Cân bằng tâm lý mùa dịch

- Chủ Nhật, 12/09/2021, 14:39 - Chia sẻ
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp gây ra nhiều thay đổi trong cuộc sống. Người lớn bị mất việc hoặc làm việc tại nhà, trẻ em chuyển sang hình thức học trực tuyến, tương tác trực tiếp với người ngoài bị hạn chế, thậm chí bị cấm. Nỗi lo lắng và cảm nhận không kiểm soát được cuộc sống gia tăng, đặt ra câu hỏi làm sao để giảm căng thẳng, cân bằng tâm lý mùa dịch?

Phá vỡ thói quen thường nhật

Chia sẻ tại tọa đàm "Cân bằng tâm lý, giảm stress trong mùa dịch" do Công đoàn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) tổ chức ngày 11.9, các chuyên gia đều khẳng định, đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn cuộc sống thường nhật, làm dấy lên căng thẳng, sợ hãi, lo lắng về những mất mát cả về sức khỏe thể chất và tinh thần.

Theo TS. Trần Thu Hương, giảng viên khoa Tâm lý học, dịch bệnh với những yếu tố khó lường, đe dọa sức khỏe, tính mạng, sinh kế và vì thế việc xuất hiện các cảm xúc tiêu cực là đương nhiên. Thực tế là tại nhiều địa phương đang giãn cách xã hội. "Trong thời gian giãn cách, con người có thể tự phá vỡ hầu hết giới hạn, thói quen thường nhật của mình, lúc bận rộn thì ước có những ngày được tự do muốn làm gì thì làm, giờ được 'tự do trong giới hạn' lại thấy áp lực và chợt nhận ra sự được - mất trong cái tự do mà trước đây từng mong chờ”, TS. Trần Thu Hương nói.

Các yếu tố gây căng thẳng lớn từ bên ngoài như thiên tai hoặc đại dịch không chỉ tác động đến tâm lý của mỗi cá nhân, làm gia tăng nguy cơ đối với các rối loạn sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu, căng thẳng, mà còn có thể tác động đến những mối quan hệ mật thiết như vợ - chồng, cha mẹ - con cái. PGS, TS. Bùi Thị Hồng Thái, giảng viên khoa Tâm lý học cho rằng, giãn cách xã hội, thay đổi hình thức làm việc và học tập có thể tác động đến các mối quan hệ gia đình theo cả hai chiều hướng là tiêu cực và tích cực.

Những tác động tiêu cực có thể thấy như, vợ chồng cũng có thể căng thẳng, mâu thuẫn trong việc chia sẻ trách nhiệm gia đình; cha mẹ có thể cảm thấy mất cân bằng, khó khăn trong quản lý cảm xúc của bản thân và của con cái. Tuy nhiên, đại dịch ở khía cạnh khác giúp cho mỗi cá nhân và gia đình có cơ hội sống chậm, tận hưởng cuộc sống hướng vào nội tâm, do đó, nó cũng có thể tác động đến các mối quan hệ gia đình theo chiều tích cực. Việc nhận ra những thứ vốn được coi là hiển nhiên trong điều kiện bình thường đã trở thành niềm mơ ước trong hoàn cảnh dịch bệnh làm gia tăng sự chấp nhận, lòng vị tha, trân quý những điều bình thường trong cuộc sống, chấp nhận cuộc sống đơn giản.

Trẻ hạnh phúc khi cha mẹ hạnh phúc

Ảnh: ITN

Tiếp cận tích cực sẽ đưa đến thái độ lạc quan

TS. Trần Thu Hương cho rằng, với một người trưởng thành, công việc, gia đình và tương tác xã hội là ba đích đến có tầm ảnh hưởng sống còn với họ. Giãn cách làm gián đoạn, ngắt con người khỏi các tương tác xã hội, tạo ra “khoảng lặng trong các mối quan hệ”. Những khoảng lặng này có thể xuất hiện ngay cả trong những mối quan hệ thân thiết nhất. Trong khoảng lặng ấy, con người cảm thấy mọi thứ chậm lại, tẻ nhạt, chán chường... Nhưng nếu tận dụng nó để suy ngẫm, cùng một vấn đề xảy ra, cách tiếp cận tích cực sẽ đưa đến hành động và thái độ lạc quan, mang lại sự bình yên cho tâm hồn.

“Thành công, hạnh phúc không phải là vượt qua người khác mà là vượt lên chính mình, vượt qua nghịch cảnh, vượt qua thách thức không mời mà đến. Tin chính mình, nhẫn nại, yêu thương, tôn trọng và biết ơn mọi thứ thuộc về mình, mọi thứ mình đang có, luôn tươi vui lạc quan tận hưởng từng phút giây được sống. Những ngày này chỉ cần khỏe, “sống sót” đã là may mắn và tuyệt vời hơn nếu chúng ta vẫn có một công việc để làm, có gia đình, người thân để yêu thương thì đó là trạng thái tâm lý bình thường mới - Chúng ta đang rất hạnh phúc hơn nhiều người, cần nâng niu và trân quý”, TS. Trần Thu Hương nhấn mạnh.

Còn theo PGS, TS. Bùi Thị Hồng Thái, để cân bằng cuộc sống, giảm căng thẳng do tác động tiêu cực của đại dịch, mỗi người cần thực hành lòng biết ơn. “Đó không phải là thứ gì quá xa vời, mà sự biết ơn khi mỗi ngày vẫn có người thân yêu bên cạnh, được bình an ở nhà, được liên lạc (dù qua điện thoại) với họ hàng, bạn bè”.

Chia sẻ sự gắn bó trong mối quan hệ cha mẹ - con và cảm nhận hạnh phúc của trẻ, TS. Trương Quang Lâm cho rằng, trẻ hạnh phúc khi cha mẹ hạnh phúc. Bản thân cha mẹ cũng cần cân bằng cảm xúc, có cảm xúc tích cực. “Đại dịch là điều bất khả kháng và điều chỉnh nhận thức là nhận ra những điều có giá trị cho bản thân và cho con cái”.

Theo PGS, TS. Bùi Thị Hồng Thái, không có công thức chung cho từng cá nhân, từng gia đình. Do đó, nếu đã cố gắng áp dụng các cách thức khác nhau mà người trong cuộc vẫn cảm thấy bế tắc, khó chịu, không cảm nhận được niềm hạnh phúc trong cuộc sống, hãy nghĩ đến việc tìm kiếm sự trợ giúp của các chuyên gia tâm lý. Việc có người đồng hành, lắng nghe và giúp khám phá bản thân là điều hữu ích trong tiến trình giúp mỗi nguời giảm thiểu căng thẳng và ra được quyết định lành mạnh trong đời sống.

Khải Minh