Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi):

Cân bằng lợi ích giữa người sử dụng và người cung cấp dịch vụ

- Thứ Ba, 14/09/2021, 05:47 - Chia sẻ
Tại Phiên họp sáng qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đặt ra yêu cầu cân bằng lợi ích giữa người sử dụng và người cung cấp dịch vụ khi cho ý kiến với dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Bởi, quy định của dự thảo Luật đang nặng về bảo vệ lợi ích và rủi ro cho người cung cấp bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, nhưng người đi mua, người thụ hưởng bảo hiểm lại chưa được chú trọng đúng mức.

Không phù hợp với nguyên tắc áp dụng pháp luật

Một trong những bất cập được Bộ Tài chính chỉ ra khi sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành đó là, Luật không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp sáng qua vẫn đang chồng chéo và mâu thuẫn với Bộ luật Dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Điều 3, dự thảo Luật đã bổ sung một nguyên tắc mới về áp dụng pháp luật, “trong trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Kinh doanh bảo hiểm và luật khác về cùng một nội dung, liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm, quyền, nghĩa vụ tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm, quản lý nhà nước về hoạt động bảo hiểm, thì thực hiện theo quy định của luật này” - như vậy là quá rộng và không phù hợp với nguyên tắc áp dụng pháp luật quy định tại khoản 3, Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, cũng không bảo đảm tính thống nhất nội tại của dự thảo luật, vì một số điều khoản trong dự thảo luật lại quy định là áp dụng những quy định có liên quan của luật khác.

Việc bảo đảm tính hợp hiến cũng được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đặt ra, khi Điều 6 dự thảo luật đã bổ sung quy định liên quan đến hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin thị trường bảo hiểm. Dù rất cần thiết, nhưng việc quản lý thông tin để đưa vào cơ sở dữ liệu, quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp bảo hiểm, cung cấp thông tin liên quan đến người mua bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, những thông tin liên quan khác là vấn đề phải được Ban soạn thảo rà soát rất kỹ, bảo đảm không trái quy định của Hiến pháp và Bộ luật Dân sự về bảo đảm quyền bí mật riêng tư, bí mật đời tư, thông tin cá nhân, bí mật gia đình.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát các quy định của dự thảo Luật với các luật có liên quan, như Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản, Luật Chứng khoán, Bộ luật Dân sự. Ví dụ, liên quan đến Bộ luật Dân sự, quy định về hợp đồng bảo hiểm trong dự thảo luật cần thống nhất với nguyên tắc quy định về hợp đồng trong Bộ luật Dân sự. Có thể quy định yếu tố đặc thù của hợp đồng bảo hiểm nhưng không được trái với Bộ luật Dân sự. Trong dự thảo luật lần này, quy định về hệ quả của việc hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm hay là hợp đồng vô hiệu trong lĩnh vực bảo hiểm thì hệ quả pháp lý không thể quy định khác với nguyên tắc chung của Bộ luật Dân sự.

Hay trong Luật Doanh nghiệp, cũng cho phép những luật chuyên ngành khác có thể có quy định khác, đặc thù về tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyên ngành, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhận thấy, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cũng đang đi theo hướng đó, nhưng cần rà soát, lý giải những yếu tố đặc thù đó tại sao phải quy định khác với Luật Doanh nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Có tạo cú hích cho thị trường bảo hiểm phát triển mạnh hơn không?

Một trong những mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng đặt ra là hoàn thiện thể chế phát triển, trước hết là thể chế kinh tế thị trường XHCN, trong đó có thành tố quan trọng là thị trường vốn, thị trường bảo hiểm… Nghị quyết cũng nêu, ngoài tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, phải tập trung đầu tư, phát triển những loại dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Bảo hiểm cũng nằm trong các loại dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Thị trường bảo hiểm nước ta phát triển nhanh nhưng còn khá thấp so với tiềm năng của nước ta và với mặt bằng thế giới. Vậy sau khi sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm có tạo ra cú hích cho thị trường phát triển mạnh hơn không? Tư duy là phải kiến tạo, phát triển, chứ không phải chỉ trong thực tiễn vướng mắc mà sửa đổi.

Về phạm vi, đề nghị rà soát một lần nữa, khi nói đến kinh doanh bảo hiểm là nói đến chủ thể kinh doanh bảo hiểm, những ai được phép kinh doanh, cung ứng dịch vụ này, kể cả bảo hiểm vi mô, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức khác có được làm việc này không, anh nào ủy thác? Vấn đề tái bảo hiểm như thế nào? Quy định về sản phẩm bảo hiểm có tính chất đầu tư đã được thể hiện trong dự thảo luật như thế nào? Vấn đề thị trường bảo hiểm, quản lý nhà nước về bảo hiểm…?

Chúng ta rất kiên trì trong tái cơ cấu các doanh nghiệp bảo hiểm, tức là những hệ số an toàn về vốn, tài sản… Vậy những quy định, chính sách khi tái cơ cấu thị trường bảo hiểm được thể hiện trong dự thảo luật ra sao?

Đối với chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại Điều 5, dự thảo luật vẫn còn rất chung chung. Đơn cử, Nhà nước có chính sách khuyến khích, quản lý giám sát, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản phẩm, hiện đại hóa, khuyến khích các tổ chức triển khai bảo hiểm an sinh xã hội, phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp... Trước đây khi làm thí điểm về bảo hiểm nông nghiệp, lúc đầu chúng ta chỉ chọn hộ nông dân thôi, Nhà nước hỗ trợ người dân đóng bảo hiểm rất lớn, vì chúng ta phải có chính sách để người dân làm quen dần với sản phẩm bảo hiểm này.

Thực tế, thị trường bảo hiểm kém phát triển đến nỗi, bất cứ thiệt hại gì về thiên tai, mất mùa Nhà nước đều gánh đỡ, hỗ trợ, toàn là dự phòng ngân sách địa phương, dự phòng ngân sách trung ương, xã hội hóa. Trong khi đó, công cụ phòng ngừa là bảo hiểm chưa phát triển. Bây giờ khi đã ban hành nghị định về bảo hiểm nông nghiệp thì cũng cần rà soát xem nội dung này đã được nâng lên, luật hóa trong dự thảo luật chưa? Hay lĩnh vực về bảo hiểm cho ngư dân, ngư dân chịu nhiều rủi ro bị bão, lụt, cướp biển, nhưng chưa có công cụ bảo hiểm cho lĩnh vực này và đến nay cũng chưa có tiến triển gì? Có thể thấy, chính sách nêu tại Điều 5 vẫn còn mang tính khẩu hiệu, rất cần được rà soát lại.

Tránh thiệt hại cho người mua bảo hiểm

Liên quan đến quyền, lợi ích của người mua bảo hiểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, so với luật hiện hành, Điều 16, dự thảo luật đã bỏ một trường hợp không áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm là bên mua bảo hiểm vi phạm pháp luật do vô ý. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, mục đích của việc mua bảo hiểm là để bù đắp các tổn thất, khắc phục thiệt hại do rủi ro ngẫu nhiên, mà vi phạm pháp luật do vô ý cũng là một sự việc không mong muốn. Cá nhân tuy có thể thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra nguy hiểm cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được. Do đó, đề nghị làm rõ lý do của việc loại bỏ trường hợp này. Quy định như vậy có bảo vệ được quyền lợi của người mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng hay không, nhất là trong trường hợp mua bảo hiểm bắt buộc như bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới?

Về trách nhiệm cung cấp thông tin, Điều 19 dự thảo luật quy định theo hướng “doanh nghiệp bảo hiểm có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm không phải bồi thường trả tiền bảo hiểm và không phải hoàn lại phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm, khi bên mua bảo hiểm không kê khai đầy đủ, chính xác mọi thông tin có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm”. Nêu vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhận thấy, trên thực tế, mức độ vi phạm nghĩa vụ về kê khai rất đa dạng, trong đó có nhiều trường hợp, kê khai không đầy đủ nhưng không ảnh hưởng đến đối tượng, nội dung của hợp đồng bảo hiểm. Nếu quy định như dự thảo luật sẽ dẫn đến tình trạng là doanh nghiệp bảo hiểm lạm dụng quy định gây khó khăn, thậm chí từ chối chi trả cho khách hàng khi sự kiện bảo hiểm xảy ra. Do đó, cần cân nhắc quy định như thế nào để bảo đảm chặt chẽ và tránh thiệt hại cho người mua bảo hiểm.

Hay quy định tại Điều 22, về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu, thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn lại chi phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm sau khi trừ đi các chi phí hợp lý theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm, bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thẳng thắn, quy định này không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự, không bảo đảm quyền lợi của bên mua bảo hiểm. Bởi theo quy định tại Khoản 2, Điều 131 Bộ luật Dân sự, khi giao dịch vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu và hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Theo đó, trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm vô hiệu thì doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn lại toàn bộ chi phí cho bên mua bảo hiểm mà không được trừ đi bất kỳ khoản chi phí nào. Đồng thời bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, về hợp đồng bảo hiểm, dự thảo luật đang nặng về bảo vệ lợi ích và rủi ro cho người cung cấp bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, nhưng người thụ hưởng, đi mua bảo hiểm lại chưa được chú trọng đúng mức. Thực tế, bảo hộ cho doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Kinh doanh bảo hiểm, nhưng đối với người mua bảo hiểm, sử dụng bảo hiểm chưa có tổ chức chuyên ngành nào bảo vệ lợi ích cho họ. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, quy định của dự thảo luật cần cân bằng lợi ích giữa người sử dụng và người cung cấp dịch vụ. Bình đẳng, minh bạch và công khai thông tin.

Anh Thảo