Vịnh Cam Ranh, thuộc tỉnh Khánh Hòa, nằm trên tọa độ 11 độ kinh Đông, 12,10 độ vĩ Bắc. Bán đảo Cam Ranh chạy từ Bắc xuống Nam, được bao quanh bởi hai nhánh đảo, ngoài cửa vịnh có các cù lao và đảo nhỏ chắn gió, biến nơi này trở thành một trong những vịnh lặng sóng nhất thế giới. Nhờ cấu tạo địa hình đặc biệt, vịnh Cam Ranh có điều kiện thủy văn, địa chất rất thuận lợi, thủy triều trong vịnh khá đều đặn, tương đối đúng giờ, đáy vịnh bằng phẳng, chủ yếu là cát pha bùn khá vững. Vịnh Cam Ranh có chiều rộng trung bình 8-10km, chiều dài ăn sâu vào đất liền từ 12-13km, có diện tích hơn 60km2, có độ sâu từ 18 đến 32m, tàu có trọng tải 100.000 tấn có thể ra vào dễ dàng. Bên cạnh đó, Cam Ranh chỉ cách đường hàng hải quốc tế khoảng một giờ tàu biển, có vị trí địa - chính trị chiến lược quan trọng trên các tuyến hàng hải quốc tế trong khu vực biển Đông như Singapore, Hong Kong, Thượng Hải, Yokohama. Với một loạt các điều kiện tự nhiên thuận lợi, Cam Ranh được đánh giá là một trong những cảng nước sâu có lợi thế hàng đầu thế giới.
Vị trí chiến lược quân sự
Từ xa xưa, các nhà quân sự đã nhận thấy vịnh Cam Ranh hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi để trở thành một quân cảng lớn trong khu vực. Chính vì vậy, ngay từ những năm 1900, hải cảng này đã nằm trong tầm ngắm của Nga hoàng, Pháp, Nhật Bản...

Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ thậm chí đã chi tới hơn 300 triệu USD để mở rộng Cam Ranh, biến nơi đây trở thành một trong những căn cứ quân sự quan trọng nhất ở nước ngoài. Năm 1965, Mỹ quyết định xây dựng Cam Ranh thành căn cứ quân sự liên hợp hải-lục-không quân và khu hậu cần lớn nhất Đông Nam Á phục vụ chiến tranh Việt Nam, đồng thời khống chế hành lang phía tây Thái Bình Dương. Năm 1968, quân số của quân đội Mỹ ở Cam Ranh lên tới 30.000 người.
Từ năm 1979, theo hiệp định ký kết giữa Việt Nam với Liên Xô, cảng Cam Ranh được dùng làm căn cứ hậu cần của Hạm đội Thái Bình Dương với diện tích khoảng 100km2 trong thời hạn 25 năm. Vào thời kỳ cao điểm năm 1986, quân số cao nhất lên tới 6.000 quân nhân và kỹ sư, công nhân Liên Xô/Nga làm việc tại đây. Có thể nói, Cam Ranh trở thành căn cứ hậu cần lớn nhất của Hải quân Liên Xô ở nước ngoài vào thời điểm đó, làm đối trọng với căn cứ hải quân ở hải ngoại lớn nhất của Mỹ tại Subic, Philippines.
Nhiều nhà quân sự phương Tây đã gọi Cam Ranh là một “pháo đài tự nhiên lý tưởng”, “một đồn phòng vệ của Thái Bình Dương”. Bên cạnh lối ra vào hẹp, Cam Ranh còn được các dãy núi cao khoảng 400m vây quanh, biến cảng này trở thành một pháo đài vô cùng lợi hại, khó công, dễ thủ, có thể khống chế cả toàn khu vực biển Đông và là khu phòng thủ trọng yếu chiến lược trấn giữ giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Nếu bố trí tên lửa phòng không ở vịnh Cam Ranh và những cao điểm xung quanh thì toàn bộ eo biển Malacca và eo biển Singapore đều nằm trong tầm khống chế của hỏa lực những tên lửa đó. Ngoài ra, vịnh Cam Ranh còn có thể cho phép triển khai hệ thống giám sát điện tử để kiểm soát toàn bộ khu vực Bắc Ấn Độ Dương, vịnh Persia, biển Hoa Đông và Biển Đông.
Với tổng diện tích mặt nước rộng 98km2 và mực nước sâu phổ biến ở mức 16 - 25m, vịnh Cam Ranh có thể tiếp nhận đồng thời khoảng 40 tầu chiến cỡ lớn cùng neo đậu, kể cả tàu sân bay. Vừa có lợi thế tự nhiên rất có lợi cho quân sự, quốc phòng lại cận kề tuyến đường vận tải biển quốc tế trọng yếu nên vịnh Cam Ranh luôn được hải quân các cường quốc coi là “trung tâm dịch vụ hậu cần” quan trọng.
Đánh giá về lợi thế của Cam Ranh, các nhà quân sự Mỹ từng nhận định “ai làm chủ được Cam Ranh, sẽ giành được lợi thế ở biển Đông”.
Lợi ích kinh tế
Năm 2001, sau khi Nga quyết định rút khỏi Cam Ranh, Việt Nam từng bước xây dựng Cam Ranh thành một trung tâm cảng dịch vụ tổng hợp, phục vụ cho tàu hải quân của Việt Nam, đồng thời làm dịch vụ hậu cần kỹ thuật cho tàu hải quân, tàu kinh tế của các nước.
Quyết định xây dựng một trung tâm dịch vụ hậu cần kỹ thuật tại Cam Ranh có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của Cam Ranh, đồng thời thu hút sự chú ý của giới đầu tư quốc tế.
Trong xu thế toàn cầu hóa, các liên minh kinh tế khu vực ngày càng được củng cố và mở rộng, đặc biệt là ở châu Á - Thái Bình Dương, khu vực được đánh giá là có nền kinh tế năng động nhất thế giới. Hoạt động tích cực của Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đang đẩy nhanh tốc độ hội nhập của các nền kinh tế thành viên, tạo ra những mạng lưới kinh tế phát triển hiệu quả nhất thế giới. Chính vì vậy, trong mạng lưới kinh tế phát triển năng động này, tận dụng lợi thế tự nhiên để biến Cam Ranh trở thành một trong những thương cảng lớn nhất khu vực sẽ đem lại nguồn lợi kinh tế vô cùng lớn. Đối với giới đầu tư nước ngoài, Cam Ranh đang sở hữu một vị trí đắc địa, là điểm hội tụ của các tuyến đường biển quan trọng trong khu vực cũng như trên thế giới. Chính vì vậy, đặt chân được vào Cam Ranh sẽ là một bước tiến vào khu vực Đông Nam Á, một thị trường với hơn 500 triệu dân, có tiềm lực phát triển lớn.
Trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, Cam Ranh luôn giữ vai trò là một cảng quân sự quan trọng hàng đầu. Hội tụ đầy đủ những ưu thế mang tầm chiến lược về địa lý, hàng hải cũng như vị thế lịch sử quan trọng, Cam Ranh ngày nay hấp dẫn cả các nhà đầu tư quốc tế. Với kế hoạch đưa Cam Ranh trở thành một cảng dịch vụ tốt nhất khu vực, Chính phủ Việt Nam hy vọng sẽ khai thác có hiệu quả nhất những tiềm năng, lợi thế của Cam Ranh phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.