Chính trị

Cần bổ sung mốc thời gian cụ thể để xác định hành vi không góp đủ vốn điều lệ đã cam kết

Hải Thanh - Lê Nguyên 10/05/2025 21:37

Dự thảo Luật xác định rõ hai hành vi kê khai khống là một bước tiến quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt và thanh tra tài chính. Tuy nhiên, cần bổ sung mốc thời gian cụ thể để xác định hành vi không góp đủ vốn điều lệ đã cam kết, thay vì quy định chung chung.

Chiều 10/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Chín, Tổ 11 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Sơn La, Bắc Kạn, Long An, Vĩnh Long) đã thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp và Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

anh toan canh 10
Quang cảnh phiên thảo luận. Ảnh: Khánh Duy

Cần bổ sung quy định xử lý trường hợp góp vốn bằng tài sản nhưng không bàn giao hoặc định giá không đúng

Góp ý về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, các ĐBQH Tổ 11 đã tập trung thảo luận về: xác định giá thị trường phần vốn góp, kê khai khống vốn điều lệ và tình trạng pháp lý của doanh nghiệp.

p2.jpg
Trưởng Đoàn ĐBQH (Bắc Kạn) Hoàng Duy Chinh điều hành phiên họp tổ 11, chiều 10/5. Ảnh: Khánh DUy

ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho rằng, quy định về giá thị trường của phần vốn góp hoặc cổ phần được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1 như dự thảo Luật là cần thiết nhằm tạo sự linh hoạt trong quy định về các phương pháp xác định giá, bao gồm giá giao dịch bình quân, giá thỏa thuận và giá thẩm định. Tuy nhiên, cần quy định rõ ràng thứ tự ưu tiên giữa các phương pháp xác định giá. Bởi, khi xảy ra tranh chấp, giá nào sẽ được ưu tiên áp dụng? Giá thị trường, giá thỏa thuận hay giá thẩm định?", đại biểu Dung đặt vấn đề. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần bổ sung thứ tự ưu tiên. Bên cạnh đó, quy định về "giá giao dịch bình quân trong vòng 30 ngày" cũng cần được làm rõ là tính theo ngày lịch hay ngày giao dịch thực tế, và liệu có xem xét đến yếu tố biến động mạnh của thị trường hay không?

p1.jpg
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung( Long An) phát biểu tại thảo luận Tổ 11, chiều 10/5. Ảnh: Khánh Duy

Đối với khoản 1 Điều 1 về kê khai khống vốn điều lệ, đại biểu cho rằng: việc dự thảo luật xác định rõ hai hành vi kê khai khống là một bước tiến quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt và thanh tra tài chính. Tuy nhiên, cần bổ sung mốc thời gian cụ thể để xác định hành vi không góp đủ vốn điều lệ đã cam kết, thay vì quy định chung chung. Một vấn đề nữa mà đại biểu Dung nêu đó là Luật hiện hành quy định là 90 ngày, trong khi dự thảo Luật lại không có quy định mốc thời gian, do đó đề nghị cần bổ sung khung thời gian tương tự để bảo đảm tính minh bạch và dễ thực thi. Ngoài ra, đại biểu cũng đề xuất bổ sung quy định xử lý trường hợp góp vốn bằng tài sản nhưng không bàn giao hoặc định giá không đúng, liệu có được coi là kê khai khống hay không.

Ngoài ra, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề xuất, cần có một chương riêng để điều chỉnh các đặc thù của loại hình doanh nghiệp này, bao gồm trụ sở ảo, vốn phi vật chất và nền tảng trung gian.

Một trong những điểm đáng chú ý là đề xuất bổ sung khoản 5a, Điều 8 của dự thảo Luật quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thu thập, cập nhật và lưu giữ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi. Đây là một bước đi quan trọng hướng tới minh bạch hóa hoạt động kinh doanh, ngăn chặn các hành vi rửa tiền và trốn thuế.

Theo đại biểu Trần Quốc Quân (Long An), việc xác định phạm vi thu thập thông tin đối với các cá nhân, tổ chức tham gia góp vốn vào nhiều doanh nghiệp khác nhau sẽ đặt ra thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp trong việc thực hiện và đảm bảo tính chính xác của dữ liệu. Đồng thời, việc tuân thủ các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân theo Bộ luật Dân sự và Luật An toàn thông tin mạng cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng để tránh gây khó khăn và rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp. Do đó, đại biểu đề xuất, việc bổ sung cơ chế hướng dẫn cụ thể, đồng bộ và hiệu quả cho doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ này là vô cùng cần thiết.

Về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của khoản 2, và điểm b khoản 3 Điều 17 của dự thảo Luật, đại biểu Quân cho rằng: Hiện dự thảo chỉ quy định loại trừ mở rộng những đối tượng được quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 193/2025/QH15: Điều 3 về thành lập, điều hành doanh nghiệp từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Trong khi đó, dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo lại quy định quyền của cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; viên chức tham gia góp vốn, làm việc, quản lý, điều hành tại doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu lại mở rộng đối tượng viên chức và viên chức quản lý hoạt động trong tổ chức khoa học công nghệ công lập thì được tham gia góp vốn, quản lý, điều hành doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Quy định như dự thảo Luật chưa có sự thống nhất về đối tượng được loại trừ tham gia góp vốn, quản lý doanh nghiệp trong thực tế. Do đó, việc làm rõ và thống nhất các quy định này sẽ tạo ra một hành lang pháp lý mạch lạc, tránh những cách hiểu và áp dụng khác nhau trong thực tế, từ đó khuyến khích hiệu quả sự tham gia của đội ngũ trí thức vào quá trình phát triển kinh tế.

Làm rõ quy định về dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng

Góp ý về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các đại biểu Tổ 11 cũng bày tỏ sự thống nhất cao với việc ban hành Luật này. Nhấn mạnh rằng, sau hơn 15 năm thi hành, Luật hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, không còn đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn trong nước và xu thế toàn cầu, đặc biệt là các cam kết quốc tế về giảm phát thải, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật lần này là cần thiết và cấp bách, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý, tăng cường tính bắt buộc trong thực hiện chính sách, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực sử dụng năng lượng. Điều này sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và bền vững trong giai đoạn tới.

Góp ý về việc bổ sung vật liệu xây dựng vào đối tượng dán nhãn năng lượng, ĐBQH Trần Quốc Quân (Long An) bày tỏ sự đồng tình với mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong lĩnh vực xây dựng. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng và quy định cụ thể các chủng loại vật liệu xây dựng nào cần thiết phải dán nhãn năng lượng, và loại nào thì không.

Theo đại biểu, vật liệu xây dựng là một phạm trù rất rộng, bao gồm cả các sản phẩm công nghiệp như xi măng, sơn, sắt thép, gạch ốp lát, và các vật liệu tự nhiên, vật liệu thông thường như cát, đất, đá dăm, xỉ tro thải. Việc áp dụng quy định dán nhãn năng lượng cho các sản phẩm công nghiệp có quy trình sản xuất rõ ràng là khả thi. Song, đối với các vật liệu thông thường, việc kiểm định, quản lý và dán nhãn năng lượng có thể không phù hợp và thiếu tính thực tế.

Đại biểu cho rằng, việc dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng chưa thực sự phổ biến, có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất nhỏ, các đơn vị chưa có thói quen và nguồn lực để thực hiện thử nghiệm, dán nhãn. Bên cạnh đó, cũng cần lường trước nguy cơ một số đơn vị lợi dụng việc dán nhãn để cạnh tranh không lành mạnh, gây nhiễu loạn thị trường. Do đó, Ban soạn thảo cần quy định chi tiết, rõ ràng về danh mục vật liệu xây dựng cần dán nhãn, đồng thời có lộ trình và giải pháp hỗ trợ phù hợp cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

p4.jpg
Đại biểu Trần Quốc Quân (Long An) phát biểu tại thảo luận Tổ. Ảnh: Khánh Duy

Liên quan đến quy định "Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một chỉ tiêu bắt buộc trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia và của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương", ĐBQH Trần Quốc Quân cũng đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ lưỡng và quy định rõ cách thức xác lập và đánh giá quá trình triển khai thực hiện chỉ tiêu này trong thực tế. Đại biểu dẫn chứng số liệu cho thấy số lượng cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm hiện nay vẫn còn khá khiêm tốn so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước. Bên cạnh đó, các quy định hiện hành về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chưa được phân cấp chi tiết, đầy đủ cho các lĩnh vực, và còn thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành tại địa phương.

Theo đại biểu, nếu quy định chung chung mà không có hướng dẫn chi tiết từ Chính phủ và cơ chế bảo đảm thực hiện hiệu quả, sẽ tạo ra áp lực lớn lên công tác quản lý nhà nước và điều hành của chính quyền cấp tỉnh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Do đó, cần có quy định rõ ràng về trách nhiệm của các cấp, các ngành, cũng như các chỉ tiêu cụ thể, có tính định lượng để việc triển khai và đánh giá được thực hiện một cách hiệu quả.

p7.jpg
ĐBQH Hoàng Thị Đôi (Sơn La) phát biểu. Ảnh: Khánh Duy

ĐBQH Hoàng Thị Đôi cũng đề xuất Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung một số vấn đề quan trọng: có lộ trình cụ thể để loại bỏ các thiết bị lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, phân biệt rõ theo các lĩnh vực khác nhau. Bên cạnh đó, dự án Luật cần chú trọng hơn đến việc đổi mới cơ cấu nguồn năng lượng, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo một cách rõ ràng và hiệu quả.

Đối với chiến lược sử dụng năng lượng tiết kiệm cần thực tế hơn, ưu tiên nhập khẩu công nghệ tiên tiến trong giai đoạn đầu và thúc đẩy nội địa hóa về lâu dài. Đặc biệt, việc bổ sung quy định về dán nhãn năng lượng hoặc tiêu chí đánh giá cho các trung tâm dữ liệu là cần thiết trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ. Những điều này sẽ góp phần hoàn thiện Luật, thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả và phát triển bền vững, đại biểu Hoàng Thị Đôi phát biểu.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cần bổ sung mốc thời gian cụ thể để xác định hành vi không góp đủ vốn điều lệ đã cam kết
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO