Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND

Cần bổ sung quy định cụ thể, định mức chi phục vụ hoạt động giám sát

- Thứ Hai, 01/11/2021, 06:12 - Chia sẻ
Trao đổi, góp ý về Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, bên cạnh các ý kiến đồng thuận, thống nhất việc quy định chi tiết, cụ thể về các bước chuẩn bị, tiến hành giám sát, xử lý kết quả giám sát (nhất là giám sát chuyên đề và hoạt động chất vấn, giải trình) vẫn có ý kiến đề nghị nên chăng cần tiết giảm những hướng dẫn mang tính nghiệp vụ, quy trình xử lý nội bộ và tập trung hướng dẫn cụ thể các nội dung chính. Nhất là những vướng mắc qua thực tế thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND thời gian qua.

Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND đang được lấy ý kiến Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hoàn chỉnh, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 12 tới.

Thường trực HĐND thành phố Đà Nẵng giám sát tình hình thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các quận, phường trên địa bàn trong năm 2021
​​​Ảnh: Thùy Linh

Ban hành hướng dẫn là cần thiết

Nhiệm kỳ 2021 - 2026 là nhiệm kỳ thứ hai thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Những thuận lợi về hành lang pháp lý, nhân lực đã giúp hoạt động giám sát của HĐND, các cơ quan thuộc HĐND các cấp có những bước chuyển lớn, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử các cấp.

Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao thì hoạt động giám sát của HĐND các cấp còn một số tồn tại, hạn chế. Việc ban hành nghị quyết hướng dẫn để tháo gỡ những bất cập qua thực tiễn sẽ tạo cơ sở pháp lý để HĐND, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND thực hiện chức năng giám sát bảo đảm hiệu lực, hiệu quả và thống nhất. Nghị quyết ra đời cũng sẽ góp phần hướng dẫn cụ thể các quy trình thực hiện chức năng giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND; đồng thời, hạn chế việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải ban hành văn bản cá biệt để trả lời từng địa phương.

Tiết giảm những hướng dẫn nghiệp vụ

Dự thảo Nghị quyết lấy ý kiến có bố cục gồm 8 chương, 52 điều, quy định hướng dẫn về trình tự, thủ tục xây dựng, tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND; hoạt động chất vấn của HĐND và chất vấn, giải trình của Thường trực HĐND; giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực, các Ban của HĐND; hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện và giám sát của đại biểu HĐND; xem xét việc thực hiện nghị quyết, kiến nghị giám sát; các điều kiện bảo đảm hoạt động giám sát. Đáng lưu ý, dự thảo Nghị quyết đề cập khá chi tiết về các bước chuẩn bị, trình tự tiến hành các hoạt động giám sát, cách thức làm việc của đoàn giám sát, việc xử lý kết quả giám sát…; việc xây dựng và thực hiện chương trình giám sát của đại biểu HĐND.

Trao đổi, góp ý về nội dung này, bên cạnh các ý kiến đồng thuận, thống nhất việc quy định chi tiết, cụ thể về các bước chuẩn bị, tiến hành giám sát, xử lý kết quả giám sát (nhất là giám sát chuyên đề và hoạt động chất vấn, giải trình) vẫn có ý kiến đề nghị nên chăng cần tiết giảm những hướng dẫn mang tính nghiệp vụ, quy trình xử lý nội bộ (như quy trình tổng hợp, xin ý kiến lãnh đạo Thường trực HĐND, các Ban HĐND…) và tập trung hướng dẫn cụ thể các nội dung chính. Nhất là những vướng mắc qua thực tế thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng phạm vi, tính chất, mức độ giám sát ở mỗi chủ thể, mỗi cấp khác nhau nhưng việc quy định quy trình, thủ tục “rập khuôn” như nhau thì có cần thiết? Trong điều kiện HĐND cấp huyện chỉ có 3 - 5 đại biểu chuyên trách, HĐND cấp xã chỉ có 1 đại biểu chuyên trách; cơ quan tham mưu giúp việc không độc lập như ở tỉnh thì có đủ điều kiện, nhân lực, kinh phí để thực hiện đầy đủ theo quy trình?

Một số nội dung về trình tự, thời gian xây dựng chương trình giám sát của các chủ thể đã được Luật Hoạt động giám sát quy định tương đối cụ thể, thực hiện không vướng thì có nên hướng dẫn chi tiết như dự thảo? Do vậy, cần tính toán phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Bổ sung quy định điều kiện bảo đảm hoạt động giám sát

Chương 7 Dự thảo Nghị quyết quy định về các điều kiện bảo đảm hoạt động giám sát chỉ đề cập 3 vấn đề gồm: Mẫu văn bản, công tác truyền thông, phối hợp cung cấp thông tin. Các điều kiện về kinh phí, nội dung, định mức chi phục vụ hoạt động giám sát nói riêng và các hoạt động khác của HĐND nói chung chưa được đề cập. Thực tế hiện nay, ngoài chế độ sinh hoạt phí hàng tháng theo Nghị quyết 1206/2016/NQ-UBTVQH13 được áp dụng thống nhất trên cả nước, mỗi địa phương đều có quy định riêng về các mức chi phục vụ hoạt động giám sát, khảo sát, thẩm tra, tổ chức hội nghị, hội thảo của Thường trực, các Ban HĐND... Mức chi cho từng nội dung được quy định theo từng cấp và có sự khác nhau rất lớn giữa các tỉnh.

Đơn cử như chi cho báo cáo giám sát chuyên đề, có tỉnh quy định mức chi 1 triệu đồng, có tỉnh quy định đến 7 triệu. Chưa kể, có tình trạng mặc dù HĐND cấp tỉnh quy định rõ về nội dung, định mức chi nhưng việc thực hiện còn phụ thuộc vào khả năng bố trí ngân sách của mỗi địa phương, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giám sát của HĐND nếu không được bảo đảm kinh phí.

Từ thực tiễn này và định hướng, yêu cầu về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND các cấp, nên chăng dự thảo Nghị quyết cần bổ sung quy định cụ thể, thống nhất về nội dung, định mức chi phục vụ hoạt động giám sát của HĐND các cấp và quy định trách nhiệm của các cấp trong việc bảo đảm kinh phí phục vụ hoạt động giám sát.

THANH THANH