Chính trị

Cần áp dụng hình phạt cao nhất với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh

Đan Thanh 20/05/2025 20:31

Cần coi tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh là tội ác, ngang như tội giết người một cách gián tiếp và mức phạt cao nhất là tử hình. “Nếu chúng ta xem nhẹ tội này thì người dân, xã hội sẽ mất niềm tin”, ĐBQH Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) đề xuất.

Không nên bỏ hình phạt tử hình với tội tham ô, nhận hối lộ

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Chín, chiều 20/5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

b1.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 14. Ảnh: Phạm Thắng

Cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, các đại biểu thảo luận ở Tổ 14 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Đồng Tháp, Bắc Giang, Khánh Hòa) cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự hiện hành với những lý do nêu tại Tờ trình của Chính phủ.

Dự thảo Luật dự kiến bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án tại 8 tội danh có khung hình phạt tử hình của Bộ luật Hình sự hiện nay.

Cụ thể, gồm: Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; tội gián điệp; tội vận chuyển trái phép chất ma túy; tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ.

20.5 ĐB Hoà
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Phạm Thắng

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) tán thành với việc bỏ 6 tội danh khỏi khung hình phạt tử hình; còn lại 2 tội danh đề nghị giữ như quy định hiện hành, gồm tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ; tội vận chuyển trái phép chất ma túy.

Dẫn thực tế tiếp xúc cử tri, đại biểu cho biết, tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ khiến cử tri rất bức xúc.

Trên thực tế, thời gian qua, hầu như chưa có trường hợp nào bị xử tử hình về tội này.

Nhấn mạnh cốt lõi của chính sách hình sự của Nhà nước ta là rất ưu việt, nhân văn, khi khắc phục hậu quả càng nhiều, càng tốt thì càng được giảm án, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng đây cũng chính là để phòng ngừa, răn đe, cảnh tỉnh đối tượng tham ô.

Từ phân tích trên, đại biểu Phạm Văn Hòa mong muốn không bỏ án tử hình, để khi tòa tuyên án hoặc Viện kiểm sát đề nghị tuyên án tử hình thì người phạm tội sẽ phải tìm cách khắc phục hậu quả. Điều này cũng tránh tình trạng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”.

Đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, tình trạng người dân sử dụng, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy rất tinh vi, xảo quyệt, có thái độ rất cực đoan khi các đối tượng này có cả “vũ khí nóng” để chống lại cơ quan chức năng. Bởi vậy, tùy từng mức độ để xử lý hình sự. Khung tối đa là phải tử hình, không thể tha cho tội phạm này, đại biểu nhấn mạnh.

Tán thành ý kiến trên, ĐBQH Trần Văn Sáu (Đồng Tháp) đề xuất nên giữ án tử hình với tội vận chuyển trái phép chất ma túy, vì tình hình ma túy hiện rất phức tạp. “Mục tiêu là phải giảm cung, giảm cầu, giảm hệ lụy xã hội. Do đó, kiên quyết với tội phạm này là hết sức cần thiết, không thể nhân nhượng”.

b2.jpg
ĐBQH Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Phạm Thắng

“Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh là tội giết người”

Tán thành với việc cần giữ nguyên hình phạt tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy, ĐBQH Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) bổ sung, ở thời điểm này, phải giữ hình phạt tử hình tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. “Tội này không thể xem nhẹ”, đại biểu nhấn mạnh.

Theo đại biểu, hiện nay, người dân rất lo lắng về môi trường sinh thái xã hội, môi trường sống, bởi đang có rất nhiều mối đe dọa: lừa đảo trên không gian mạng, chất lượng không khí, trật tự xã hội, nhất là mối lo hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; đặc biệt là sản xuất nguyên liệu thực phẩm đưa vào bữa ăn hàng ngày gây ra những căn bệnh nguy hiểm.

Từ thực tế đó, đại biểu Lê Hữu Trí đề xuất, cần coi tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh là tội ác, ngang như tội giết người một cách gián tiếp.

“Nếu chúng ta xem nhẹ tội này thì người dân, xã hội sẽ mất niềm tin. Đồng thời, nếu như xem nhẹ sẽ làm khác đi định hướng, chiến lược của Đảng và Nhà nước ta trong phát triển chất lượng nhân lực, phát triển con người Việt Nam cả về trí tuệ, thể lực để đưa đất nước vươn mình”, đại biểu Lê Hữu Trí nói.

Cũng theo đại biểu, tội sản xuất, chế biến nguyên liệu thức ăn có chứa độc tố mạnh, những hóa chất độc hại gây nguy hiểm cho con người cũng phải được coi là tội phạm hình sự. Hiện, Bộ luật Hình sự chưa quy định nội dung này, lâu nay mới chỉ xử lý hành chính. Cần bổ sung tội này vào tội phạm hình sự để bảo đảm tính răn đe, có như thế mới củng cố niềm tin của người dân, xã hội”.

ĐBQH Tuấn
ĐBQH Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Phạm Thắng

Nên coi sử dụng trái phép chất ma túy là tội phạm hay bệnh nhân?

Dự thảo Luật bổ sung tội sử dụng trái phép chất ma túy nhằm xử lý nghiêm đối với người đang trong quá trình cai nghiện hoặc ngay sau khi kết thúc quá trình cai nghiện vẫn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy.

Bày tỏ “hoàn toàn thống nhất” với dự thảo, đại biểu Lê Hữu Trí phân tích: nhiều năm qua, chúng ta coi đối tượng này là bệnh nhân xã hội, tổ chức cai nghiện tập trung, đầu tư tiền của cho công tác này, song tình trạng mua bán chất ma tuý ngày càng tinh vi hơn, mức độ vi phạm lớn hơn; việc sử dụng chất ma túy cũng ngày càng phổ biến hơn. “Đây là mối đe dọa cho mỗi gia đình trong xã hội hiện nay”.

Theo đại biểu, để hạn chế tình trạng này, cần xem tội sử dụng trái phép chất ma túy chính là tội phạm hình sự, như cách một số nước đã làm, để bảo đảm tính răn đe.

Lý lẽ, khi đã sử dụng chất ma túy, đã nghiện thì rất khó cai nghiện thành công, khả năng tái nghiện rất lớn. Đối tượng nghiện ma túy không phải là đối tượng sử dụng ma túy, mà còn gây ra một loại tội phạm khác như trộm cắp, cướp của, giết người… Vì vậy, cần coi đây là một loại tội phạm được xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, ĐBQH Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) đề nghị, việc bổ sung tội sử dụng trái phép chất ma túy vào Bộ luật Hình sự cần có nghiên cứu, đánh giá tác động thật kỹ; tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Một điểm khiến đại biểu Trần Văn Tuấn băn khoăn là dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự có hơn 50 trang thì hơn 10 trang là sửa đổi, bổ sung các luật gồm Luật Thi hành án hình sự; Luật Đặc xá; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Công an nhân dân. Một số nội dung sửa đổi các luật khác nhưng không hoàn toàn trực tiếp liên quan đến hình sự.

Nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung các luật trên là “hết sức cần thiết”, song theo đại biểu, cần cân nhắc đưa vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự. Nếu đưa vào thì cần liệt kê đầy đủ tên các luật cần sửa đổi, bổ sung; hoặc có thể tách riêng thành một luật sửa đổi, bổ sung 4 luật.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cần áp dụng hình phạt cao nhất với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO