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình), Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) thống nhất với việc luật hoá công chứng điện tử. Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, không nhất thiết phải thực hiện công chứng theo phương thức truyền thống và việc áp dụng công chứng điện tử là một bước cải cách thủ tục hành chính, giúp giảm bớt phiền hà cho người dân trong tiếp cận dịch vụ công chứng. Đại biểu Đặng Bích Ngọc cho rằng, quy định này sẽ góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong các giao dịch dân sự, đáp ứng yêu cầu phát triển và chuyển đổi số hiện nay. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cần rà soát và có hướng dẫn chi tiết, cụ thể về công chứng điện tử, bởi lẽ trong hoạt động công chứng, việc công chứng viên trực tiếp tiếp xúc với người yêu cầu công chứng là rất cần thiết để đánh giá được năng lực, hành vi và ý chí, nguyện vọng của người yêu cầu công chứng, nhất là trong bối cảnh hiện nay xuất hiện những tội phạm công nghệ cao, do vậy, cần có sự đánh giá và thận trọng trong việc tổ chức thực hiện.
Theo ĐBQH Hà Phước Thắng (TP. Hồ Chí Minh), một trong những vấn đề quan trọng nhất của công chứng là dữ liệu công chứng để phục vụ cho công chứng điện tử. Trong thực tiễn, dữ liệu công chứng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong hoạt động công chứng nói riêng và hoạt động kinh tế nói chung, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức. Các dữ liệu này đều là bí mật của cá nhân, tổ chức, Nhà nước phải bảo đảm giữ bí mật các thông tin này. Mặt khác, theo quy định tại khoản 10 Điều 3 Luật Giao dịch điện tử năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1.7.2024: “cơ sở dữ liệu là tập hợp các dữ liệu điện tử được sắp xếp, tổ chức để truy cập, khai thác, chia sẻ và quản lý, cập nhật thông qua phương tiện điện tử”.
Để bảo đảm chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện của Chính phủ về công chứng điện tử sau khi dự thảo Luật được Quốc hội thông qua, đại biểu Hà Phước Thắng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung nội dung quy định việc xây dựng, quản lý công cụ phần mềm chuyên dụng để thực hiện việc công chứng điện tử, tương tự như việc xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng thuộc nhiệm vụ và trách nhiệm của Bộ Tư pháp, không giao cho tổ chức xã hội nghề nghiệp thực hiện.
Quan tâm tới việc quản lý cơ sở dữ liệu công chứng điện tử, ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm quản lý cơ sở dữ liệu thông tin phải công khai, minh bạch để tất cả các tổ chức khi hành nghề công chứng được thuận lợi, nhanh chóng. Trong đó, cần chú trọng tới tính liên kết của các cơ sở dữ liệu, tiến tới việc số hóa về cơ sở dữ liệu công chứng để khi công dân, tổ chức thực hiện các hoạt động công chứng điện tử bảo đảm tin tưởng tuyệt đối và coi đó như là một chứng cứ pháp lý.
Ở góc độ khác, ĐBQH Bế Trung Anh (Trà Vinh) nhấn mạnh, trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực và ngành nghề, công chứng số là “địa hạt” có nhiều tiềm năng để triển khai các giải pháp công chứng một cách minh bạch, thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Đại biểu nhận thấy, những nội dung của Mục 3, từ Điều 59 đến Điều 62 dự thảo Luật về công chứng điện tử là bước tiến vượt bậc và tiệm cận với đòi hỏi của thực tiễn trong một lĩnh vực rất quan trọng. Tuy nhiên, bản chất các nội dung quy định từ Điều 59 đến Điều 62 dự thảo Luật là “công chứng số”, không đơn thuần là “công chứng điện tử”. Do vậy, đại biểu đề nghị, không nên đặt tên khiêm tốn khái niệm này là “công chứng điện tử” mà nên quy định về “công chứng số” ngay trong dự thảo Luật.
Đại biểu Bế Trung Anh cũng cho rằng, các nội dung quy định tại Mục 3 dự thảo Luật đã tiếp cận với “công chứng số”. Về mặt công nghệ, để bảo đảm cho thực hiện, công chứng số sẽ là bước đi hoàn hảo cho sự tiếp nối giá trị mà Đề án 06 của Chính phủ (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030) trong Công an Nhân dân, do Bộ Công an chủ trì. Đại biểu Bế Trung Anh nhấn mạnh, trong công cuộc đó, cần quan tâm tới việc liên kết giữa hệ thống công chứng số với các cơ sở dữ liệu quốc gia, đặc biệt là cơ sở dữ liệu về dân cư, đất đai, tài sản để bảo đảm tính chính xác, minh bạch trong quá trình công chứng.