Quốc hội và Cử tri

Cần bổ sung cơ sở vật chất và giáo viên cho bậc học mầm non

Song Lê 22/05/2025 22:31

Tham gia thảo luận về dự thảo các Nghị quyết của Quốc hội về giáo dục chiều ngày 22/5, đa số ĐBQH tại Tổ 7 gồm Đoàn ĐBQH thành phố Huế, các tỉnh Lạng Sơn, Kiên Giang và Thái Nguyên đều cho rằng, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên vẫn để lại nhiều lo lắng nhất khi đưa chính sách vào triển khai thực hiện.

Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, và Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi nhận được sự quan tâm lớn của cử tri và nhân dân cả nước.

Nhiều ĐBQH đồng tình, việc thực hiện các Nghị quyết lần này liên quan đến giáo dục là cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Theo báo cáo của Chính phủ, cả nước hiện vẫn còn hơn 300 nghìn trẻ mầm non chưa được đến trường, chủ yếu ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chịu nhiều thiệt thòi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo…

13bd73691eb6abe8f2a7.jpg
ĐBQH Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Trong bối cảnh trên, đa số ĐBQH đồng tình, các Nghị quyết đã thể hiện tính ưu việt nhân văn của chế độ, đồng thời hoàn thành lời hứa của Đảng, của Nhà nước trước nhân dân và cử tri, là tất cả quyết sách ban hành đều phục vụ cho mục tiêu cuối cùng - đảm bảo an sinh xã hội, giảm chi phí kinh tế, giảm gánh nặng cho người dân và không ai bị bỏ lại phía sau. Đặc biệt, khi Quốc hội ban hành Nghị quyết liên quan đến lĩnh vực giáo dục, sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc hơn để những vấn đề liên quan đến an sinh xã hội và người dân quan tâm nhất có điều kiện triển khai và thực hiện sớm hơn.

Tham gia thảo luận, ĐBQH Châu Thị Quỳnh Dao (Kiên Giang) khẳng định, đây là các nghị quyết liên quan đến giáo dục lần này đều rất quan trọng, bởi thực tiễn đã cho thấy, bậc học mầm non vẫn là giai đoạn đặt nền móng cho sự phát triển của trẻ và sau này nhân sự đó lớn lên còn là nguồn nhân lực của đất nước.

Cũng theo đại biểu, giai đoạn từ 0 - 5 tuổi của trẻ là thời gian gia đình và xã hội chăm lo cho các em phát triển, hoàn thiện cả về thể chất, trí tuệ, cảm xúc và hình thành, rèn luyện năng lực, kỹ năng là tính tự giác, tự học, ham học hỏi, khám phá.

Chia sẻ từ thực tế, đại biểu Châu Thị Quỳnh Dao bày tỏ băn khoăn là nguồn lực để thực hiện các nghị quyết trên. “Chi phí thực hiện phổ cập giáo dục mầm non là trên 116 nghìn tỷ đồng; trong khi chi phí thực hiện cho miễn, hỗ trợ học phí là trên 31 nghìn tỷ đồng/năm dành cho tất cả về cơ sở vật chất, về trang thiết bị, về con người, chế độ chính sách dành cho người dạy, người chăm sóc, chế độ chính sách dành cho người học và duy trì thực hiện chính sách này đến nơi đến chốn,” Đại biểu Quỳnh Dao phát biểu.

Đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ và nâng cao tính dự báo, bởi cả nước còn đang thực hiện nhiều chính sách khác như các Chương trình mục tiêu quốc gia, rồi chính sách giải quyết chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức chịu ảnh hưởng khi sắp xếp lại bộ máy, hay chi cho đợt phòng, chống dịch Covid-19, chi cho đầu tư phát triển…

Trong khâu tổ chức thực hiện, Đại biểu Quỳnh Dao cho rằng, cần bổ sung vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp để đảm bảo quyền và lợi ích của người dân, đảm bảo chính sách nhân văn đi vào thực tiễn và phát huy được hiệu lực, hiệu quả.

68e081590499b1c7e888(1).jpg
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 7

Liên quan đến mục tiêu của các nghị quyết, ĐQBH Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) cho rằng, Chính phủ cân nhắc kỹ để làm sao mà chi trả, hỗ trợ trực tiếp cho học sinh hay về cơ sở giáo dục thì phải đảm bảo chi đúng mục đích, ý nghĩa.

Đại biểu cho rằng, nếu Nhà nước đã hỗ trợ, thì tốt nhất Nhà nước nên hỗ trợ và đảm bảo toàn diện mọi điều kiện, từ cơ sở vật chất, lớp học cho đến đội ngũ giáo viên, rồi các điều kiện khác để thực hiện hiệu quả các nghị quyết.

Riêng với Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, các cơ quan có trách nhiệm cần hết sức quan tâm đến việc đảm bảo bằng được hệ thống trường, lớp cho tất cả trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.

“Thứ hai, phải bố trí đủ giáo viên, nhất là giáo viên mầm non và đầu tư trang thiết bị dạy học tối thiểu, đồng thời bố trí đủ kinh phí để vận hành các cái hoạt động thường xuyên của nhà trường. Đại biểu đề nghị phải cân đối đủ nguồn lực, vì ngoài việc hỗ trợ cho các cháu thì trường nào cũng rất cần nguồn lực để có thể vận hành mới đảm bảo được hiệu quả…

Đặc biệt là với những địa phương còn khó khăn, miền núi và khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Chúng ta phải đảm bảo một cách tương đối công bằng đối với giáo dục của hai khu vực là khu vực công và khu vực tư thục, dân lập,” đại biểu Đoàn Thị Hảo nêu ý kiến.

Đại biểu dẫn nguồn báo cáo đánh giá tác động, dự kiến tổng biên chế còn thiếu của đội ngũ giáo viên mầm non đến năm 2030 là gần 48 nghìn chỉ tiêu. Số biên chế Bộ Chính trị đồng ý bổ sung giai đoạn 2022 - 2026 là trên 26 nghìn, như vậy là mới cân đối chưa được 50%. Chính vì vậy số giáo viên cần phải bổ sung giai đoạn 2026 - 2030 là gần 22 nghìn chỉ tiêu. Với con số gần 22 nghìn chỉ tiêu này, Đại biểu Đoàn Thị Hảo đề nghị quan tâm bổ sung cho khu vực miền núi, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… - những vùng hiện nay còn đang thiếu do không có nguồn tiền bù đắp.

Tuy nhiên, trong báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổng nhu cầu giáo viên cần bổ sung được đưa ra là 64 nghìn, trong đó số giáo viên cần bổ sung để đảm bảo tỷ lệ theo định mức là gần 48 nghìn, số giáo viên thiếu cần bổ sung cho các trường công lập để thực hiện phổ cập là 16.500 giáo viên.

Như vậy là số biên chế cần bổ sung giai đoạn 2026 - 2030 là gần 40 nghìn biên chế chứ không phải là 22 nghìn như dự thảo Nghị quyết. Hai số liệu này cũng cần phải có đối chứng và rà soát lại.

Về trách nhiệm trong tổ chức thực hiện, đại biểu Đoàn Thị Hảo đề nghị cơ quan chủ chủ trì soạn thảo phân định rõ trách nhiệm của bộ, ngành trung ương và trách nhiệm của địa phương. Bởi từ góc độ địa phương, đại biểu chia sẻ, kể cả với những tỉnh cân đối được ngân sách thì nếu không có nguồn Trung ương hỗ trợ thực hiện theo đúng như Nghị quyết, sẽ rất khó thực hiện.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cần bổ sung cơ sở vật chất và giáo viên cho bậc học mầm non
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO