Cần bổ sung cơ chế giải quyết tranh chấp
Nhấn mạnh trong hoạt động của doanh nghiệp phát sinh tranh chấp là khó tránh khỏi, ĐBQH Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) đề nghị, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân cần thiết kế quy định về giải quyết tranh chấp. Điều này sẽ góp phần tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.
Thể chế kịp thời chủ trương của Đảng về kinh tế tư nhân
Tiếp tục Kỳ họp thứ Chín, chiều 15/5, Quốc hội thảo luận tổ về Dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
.jpg)
Cho ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân (gọi tắt là dự thảo Nghị quyết), các đại biểu Tổ 14 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Đồng Tháp, Bắc Giang và Khánh Hòa) bày tỏ đánh giá cao Cơ quan soạn thảo cũng như Cơ quan thẩm tra chỉ trong một thời gian rất ngắn đã hoàn thành dự thảo Nghị quyết.
Việc dự thảo Nghị quyết được hoàn thiện trong thời gian rất ngắn để trình Quốc hội thể hiện sự quyết tâm rất lớn của Quốc hội, Chính phủ trong thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng; được “dư luận đánh giá rất cao, khu vực kinh tế tư nhân rất phấn khởi”, ĐBQH Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) nhìn nhận.
Theo các đại biểu, nội dung được nêu tại dự thảo Nghị quyết rất cụ thể, công phu, thể chế hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Đặc biệt, các nhóm nhiệm vụ tại dự thảo Nghị quyết đã có sự bám sát, thể chế hóa các chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết 68-NQ/TW. Việc dự thảo phân chia ra 3 nhóm nhiệm vụ là rất phù hợp.
Theo đó, thứ nhất, các nhiệm vụ, giải pháp quy định tại Nghị quyết số 68-NQ/TW có nội hàm đã rõ, đủ cụ thể, có tính cấp bách, cần tháo gỡ ngay, có tác động lớn đến niềm tin, hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân nhưng chưa được thể chế hóa hoặc cần sửa đổi, bổ sung, thuộc thẩm quyền của Quốc hội và không thuộc hoặc vượt quá phạm vi điều chỉnh của các Luật đã có trong Chương trình xây dựng pháp luật tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV.
Thứ hai, các nhiệm vụ, giải pháp quy định tại Nghị quyết số 68-NQ/TW có nội hàm tương đối rõ, cần được thể chế hóa, sửa đổi, bổ sung ngay và thuộc phạm vi điều chỉnh của một số Luật đã có trong Chương trình xây dựng pháp luật tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV.
Thứ ba, các nhiệm vụ, giải pháp quy định tại Nghị quyết số 68-NQ/TW mang tính định hướng, chưa quá cấp bách và cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng để đề xuất xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung các luật liên quan, trình Quốc hội xem xét thông qua ở những kỳ họp tiếp theo.
Căn cứ nào để biết doanh nghiệp “tuân thủ tốt quy định”?
Góp ý cụ thể, đại biểu Trần Văn Tuấn cho rằng, tại Chương 2 về cải thiện môi trường kinh doanh đã thể hiện tư duy đổi mới mạnh mẽ công tác thanh tra, kiểm tra; đồng thời bày tỏ đồng tình với định hướng này.

Tuy nhiên, đại biểu tỏ ý băn khoăn với quy định tại khoản 7 Điều 4: “Miễn kiểm tra thực tế tại doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tuân thủ tốt quy định pháp luật”.
“Dựa vào đâu để biết là doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân có tuân thủ tốt quy định pháp luật để miễn kiểm tra?”, đại biểu đặt vấn đề, đồng thời đề nghị cần làm rõ để tạo thuận lợi thực thi.
Đối với nguyên tắc xử lý các vi phạm và giải quyết các vụ việc trong hoạt động kinh doanh (Điều 5), đại biểu Trần Văn Tuấn nhìn nhận, quy định này sẽ tạo sự yên tâm hơn cho doanh nghiệp tư nhân, như phân định rõ giữa trách nhiệm của pháp nhân với trách nhiệm của cá nhân; giữa trách nhiệm hình sự với trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự; giữa trách nhiệm hành chính với trách nhiệm dân sự...
Nhấn mạnh các quy định tại Điều 5 “rất đúng và trúng”, đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị Quốc hội, Chính phủ cùng các bên liên quan cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan, nhất là Luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án... để bảo đảm tính đồng bộ.
Cùng với đó, khoản 6 Điều 5 quy định: Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án. Theo đại biểu, cần bỏ quy định này, vì Luật Tố tụng hình sự đã quy định.
Tại khoản 5, Điều 7 dự thảo Nghị quyết quy định: Trường hợp các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thành lập mới theo quy định tại khoản 4 Điều này mà không được nhận hỗ trợ đầu tư của Nhà nước để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, sau thời hạn 2 năm kể từ ngày khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và không có doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê, thuê lại, thì chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp được quyền cho các doanh nghiệp khác thuê, thuê lại.
Đại biểu Trần Văn Tuấn băn khoăn: Việc quy định “sau thời hạn 2 năm…” sẽ có ảnh hưởng thế nào tới lợi nhuận của đơn vị đầu tư kết cấu hạ tầng? Từ đó, đại biểu đề nghị cần bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp đầu tư hạ tầng (có thể cũng chính là doanh nghiệp tư nhân).

ĐBQH Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) bổ sung, hiện, dự thảo đã có quy định giải quyết phá sản doanh nghiệp theo thủ tục rút gọn (Điều 6). Song, điều này vẫn chưa đủ. Phá sản và giải thể đi liền với nhau. Do đó, dự thảo Nghị quyết cần bổ sung quy định về giải thể doanh nghiệp theo hướng nhanh gọn.
Cũng theo đại biểu, trong hoạt động của doanh nghiệp, phát sinh tranh chấp là khó tránh khỏi. Do đó, để tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân hoạt động, cần phải quan tâm tới cơ chế giải quyết tranh chấp.
Đại biểu đề nghị, cần thiết kế một điều trong dự thảo Nghị quyết về hòa giải thương mại, giải quyết tranh chấp của doanh nghiệp tư nhân thông qua phương thức tòa án và trọng tài thương mại. Thủ tục giải quyết phải nhanh gọn, như thế sẽ góp phần thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển.